4/05/2011

MỘT CÁI NHÌN ĐẸP VỀ KINH THÁNH

              Một trong những cái nhìn bao quát đẹp đẽ nhất về Kinh Thánh là của cố Tấn sĩ Somerville ở Tô-cách-lan như sau. Ông đã sánh Kinh Thánh với một Đền thờ. Ông nói: “Chúng ta có thể ví sánh Kinh thánh nầy với một Đền thờ lộng lẫy đã phải xây dựng mười bảy thế kỷ. Nhà kiến trúc sư và tạo dựng nên nó là Đức Chúa Trời, và bất cứ chỗ nào trong Kinh Thánh, các bạn cũng có thể thấy dấu vết của cùng một bàn tay mà bạn có thể phân biệt bởi những công tác đẹp đẽ của sự sáng tạo.
              Đền thờ nầy gồm có sáu mươi sáu phòng rộng lớn – dầu kích thước không đều nhau. Mỗi một câu trong số 31.173 câu của Kinh Thánh là một viên đá, một cây xà, hoàn hảo hơn cả công trình xây dựng của Salômôn hay Xôrôbabên. Đền thờ đẹp đẽ nầy là của cả Gia đình Đức Chúa Trời. Tại đó, con dân Chúa được trưng dưỡng, chăm sóc, dạy dỗ, sắm sẵn cho sự sống đời đời. Và chẳng những trong khuôn viên thánh khiết đó, người ta chỉ thấy Hội thánh của Đức Chúa Trời, mà chính Đức Chúa Trời cũng luôn luôn hiện diện. Chúng ta hãy tận dụng sự cho phép của Nhà Vua để bước vào. Chúng ta đến gần qua một khu vườn đẹp đẽ, đó là vườn Êđen. Toà lâu đài đầu tiên chúng ta đến là một toà nhà cổ kính nhất. Nó gồm năm phòng; đó là các phòng của luật pháp và công lý – năm sách của Môi- se. Đây là phần hành lang đối với phần còn lại. Qua khỏi đó chúng ta đến một dãy gồm mười hai căn là thư viện của lâu đài, chứa các tàng thư lịch sử, những văn khế suốt một nghìn năm của Hội thánh từ Giô-suê đến Ê-xơ-tê. Rồi chúng ta vào vận động trường của các thánh, sân thể thao của lâu đài là sách Gióp. Và tất cả chúng ta bỗng thấy mình đứng giữa phòng hoà nhạc của lâu đài – sách Thi-thiên, là nơi trú ngụ của đoàn nam và nữ nhạc công với trống, phách, cung, đàn…
               Sau đó chúng ta vào phòng giao tế - sách Châm ngôn; và kế bên là một phòng nhỏ nhưng rất quan trọng, phòng giáo hoá những kẻ phạm pháp – sách Truyền đạo. Kế đó là một giảng đường đẹp đẽ, được thiện cảm của những kẻ tang chế, sách Ca thương. Và đó đây trong phòng nầy của lâu đài là những Hoa viên đẹp đẽ theo kiến trúc Đông phương – sách Ru-tơ và Nhã-ca của Salômôn. Rồi chúng ta đến mười lăm phòng tráng lệ đặc biệt. Bước vào, các bạn sẽ ngạc nhiên bởi vẻ nguy nga đập ngay vào mắt – đây là những buồng của lời Tiên tri.
               Bây giờ, chúng ta đến phần tân kỳ nhất của toà lâu đài. Bước vào, chúng ta thấy mình băng qua bốn phòng cẩm thạch thuần chất hơn hết, và khi nhìn lên tường, ta thấy bốn bức chân dung toàn thân của chính Chủ nhân lâu đài, do bàn tay vô đối của Thánh Linh vẽ ra – đó là bốn sách Tin lành. Khi rời các phòng nầy, bạn sẽ nghe những tiếng động lạ kỳ như tiếng động cơ – tiếng bánh xe, tay quay, răng cưa – và mọi vật đều biểu lộ một vẻ hoạt động lạ thường. Bạn tìm ổ máy nhưng không thấy. Nó ở phía trên. Đây là phòng làm việc của lâu đài – sách Công Vụ các Sứ Đồ. Qua khỏi đó, chúng ta đến một dãy những căn phòng rất sang trọng – hai mươi mốt căn tất cả; và ta thấy không dưới mười bốn căn đều có khắc cùng một tên đáng kính – tên của vị Sứ đồ cho dân ngoại bang; những căn khác có tên của Giăng, Gia-cơ, Giu-đe và Phi-e-rơ. Đấy là những phòng thư tín của các vị Sứ đồ, nơi Chủ nhân đã chọn để chất chứa các kho tàng phong phú nhất của Nhà Ngài. Và bây giờ, chúng ta đến phần cuối của lâu đài, vào một hành lang bí mật, nơi tranh tối tranh sáng lẫn lộn một cách khác thường; và chúng ta thấy xuất hiện trước mắt những hình vẽ rất đỗi kỳ dị. Chúng ta đang ở trong gian hành lang bí mật của sách Khải Thị. Ở đó, chúng ta thấy Hội Thánh tương lai của Đấng Christ trên đất cho đến lúc chính Đấng Christ là Tân Lang đến.
              Hãy bước ra bao lơn và nhìn ngoài xa, đó là một đồng cỏ tươi đẹp với dòng Sông Nước Sự Sống thuần khiết, và bên bờ là Cây Sự Sống với trái trổ mười hai mùa, và lá dùng chữa lành cho các dân. Và phía trên cao là một Thành phố toàn bằng vàng ròng, ngự trị trên đỉnh những ngọn đồi vĩnh cửu đang tắm mình trong ánh sáng và chói lòa trong hào quang – Thành Giê-ru-sa-lem Mới với nền toàn bằng kim cương, vách bằng ngọc bích, cửa nạm trân châu, không cần mặt trời, mặt trăng soi sáng vì vinh quang của Đức Chúa Trời soi sáng cho, và Chiên Con là ánh sáng của Thành”.

(Trích “Các nguyên lý cấu tạo Kinh thánh” của F. E. MARSH
- KREGEL PUBLICATION – Grand Rapids, Michigan – 1967).
(nguồn: http://dangvandang.blogspot.com/)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét