8/30/2013

VÀI NÉT VỀ WATCHMAN NEE (NGHÊ THÁC THANH)

Watchman Nee, tức Nghê Thác Thanh, sinh trưởng trong một gia đình Cơ Đốc nhưng thực sự tin Chúa vào năm 1920 tại Trung Hoa khi ông 17 tuổi. Từ đó ông bắt đầu phục vụ Chúa, và đặc biệt là viết các văn phẩm Cơ Đốc. Trải qua 30 năm thi hành chức vụ, ông đã tỏ ra là một ân ban độc đáo Chúa dành cho Thân thể Ngài vì cớ sự chuyển động của Ngài trong thời đại này. Chức vụ của ông tập trung vào hai phương diện: sự sống bề trong và Thân thể Đấng Christ. Năm 1952, vì chứng cớ của Chúa, ông bị giam cầm cho đến khi qua đời tại Hoa Lục năm 1972 như một tôi tớ trung tín của Ngài.

Lời rao giảng của ông vẫn đem đến nhiều khải thị và sự cung ứng thuộc linh phong phú cho các Cơ Đốc nhân trên khắp thế giới. Các tác phẩm tiêu biểu của ông đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt là Nếp Sống Bình Thường Của Cơ Đốc Nhân, Ngồi Đi Đứng, Đức Chúa Trời Của Áp-ra-ham, Y-sác Và Gia-cốp, Đức Tin Cơ Đốc Bình Thường, Những Người Đắc Thắng Của Đức Chúa TrờiHội Thánh Vinh Hiển 
NHỮNG KHẢI THỊ THẦN THƯỢNG ĐỨC CHÚA TRỜI ĐÃ SOI SÁNG CHO DÂN NGÀI QUA CHỨC VỤ CỦA WATCHMAN NEE
Standing: A. Mayo (Australia), Dr. Powell, Faithful Luke, Phillips,
Joseph James Joyce (Australia), Ye, W. J. House (Australia) 

Seated: John Chang, Emily Joyce, Unknown, Watchman Nee.

Watchman Nee hoàn toàn tin nhận một đức tin chính thống, phù hợp với Kinh Thánh mà tất cả các Cơ Đốc nhân thật vẫn giữ. Anh tin vào sự hà hơi từng lời từng chữ của Kinh Thánh và Kinh Thánh là Lời thánh của Đức Chúa Trời. Anh tin rằng Đức Chúa Trời là tam nhất – Cha, Con và Linh, là ba cách riêng biệt, nhưng hoàn toàn là một, đồng hiện hữu, và tồn tại trong nhau từ đời đời đến đời đời. Anh tin rằng Jesus Christ là Con của Đức Chúa Trời, thậm chí là chính Đức Chúa Trời, nhập thể như một con người, với sự sống con người và sự sống thần thượng, Ngài chết trên thập tự giá để hoàn thành sự cứu chuộc. Từ người chết Ngài sống lại trong thân thể vào ngày thứ ba, Ngài lên trời và lên ngai, đội vương miện vinh hiển, được lập làm Chúa của tất cả, Ngài sẽ trở lại để tiếp nhận những người theo Ngài, để cứu Israel và lập vương quốc một ngàn năm của Ngài trên đất. Anh tin rằng những ai tin Jesus Christ đều được Đức Chúa Trời tha thứ, được rửa bằng huyết cứu chuộc của Ngài, được xưng công chính bởi đức tin, được tái sinh bởi Thánh Linh và được cứu bởi ân điển. Những tín đồ như vậy là con của Đức Chúa Trời và là một chi thể của Thân thể Đấng Christ. Anh cũng tin rằng phần định trước của mỗi tín đồ là trở nên một phần thiết yếu của Hội thánh, Hội thánh là Thân thể của Đấng Christ và là nhà của Đức Chúa Trời.
Ngoài năm phương diện cơ bản này của đức tin Cơ Đốc, Watchman Nee được soi sáng sâu xa hơn và nhận được sự khải thị rõ ràng từ Chúa về năm mươi ba sự dạy dỗ khác phù hợp với Kinh Thánh, là những điều trọng yếu để hiểu biết và thực hành đức tin Cơ Đốc cách đầy đủ.
TỪ NĂM 1920 ĐẾN 1932
1. Tính Bảo Đảm Của Sự Cứu Rỗi
Một trong những điều cơ bản Chúa đã khải thị cho Watchman Nee là tính bảo đảm của sự cứu rỗi của người tín đồ. Vào thời đó, tất cả các nhóm Cơ Đốc nhân ở khắp Trung Quốc đều hiếm khi nào giảng dạy lẽ thật của Kinh Thánh về tính bảo đảm của sự cứu rỗi. Tuy nhiên, Watchman Nee vô cùng sáng tỏ về vấn đề này và rao giảng phúc âm cho Cơ Đốc nhân để giúp họ nhận biết mình đã được cứu. Anh có thể dùng Lời đã được chép ra để bày tỏ rằng người tín đồ có thể tuyệt đối biết chắc mình đã được cứu. Anh giúp những người có lòng nghi ngờ lấy một câu Kinh Thánh chẳng hạn như Giăng 3:16 và nghiền ngẫm mà tiếp nhận vào cho đến khi lời này trở thành một lời rõ ràng cho họ rằng họ không bao giờ có thể hư mất. Anh cũng chỉ cho họ thấy Linh Đức Chúa Trời cư ngụ trong họ và làm chứng với linh họ rằng họ là con cái của Đức Chúa Trời (La. 8:16). Một bằng cớ sâu xa hơn về tính bảo đảm của sự cứu rỗi mà Watchman Nee chia sẻ là 1 Giăng 3:14: “Chúng ta biết rằng mình đã vượt khỏi sự chết mà vào sự sống vì chúng ta yêu thương các anh em”.
2. Sự Khác Biệt Giữa Ân Điển Và Luật Pháp
Hầu hết Cơ Đốc nhân vào thời ấy không biết chắc mình được cứu, vì họ không biết sự khác biệt giữa ân điển và luật pháp. Watchman Nee nhận được khải thị sáng tỏ của Chúa rằng sự cứu rỗi chỉ bởi ân điển mà thôi, không phải bởi việc làm theo luật pháp. Nếu sự cứu rỗi là vấn đề luật pháp, thì sẽ tùy thuộc vào việc làm của chính chúng ta. Nhưng sự cứu rỗi thuộc về ân điển của Chúa, chỉ tùy thuộc vào Ngài là ai và Ngài đã làm gì cho chúng ta.
3. Sự Khác Biệt Giữa Sự Cứu Rỗi Và Sự Đắc Thắng
Một số Cơ Đốc nhân không biết sự khác biệt giữa sự cứu rỗi và sự đắc thắng. Đó là một nguyên nhân khác đã gây ra tình trạng không biết chắc mình được cứu. Ngay giây phút chúng ta tin vào Chúa Jesus Christ, sự cứu rỗi của chúng ta được bảo đảm. Tuy nhiên, sự đắc thắng là vấn đề đắc thắng tội lỗi, thế gian, xác thịt, bản ngã, và tất cả những điều tiêu cực khác trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Là con cái của Đức Chúa Trời, phần định trước đời đời của chúng ta được bảo đảm mãi mãi bởi đức tin đơn sơ trong Christ Jesus về sự cứu rỗi của mình. Nhưng sự đắc thắng là vấn đề đời sống hằng ngày của chúng ta và có liên quan đến phần thưởng có tính cách gia tể.
4. Sự Khác Biệt Giữa Sự Cứu Rỗi Và Phần Thưởng
Những Cơ Đốc nhân nào không sáng tỏ về sự khác biệt giữa sự cứu rỗi và phần thưởng sẽ khó có thể biết chắc mình có được cứu hay không. Sự khác biệt này được bày tỏ rõ ràng cho Watchman Nee. Sự cứu rỗi thì chỉ nhờ ân điển, qua đức tin (Êph. 2:8), trong khi phần thưởng là kết quả do làm theo ý muốn Chúa (Mat. 16:27; 1 Cô. 3:14).
5. Sự Khác Biệt Giữa Vương Quốc Của Các Từng Trời Và Sự Sống Đời Đời
Một số Cơ Đốc nhân do dự khi nói rằng mình đã được cứu, vì họ không sáng tỏ về sự khác biệt giữa việc có sự sống đời đời và việc vào vương quốc của các từng trời. Khi một người tin nơi Chúa Jesus để được cứu, người ấy nhận được sự sống đời đời. Nhưng để bước vào vương quốc của các từng trời, một người phải sống dưới sự cai trị của nước trời. Một đời sống như vậy là một sự tập luyện trong thời đại Hội thánh ngày nay và làm cho chúng ta đủ điều kiện dự phần trong sự cai trị ngàn năm bình an của Chúa trong thời đại vương quốc. Sự dự phần ấy là phần thưởng dành cho việc sống một cuộc đời dưới sự cai trị của nước trời và không phải là vấn đề sự cứu rỗi đời đời. Watchman Nee nhận được khải thị thấu suốt và sáng tỏ về vấn đề này.
6. Các Lẽ Thật Về Vương Quốc
Watchman Nee cũng nhìn thấy cách đầy đủ lẽ thật về vương quốc trong Tân Ước. Anh thấy rằng Tân Ước phân biệt giữa vương quốc của các từng trời và vương quốc của Đức Chúa Trời. Vương quốc của Đức Chúa Trời bao hàm toàn thể sự trị vì của Đức Chúa Trời từ cõi đời đời quá khứ đến cõi đời đời tương lai. Nhưng vương quốc của các từng trời là một lãnh vực nhỏ hơn nằm trong vương quốc của Đức Chúa Trời, đó là sự cai trị thiên thượng giữa vòng các tín đồ trong thời đại Hội thánh hiện nay (Mat. 5:3, 10), và là phần thưởng trong thời đại vương quốc sắp đến (Mat. 5:20; 7:21). Tất cả các tín đồ được tái sinh đều ở trong vương quốc của Đức Chúa Trời (Gi. 3:5), nhưng chỉ những ai sống cuộc đời mình dưới sự cai trị thiên thượng mới thừa kế thời đại vương quốc như phần thưởng. Vương quốc của Đức Chúa Trời liên quan đến sự cứu rỗi, trong khi vương quốc của các từng trời liên quan đến phần thưởng.
7. Sự Cất Lên
Cùng với khải thị về vương quốc, Chúa cũng ban cho Watchman Nee khải thị về sự cất lên. Theo thần học cơ bản hiện hành, các Cơ Đốc nhân được dạy rằng nếu họ đã được cứu, khi Chúa trở lại, tất cả đều sẽ cùng nhau có phần trong sự cất lên chung, cùng với toàn thể Hội thánh trước cơn đại nạn.Nhưng Watchman Nee nhận biết rằng không phải tất cả các Cơ Đốc nhân đều được cất lên cùng một lúc. Một số tín đồ sẽ trở thành những người đắc thắng trưởng thành trước cơn đại nạn, vì vậy, họ sẽ được cất lên trước. Tuy nhiên, đại đa số tín đồ về sau mới trưởng thành, cho nên họ sẽ được cất lên sau. Vương quốc là vấn đề phần thưởng, và sự cất lên là vấn đề trưởng thành. Sự cất lên có thể được so sánh với mùa gặt. Nếu một vụ mùa chưa chín, nó sẽ không được gặt hái và thâu trữ vào kho. Trước hết mùa màng phải chín đến mức trọn vẹn. Tất cả các Cơ Đốc nhân đều phải chín trong sự sống. Khi họ chín, Chúa sẽ thâu gặt họ và đem họ vào kho lẫm thiên thượng. Chúng ta cần ghi nhớ kỹ hai điểm này: 1) vương quốc là phần thưởng cho những tín đồ đắc thắng, và 2) sự cất lên đòi hỏi tình trạng trưởng thành của những người đắc thắng.
8. Sự Lệch Hướng Của Cơ Đốc Giáo
Không bao lâu sau khi được cứu, nhờ nghiên cứu Kinh Thánh, Watchman Nee và một vài tín đồ trẻ tuổi khác, là những sinh viên, bắt đầu nhận biết Cơ Đốc giáo ngày nay rất bất bình thường. Chúa cho họ thấy trên thực tế hiện tại, hầu như về mọi mặt, Cơ Đốc giáo đã lệch khỏi con đường Đức Chúa Trời đã định trong Lời thánh của Ngài.
9. Hội Thánh, Ecclesia, Thân Thể Của Đấng Christ
Chúa ban cho Watchman Nee một khải thị sáng tỏ về Hội thánh của Ngài. Anh Nee giảng dạy rằng Hội thánh không phải là một tòa nhà, một tổ chức hay một hội truyền giáo. Nhưng Hội thánh là một cơ cấu hữu cơ. Đó là một thân thể sống động. Theo một nghĩa khác, là “ecclesia”, tức là sự qui tụ của những người được gọi ra khỏi.
10. Hai Phương Diện Của Hội Thánh
Watchman Nee thấy rằng Hội thánh vừa có tính hoàn vũ, vừa có tính cách địa phương. Trong cả vũ trụ, chỉ có một Hội thánh, là Hội thánh của Đức Chúa Trời (1 Cô. 10:32). Hội thánh duy nhất này được bày tỏ ra tại nhiều địa phương trên đất, và đó là Hội thánh địa phương tại mỗi địa phương. Hội thánh hoàn vũ bao gồm tất cả các Hội thánh địa phương, và các Hội thánh địa phương là biểu hiện thực tế của Hội thánh hoàn vũ. Ma-thi-ơ 16:18 bày tỏ Hội thánh hoàn vũ, và chúng ta thấy Hội thánh địa phương trong Ma-thi-ơ 18:17. Nếu không có các Hội thánh địa phương, chúng ta không cách nào tham dự vào Hội thánh hoàn vũ và không cách nào có nếp sống Hội thánh thực tiễn. Trong sách Công Vụ, các Thư tín và Khải Thị, Hội thánh được bày tỏ như các Hội thánh địa phương, tức là Hội thánh tại Giê-ru-sa-lem, Hội thánh tại An-ti-ốt, Hội thánh tại Ê-phê-sô, v.v... Sự quản trị của Hội thánh không có tính cách hoàn vũ nhưng có tính cách địa phương.
11. Chủ Nghĩa Giáo Phái
Trong khi nhận được khải thị về Hội thánh, Watchman Nee cũng nhìn thấy cái xấu của chủ nghĩa giáo phái. Chủ nghĩa giáo phái chia rẽ Thân thể của Đấng Christ thành nhiều tổ chức. Điều này bị Kinh Thánh lên án (1 Cô. 1:11-13).
12. Hệ Thống Giáo Phẩm Và Hệ Thống Cấp Bậc
Watchman Nee cũng nhận được ánh sáng về hệ thống giáo phẩm–giáo dân. Hệ thống này bao gồm cấp bậc, giai cấp và địa vị trong một hình thái Cơ Đốc giáo đã suy thoái trở thành tổ chức của loài người. Giáo hội Công giáo La Mã có các linh mục, giám mục, tổng giám mục, hồng y và giáo hoàng. Anh Quốc Giáo có các mục sư, giám mục và tổng giám mục, được phong cho quyền làm đầu để cai trị toàn giáo hội. Những Hội thánh Cải Chánh có các mục sư. Hệ thống giáo phẩm này rõ ràng trái với khải thị của Tân Ước và làm mất chức năng của các chi thể trong Thân thể Đấng Christ. Chủ nghĩa giáo phái chia cắt Thân thể Đấng Christ ra làm nhiều mảnh và hàng giáo phẩm hủy diệt chức năng của tất cả các chi thể trong Thân thể ấy.
13. Chức Vụ Tế Lễ Phổ Thông
Chức vụ tế lễ phổ thông là một lẽ thật khác nữa đã được bày tỏ cho Watchman Nee. Anh thấy rằng chức vụ tế lễ trong Tân Ước khác với chức vụ tế lễ trong Cựu Ước. Chức vụ tế lễ trong Cựu Ước cuối cùng được phong cho các con của A-rôn, đưa đến tình trạng một giai cấp giáo phẩm khác với những người thường. Nhưng chức vụ tế lễ Tân Ước được ban cho tất cả các tín đồ (Khải 1:6; 1 Phi 2:5, 9). Trong Tân Ước không có giáo phẩm và giáo dân, tất cả đều là các thầy tế lễ.
14. Chức Vụ Trưởng Lão Bình Đẳng, Chức Vụ Trưởng Lão Đúng Đắn
Watchman Nee nhận được khải thị rõ ràng từ Kinh Thánh rằng Hội thánh cần phải được quản trị do một ban trưởng lão bình đẳng. Mỗi Hội thánh địa phương cần một nhóm anh em có kinh nghiệm lãnh đạo và trông nom các sinh hoạt của Hội thánh. Trong Kinh Thánh, nhóm người này được gọi là các trưởng lão, giám mục, người trông nom.
15. Sự Khác Biệt Giữa Chức Vụ Và Ân Tứ
Qua Kinh Thánh, Watchman Nee thấy rằng các chức vụ của Hội thánh khác với các ân tứ. Các chức vụ trong Hội thánh gồm có trưởng lão và chấp sự, là những người thuộc về địa phương (Phil. 1:1), trong khi các ân tứ gồm các tiên tri, nhà truyền giáo, người chăn và giáo sư, là những người thuộc về [Hội thánh] chung (Êph. 4:11).
16. Báp-Têm Và Bàn Của Chúa
Chúa khải thị cho Watchman Nee thấy cách làm báp-têm đúng đắn là dìm xuống nước. Chúa cũng bày tỏ cho anh cách thực hành Bàn của Chúa theoKinh Thánh. Báp-têm là lời chứng của một tín đồ nói lên đời sống cũ của người ấy đã chấm dứt và người ấy đã phân rẽ khỏi thế gian để đến với Chúa vàThân thể Ngài. Bàn của Chúa là sự nhớ Chúa và là lời chứng về sự hiệp nhất và sự tương giao của Thân thể Ngài.
17. Trùm Đầu Và Đặt Tay
Watchman Nee cũng thấy ý nghĩa trong Kinh Thánh của việc trùm đầu và thực hành sự đặt tay. Trùm đầu là biểu hiện của sự thuận phục và vâng theoquyền làm đầu của Đấng Christ trong Hội thánh. Việc đặt tay là hành động đồng nhất, bày tỏ rằng điều đang được thực hiện là truyền một điều gì đó ở trong Thân thể cho những chi thể khác của Thân thể. Bằng cách đặt tay, các ân tứ thuộc linh được truyền cho các chi thể, và sự tương giao được nhận thức giữa các chi thể của Thân thể Đấng Christ.
18. Sống Bởi Đức Tin Nơi Đức Chúa Trời
Watchman Nee thấy rằng đầy tớ thật của Đức Chúa Trời phải sống bởi đức tin nơi Đức Chúa Trời, không phải được một tổ chức tôn giáo thuê mướn như một người làm công. Việc thực hành sống bởi đức tin trên thực tế không được biết đến tại Trung Quốc vào những năm đầu của chức vụ Watchman Nee. Giữa vòng Hội Anh Em, họ không thuê mướn những đầy tớ Chúa, nhưng khi đến Trung Quốc, họ nghĩ không thể dạy cho các tín đồ Trung Quốc sống bởi đức tin nơi Đức Chúa Trời. Sống bởi đức tin là điều không có trong quan niệm của các tín đồ Cơ Đốc Trung Quốc, nhưng Watchman Nee không những dạy mà chính anh còn thực hành con đường ấy.
19. Sự Chữa Lành Thần Thượng
Watchman Nee không những tin vào sự chữa lành thần thượng theo Kinh Thánh, mà chính anh còn kinh nghiệm điều ấy. Đối với anh đó không chỉ là một ân tứ thuộc loại phép lạ ở bề ngoài, mà còn là một kinh nghiệm ở bề trong, đem lại sự gây dựng trong sự sống.
20. Sự Chết Và Sự Phục Sinh Của Đấng Christ
Chúa ban cho Watchman Nee khải thị rõ ràng về sự chết và sự phục sinh của Đấng Christ. Anh thấy sự chết của Đấng Christ có hai phương diện: phương diện khách quan, là phương diện xử lý bản chất tội, các tội lỗi của chúng ta, thế gian, Sa-tan cùng các quyền lực tối tăm; và phương diện chủ quan, là phương diện xử lý xác thịt, bản ngã và con người cũ của chúng ta. Anh cũng thấy trong sự chết của Đấng Christ, cõi thọ tạo cũ đã bị kết liễu. Đó là mặt tiêu cực của thập tự giá. Về mặt tích cực, sự sống thần thượng của Đấng Christ được giải phóng để làm cho cõi thọ tạo mới nảy mầm. Trong sự phục sinh của Chúa chúng ta, sự sống thần thượng của Ngài được giải phóng để tái sinh các tín đồ và làm cho họ trở thành những chi thể của Thân thể Đấng Christ. Từ sự phục sinh của Ngài mà Hội thánh ra đời, và cũng trong sự phục sinh của Ngài mà Thân thể của Đấng Christ được xây dựng. Cũng trong quyền năng của sự phục sinh mà các tín đồ có thể vác thập tự giá, và trong sự tương giao của những nỗi khổ của Ngài mà họ được đồng hóa theo sự chết của Ngài (Phil. 3:10). Trong khi vui hưởng sự sống phục sinh của Đấng Christ, dân của Chúa được ban quyền năng để sống một cuộc đời thánh khiết và thiên thượng đang khi họ bước đi trên đất này. Sự phục sinh ấy chính là Đấng Christ phục sinh, và Linh của Đấng Christ là thực tại của sự phục sinh.
21. Sự Thăng Thiên Của Đấng Christ
Watchman Nee thấy Đấng Christ đã thăng thiên vào trong các từng trời, vượt trên mọi sự. Trọng lực của trái đất, các quỉ, vua chúa của quyền lực trong khoảng không, hay mọi quyền lực tối tăm đều không thể ngăn cản hay giữ Ngài lại. Tất cả những điều ấy bây giờ ở dưới chân Ngài. Bởi sự thăng thiên, Ngài đã được lập làm Chúa tất cả (Công. 2:36), và cũng bởi sự thăng thiên tất cả các môn đồ Ngài đều đã được đưa vào những nơi trên trời (Êph. 2:6).Địa vị, chức vụ và sự sống của Ngài bây giờ đều là thiên thượng. Hiện nay Ngài đang thực hiện công tác cung ứng sự sống thiên thượng và chính cõi thiên thượng vào trong dân Ngài để làm cho họ trở nên một dân thuộc về trời, sống một cuộc đời thiên thượng trên đất.
22. Sự Tái Lâm Của Đấng Christ
Watchman Nee có một cái nhìn sáng tỏ và thấu suốt về sự tái lâm của Đấng Christ. Anh thấy sự đến của Chúa (tiếng Hi Lạp là parousia) một mặt thì bí ẩn và một mặt thì công khai. Đối với những người đắc thắng, là những người bấy lâu tìm kiếm Ngài và trông đợi sự trở lại của Ngài, Ngài sẽ trở lại cách âm thầm như một kẻ trộm (Mat. 24:43; Khải. 3:3) từ các từng trời, Ngài đến trên không trung trước cơn đại nạn. Nhưng đối với những người bị thế giới cuốn hút, Ngài đến như một tia chớp (Mat. 24:27, 30) từ khoảng không, Ngài sẽ xuống trái đất sau cơn đại nạn. Khi Ngài đến cách âm thầm, các tín đồ sẽ được cất lên không trung, trong khi đó, sự trở lại công khai của Ngài sẽ đem sự phán xét đến trên toàn thế giới.
23. Sự Cư Trú Bên Trong Của Thánh Linh
Đấng Christ bị đóng đinh, phục sinh và thăng thiên bây giờ đang cư ngụ bên trong linh của dân Ngài như Linh ban-sự-sống, làm cho Đấng Christ trở nên thật đối với họ. Linh của Đấng Christ cư ngụ bên trong này là Thánh Linh và là Linh Đức Chúa Trời. Chức năng chính yếu của Linh thần thượng là truyền sự sống thần thượng vào trong dân của Đức Chúa Trời, tái sinh họ, xức dầu cho họ, thánh hóa và đổi mới họ bằng cách dầm thấm họ bằng chính yếu tố của Đức Chúa Trời. Watchman Nee giảng dạy nhiều về điều này.
24. Sự Dạy Dỗ Của Sự Xức Dầu
Cùng với khải thị anh đã nhận được về Thánh Linh, Watchman Nee cũng nhận được ánh sáng về sự dạy dỗ của sự xức dầu. Sự xức dầu là sự chuyển động và hành động của Thánh Linh trong linh chúng ta. Sự xức dầu dạy chúng ta mọi sự từ bên trong (1 Gi. 2:27). Luật của sự sống thay thế cho luật Cựu Ước, và sự dạy dỗ của sự xức dầu thay thế cho các tiên tri Cựu Ước. Bởi sự dạy dỗ của sự xức dầu mà chúng ta ở trong Chúa.
25. Sự Đổ Ra Của Thánh Linh
Watchman Nee thấy hai khía cạnh về Thánh Linh: sự cư ngụ bên trong của Thánh Linh vì sự sống, và sự đổ ra của Thánh Linh vì quyền năng. Vào ngày Chúa sống lại từ những người chết, Ngài thở Thánh Linh vào trong các môn đồ (Gi. 20:22). Lúc ấy, Thánh Linh vào trong các môn đồ và cư ngụ trong họ với mục đích truyền sự sống. Nhưng vào ngày lễ Ngũ Tuần, Thánh Linh được đổ ra trên các môn đồ (Công. 2:4, 33). Sự tuôn đổ Thánh Linh này vì mục đích ban phát quyền năng cho các môn đồ. Kinh nghiệm thứ hai này về Linh là điều Kinh Thánh gọi là báp-têm trong Thánh Linh. Hầu hết các Cơ Đốc nhân không thấy sự khác biệt giữa hai phương diện của Linh. Tuy nhiên, Watchman Nee nhận được khải thị rõ ràng về sự khác biệt này. Mặc dầu anh không bao giờ nói các thứ tiếng [lạ], nhiều lần anh được kinh nghiệm Thánh Linh tuôn đổ ra.
26. Con Người Ba Phần
Trong những năm đầu đời sống Cơ Đốc của mình, Watchman Nee đi đến chỗ nhận biết con người gồm ba phần: linh, hồn và thân (1 Tê. 5:23). Anh nhận biết hồn là nhân cách của con người; thân là phần bên ngoài để tiếp xúc với thế giới vật lý, và linh là phần sâu kín nhất của con người để tiếp xúc với thế giới thuộc linh. Vì Đức Chúa Trời là Linh, chúng ta phải thờ phượng và hầu việc Ngài trong linh mình (La. 1:9; Giăng 4:24). Các tín đồ được tái sinh bởi Linh của Đức Chúa Trời trong linh họ, Linh của Đức Chúa Trời làm chứng với linh họ (La. 8:16), Chúa Jesus ở với linh họ (2 Ti. 4:22), và họ làm một linh với Chúa (1 Cô. 6:17). Linh phải được phân rẽ khỏi hồn (Hê. 4:12) để người tín đồ có thể bước đi, sống và làm việc trong linh (Ga. 5:16, 25) và làm những người thuộc linh (1 Cô. 2:14-15).
27. Sự Thánh Hóa Bởi Đức Tin
Vào một giai đoạn trước năm 1925, Watchman Nee thấy vấn đề thánh hóa bởi đức tin. Anh nhận được ánh sáng liên quan đến sự thánh khiết mà John Wesley giảng dạy. Anh nói rằng những gì Wesley dạy dỗ không thật sự là sự thánh khiết mà là sự hoàn hảo không có tội. Qua sự nghiên cứu của mình, anh đi đến chỗ nhận thức rằng Hội Anh Em vượt trổi Wesley trong khải tượng của họ về sự thánh khiết. Tuy nhiên, dầu sự dạy dỗ về sự thánh khiết của họ chính xác, nhưng lại quá khách quan và chỉ bao gồm phương diện thay đổi về vị trí. Hội Anh Em dạy rằng vàng trong thế gian là tầm thường, nhưng vàng được dùng để xây đền thờ là vàng được thánh hóa. Trong một ví dụ khác, hội Anh Em dạy rằng cừu và bò trong bầy là tầm thường, nhưng khi được dâng trên bàn thờ, chúng được thánh hóa (Mat. 23:17, 19). Hơn nữa, họ minh họa sự thánh hóa bằng cách chỉ ra rằng thức ăn ngoài chợ là tầm thường, nhưng thức ăn trên bàn ăn của Cơ Đốc nhân đã được thánh hóa bởi lời cầu nguyện. Watchman Nee nêu lên rằng tất cả những ví dụ này nói lên một sự thay đổi về vị trí bên ngoài, nhưng không có ví dụ nào liên quan đến một sự thay đổi bản tính ở bề trong. Anh dạy rằng sự thánh hóa không chỉ là một sự thay đổi về vị trí, nhưng cũng phải là một sự thay đổi về bản tính (La. 6:19, 22).
28. Đấng Christ Là Sự Sống
Đối với những người tin, Đấng Christ là sự sống (Côl. 3:4) và sự sống này là Linh sự sống (La. 8:2) ở trong linh họ. Bất cứ điều gì người tín đồ làm cũng phải phát xuất từ sự sống bề trong ấy. Tất cả các tín đồ nên sống bởi sự sống thần thượng bề trong này (Ga 2:20).
29. Luật Của Linh Sự Sống
Sự sống thần thượng các tín đồ nhận được từ nơi Chúa là ở trong Thánh Linh. Thánh Linh được gọi là Linh sự sống (La. 8:2). Sự sống thần thượng này có luật riêng, đặc tính riêng, và chức năng của sự sống ấy là điều khiển và cung ứng cho chúng ta yếu tố thần thượng của Đức Chúa Trời. Đây không chỉ là văn tự bề ngoài của luật pháp, nhưng là luật của sự sống (Hê. 8:10) được Linh Đức Chúa Trời trong chúng ta làm cho hiệu lực. Watchman Nee nhận được một khải thị đầy đủ về luật bề trong này. Bởi luật bề trong này, được gọi là luật sự sống, mà chúng ta được giải thoát khỏi luật của tội và sự chết và có thể sống một đời sống thánh khiết và công chính.
30. Luật Của Tội Và Sự Chết
Qua Kinh Thánh, Watchman Nee thấy rằng phạm tội và chết là một luật (La. 8:2). Luật này ở trong các chi thể của thân thể chúng ta (La. 7:23) và ra từ sự sống gian ác của Sa-tan. Tất cả những con người sa ngã đều ở dưới quyền lực này. Nhưng luật của Linh sự sống mạnh mẽ hơn luật của tội và sự chết nên có thể giải thoát chúng ta khỏi luật ấy.
31. Một Giao Ước Tốt Hơn
Giao ước mới mà Chúa Jesus ban hành cho chúng ta với huyết Ngài tốt hơn giao ước cũ (Hê. 7:22; 8:6). Giao ước cũ theo luật Cựu Ước, với một chức vụ tế lễ theo luật của mạng lịnh thuộc xác thịt, trong khi giao ước mới theo luật của sự sống, với một chức tế lễ theo quyền năng của sự sống bất diệt (Hê. 8:10; 7:16).
32. Sự Sống Đắc Thắng Của Đấng Christ
Vì Đấng Christ đã đắc thắng Sa-tan và mọi điều tiêu cực trong vũ trụ, sự sống của Ngài là sự sống đắc thắng. Nếu chúng ta sống bởi Đấng Christ, sự sống của Ngài đắc thắng mọi điều tiêu cực cho chúng ta.
33. Sự Kêu Gọi Những Người Đắc Thắng
Watchman Nee nhận được khải thị liên quan đến sự kêu gọi những người đắc thắng. Vì cả Hội thánh đã thất bại, không đáp ứng được mục đích của Chúa, Ngài kêu gọi một số tín đồ của Ngài trở nên những người đắc thắng. Điều này được mặc khải cách rõ ràng qua bảy bức thư trong Khải Thị chương 2 và 3. Vì cả Hội thánh đã trật mục tiêu, nên Chúa cất tiếng kêu gọi những ai yêu Ngài hãy đắc thắng Hội thánh thoái hóa.
34. Chiến Trận Thuộc Linh
Khoảng năm 1925 Watchman Nee đã thấy vấn đề chiến trận thuộc linh. Anh thấy rằng để hoàn thành mục đích thần thượng của Đức Chúa Trời trong vũ trụ này, có một trận chiến chung kết diễn ra giữa Đức Chúa Trời và kẻ thù của Ngài là Sa-tan. Trận chiến này bao gồm mọi con cái của Đức Chúa Trời.Nếu họ đứng về phía Sa-tan thì họ đang nổi loạn nghịch lại Đức Chúa Trời; nếu họ đứng về phía Đức Chúa Trời thì họ đang chiến đấu chống lại Sa-tan. Tất cả các tín đồ đắc thắng phải nhận thức rằng mình đang ở nơi chiến trường, mình đang chiến đấu vì mục đích thần thượng của Đức Chúa Trời. Chiến đấu trong chiến trận thuộc linh này đòi hỏi người tín đồ nhìn thấy vị trí thiên thượng của mình. Ê-phê-sô chương 2 bày tỏ rõ rằng chúng ta được đặt ngồi ở các nơi trên trời, và Ê-phê-sô chương 6 cho thấy chúng ta đang đánh trận nghịch cùng các quyền lực ở các nơi trên trời. Các tín đồ phải giữ vị trí thiên thượng của mình để có thể đánh bại kẻ thù của Đức Chúa Trời ở các nơi trên trời. Nếu vị trí của các tín đồ ở trên đất, họ đang ở một nơi thấp hơn kẻ thù, và đánh mất vị trí đắc thắng.
TỪ NĂM 1933 ĐẾN 1937
35. Biên Giới Của Hội Thánh Địa Phương
Vào năm 1933 và 1934, Watchman Nee thấy rằng biên giới của Hội thánh địa phương là biên giới của thành phố nơi Hội thánh hiện hữu. Anh nêu lên rằng không nên có nhiều hơn một Hội thánh nằm trong biên giới của một thành phố. Điều này tự phát sẽ loại trừ sự chia rẽ.
36. Tính Trung Tâm Và Bao Quát Của Đấng Christ
Vào năm 1933 và 1934, Watchman Nee cũng thấy tính trung tâm và bao quát của Đấng Christ trong mục đích đời đời của Đức Chúa Trời. Anh thấy rằng cả trong vũ trụ lẫn trong đời sống của Cơ Đốc nhân, Đấng Christ cần phải chiếm vị trí ưu việt (Côl. 1:18); anh cũng thấy rằng Đấng Christ là tất cả và trong tất cả của con người mới, tức là Hội thánh (Côl. 3:10-11).
37. Lập Trường Của Hội Thánh Địa Phương
Vào năm 1937, Watchman Nee bắt đầu thấy lập trường của Hội thánh địa phương. Đó là một bước tiến vượt xa hơn biên giới của địa phương và cho thấy các tín đồ không nên chia rẽ vì bất cứ điều gì. Lập trường của Hội thánh là lập trường hiệp một. Bất cứ đi đâu và ở đâu, chúng ta nên hiệp một với các tín đồ tại nơi đó. Một thành phố chỉ nên có một Hội thánh. Hội thánh không phải là Hội thánh trong một ngôi nhà, Hội thánh trong một nhà máy, Hội thánh tại một khuôn viên đại học, Hội thánh tại một con đường, hay Hội thánh với bất cứ một sự chỉ định nào. Hội thánh địa phương là Hội thánh trong một thành phố. Nếu có nhiều hơn một Hội thánh trong một thành phố, thì các tín đồ trong địa phương ấy sẽ chia rẽ.
38. Sự Di Trú
Qua sách Công Vụ, Watchman Nee thấy rõ rằng có hai cách làm cho phúc âm lan tràn: cách thứ nhất là sai các sứ đồ ra đi, và cách thứ hai là các tín đồ di trú (Công. 8:4). Cả hai phương pháp này đều được áp dụng dưới chức vụ của anh để làm cho phúc âm lan rộng.
TỪ NĂM 1938 ĐẾN 1942
39. Tính Thực Tiễn Của Nếp Sống Hội Thánh
Vào năm 1939, Watchman Nee nhận được nhiều ánh sáng hơn về Hội thánh, lần này là về tính thực tiễn của nếp sống Hội thánh. Anh nhận ánh sáng rõ ràng từ Tân Ước về cách các trưởng lão nên thi hành chức vụ trưởng lão của mình trong thực tế và cách các nam chấp sự và nữ chấp sự nên phục vụ các thánh đồ và Hội thánh. Anh cũng giúp đỡ tất cả các chi thể của Hội thánh tham gia vào công việc của Hội thánh.
40. Thực Tại Của Hội Thánh
Cùng với phương diện thực tiễn của Hội thánh, Watchman Nee nhìn thấy thực tại của Hội thánh. Anh nhấn mạnh nội dung của Hội thánh phải là Đấng Christ sống bên trong và được sống-bày-tỏ ra bên ngoài trong cuộc sống qua tất cả các chi thể. Bất cứ điều gì không phải Đấng Christ thì không phải là Hội thánh. Nói cách thực tế, Hội thánh là Đấng Christ. Vì vậy, Đấng Christ là thực tại của Hội thánh và Hội thánh phải là biểu hiện của Đấng Christ.
41. Sự Hiệp Nhất Của Hội Thánh
Sự hiệp nhất thật của Hội thánh là sự hiệp nhất của Linh (Êph. 4:3). Sự hiệp nhất thật không phải là sự hiệp nhất về giáo lý, ý kiến, hay những sự thực hành nào đó; sự hiệp nhất thật chính là Linh. Dầu chúng ta có thể hiệp một về giáo lý và phương pháp làm việc, nhưng nếu không ở trong Linh, chúng ta không có sự hiệp nhất thật.
42. Nhìn Thấy Thân Thể
Vào các năm 1939 đến 1942, Watchman Nee không ngớt có gánh nặng liên quan đến khải thị về Thân thể Đấng Christ. Anh nặng lòng muốn giúp các Cơ Đốc nhân nhìn thấy Thân thể, không phải theo giáo lý nhưng một cách thực tế. Anh liên tục nhấn mạnh rằng nhìn thấy Thân thể làm cho chúng ta không còn sống cá nhân. Khi một người nhìn thấy Thân thể, người ấy cư xử và hành động một cách tập thể.
43. Uy Quyền Của Thánh Linh Trong Thân Thể
Watchman Nee thấy rằng vì Thân thể của Đấng Christ là một cơ cấu hữu cơ, Thánh Linh phải có uy quyền trên mọi sự và trong mọi chi tiết. Mọi sinh hoạt của Thân thể phải ở dưới uy quyền và sự dẫn dắt của Thánh Linh.
44. Thực Tại Của Thánh Linh
Thánh Linh là thực tại của mọi điều thuộc linh. Từ ngữ những điều thuộc linh chỉ là hư không và trống rỗng nếu chính Thánh Linh không phải là nội dung và thực tại của mọi điều thuộc linh. Thánh Linh là thực tại sự sống của Cơ Đốc nhân và cũng là thực tại của cuộc sống họ. Bất cứ điều gì họ “là” và “làm” phải có Thánh Linh làm thực tại của điều ấy.
45. Uy Quyền Của Hội Thánh
Vì sự thực hành nếp sống Hội thánh trong thực tế, Watchman Nee thấy [Hội thánh] cần phải có uy quyền. Uy quyền mà Đấng Christ là Đầu ban cho một số chi thể nào đó trong Thân thể Ngài được gọi là uy quyền đại diện. Các Hội thánh địa phương phải ở dưới uy quyền đại diện này trong một trật tự kỳ diệu. Uy quyền này rất cần thiết để xây dựng Hội thánh địa phương. Nhờ phương tiện này Hội thánh trở nên một chiếc bình có tính trật tự từ trên xuống dưới. Vì vậy, thuận phục là điều cần thiết.
46. Sự Xây Dựng Hội Thánh
Qua Watchman Nee, Chúa đã khải thị rằng các tín đồ phải được xây dựng với những người khác cách thực tế tại các Hội thánh địa phương dưới uy quyền của Hội thánh. Sự xây dựng này là một sự thử nghiệm xem một người có thật sự thuộc linh không. Nếu không thể xây dựng với những người khác tại một Hội thánh địa phương, tình trạng thuộc linh của người ấy cần phải đặt nghi vấn.
47. Phối Hợp Trong Nếp Sống Hội Thánh
Watchman Nee đã nhận được một khải thị khác liên hệ mật thiết với uy quyền và sự xây dựng, đó là khải thị về vấn đề phối hợp trong Hội thánh. Tất cả các chi thể trong Hội thánh địa phương không những cần được xây dựng với nhau, nhưng cũng cần phối hợp với nhau. Sự phục vụ của Hội thánh không thể thực hiện cách cá nhân. Mọi chi thể phải phục vụ một cách phối hợp.
48.Thân Thể Và Chiến Trận Thuộc Linh
Trong những năm đầu của chức vụ, Watchman Nee thấy chiến trận thuộc linh là một vấn đề cá nhân. Tuy nhiên, từ năm 1939 trở đi, anh thấy đó không những là vấn đề cá nhân, mà còn là vấn đề của Thân thể. Người chiến sĩ trong Ê-phê-sô chương 6 không phải một cá nhân tín đồ, mà là Thân thể. Watchman Nee nhấn mạnh rằng nếu người tín đồ sống cách cá nhân, họ sẽ khó chiến đấu chống các quyền lực ở các nơi trên trời. Để đánh kẻ thù, chúng ta cần Thân thể. Không những chúng ta cần ở trong cõi thiên thượng mà còn cần ở trong Thân Thể.
TỪ NĂM 1942 ĐẾN 1948
49. Sự Sửa Trị Của Thánh Linh
Giai đoạn từ năm 1942 đến 1948 là giai đoạn chịu khổ lâu dài của Watchman Nee. Trong suốt thời gian này, anh học tập nhìn thấy nhu cầu về sự sửa trị của Thánh Linh để tái tạo bản thể chúng ta và phá vỡ con người bề ngoài. Anh thấy rằng Đức Chúa Trời đã tể trị trong việc sắp đặt hoàn cảnh của chúng ta để làm ích lợi cho chúng ta qua sự sửa trị của Thánh Linh. Thánh Linh sắp xếp hoàn cảnh của chúng ta và sửa trị chúng ta qua hoàn cảnh để tái tạo bên trong chúng ta bằng yếu tố thần thượng.
50. Sự Phá Vỡ Con Người Bề Ngoài Và Sự Giải Phóng Linh
Đang khi chịu đựng hoạn nạn lâu dài từ năm 1942 đến năm 1948, Watchman Nee thấy sự phá vỡ con người bề ngoài và sự giải phóng nhân linh. Linh của Đấng Christ cư ngụ trong linh chúng ta. Nếu con người bề ngoài của chúng ta không bị phá vỡ, linh chúng ta cùng với Linh của Đấng Christ bị hạn chế trong cái vỏ của con người bề ngoài. Vì lý do ấy, điều vô cùng quan trọng là con người bề ngoài của chúng ta phải bị phá vỡ để linh chúng ta cùng với Linh của Đấng Christ được giải phóng hầu truyền sự sống cho người khác. Sự sửa trị của Thánh Linh vừa để phá đổ một vài phương diện của sự sống thiên nhiên của chúng ta, vừa để phá vỡ con người bề ngoài.
51. Sử Dụng Linh
Cùng với ánh sáng anh nhận được về sự giải phóng linh, Watchman Nee cũng thấy rằng người tín đồ cần phải học cách sử dụng nhân linh của mình. Trong việc cung ứng Lời, trong việc rao giảng phúc âm, tiếp xúc với người khác, và thậm chí trong những vấn đề của đời sống hằng ngày, các tín đồ cần phải sử dụng linh mình trước hết, chứ không phải tâm trí, tình cảm hay kiến thức. Linh phải luôn luôn đi trước những điều này. Nhờ linh mình, chúng ta có thể chạm đến linh của người khác. Chỉ nhờ linh mình, người tín đồ mới có thể vận chuyển Linh sự sống và truyền đạt sự sống vào trong người khác.
TỪ NĂM 1948 ĐẾN 1950
52. Vùng Công Tác
Vào năm 1948, Watchman Nee nhận được khải thị này, ấy là trong khi Hội thánh có tính địa phương, công tác lại có tính cách miền hay vùng. Hội thánh là vấn đề của địa phương, nhưng công tác là vấn đề miền hay vùng. Các Hội thánh chịu ảnh hưởng công tác của Phi-e-rơ thuộc các địa phương riêng biệt. Nhưng Phi-e-rơ công tác trong một miền gồm tất cả những địa phương này. Công tác của Phao-lô cũng vậy và các Hội thánh được thành lập qua công tác của ông.
53. Chuyển Giao Tất Cả
Để công tác đạt đến mục đích và để các Hội thánh địa phương được xây dựng cách thực tế, Watchman Nee thấy tất cả các tín đồ trong sự khôi phục của Chúa không những cần trao chính mình mà còn trao tất cả tài sản của mình cho công tác. Nhờ phương cách ấy, các tín đồ được giải cứu khỏi tình trạng ích kỷ và cá nhân, đồng thời cũng giúp họ thuận phục uy quyền của Chúa. Thậm chí điều này còn cho Chúa có cơ hội dùng tài sản của họ cho mục đích của Ngài và ban cho họ phước hạnh thuộc thể nhiều hơn. Đây chưa phải là tất cả. Watchman Nee còn nhận được nhiều ánh sáng từ Kinh Thánh về nhiều vấn đề khác liên quan đến lẽ thật phúc âm và những vấn đề thực tiễn, chẳng hạn như Ngày Chúa Nhật, hôn nhân, y phục, sử dụng tiền bạc, v.v... Điều này được đề cập đến trong chương hai mươi bảy.
(Chương 20 trong "Người thấy Khải thị Thần thượng")
(nguồn: suuoinuocsong.org)


MỘT SỐ TÁC PHẨM CỦA WATCHMAN NEE ĐÃ ĐƯỢC 
SUỐI NƯỚC SỐNG XUẤT BẢN BẰNG TIẾNG VIỆT

(Có thể đọc trực tiếp tại trang: SUỐI NƯỚC SỐNG

  • Đấng Christ là mọi vấn đề và mọi điều thuộc linh
  • Phá vỡ con người bề ngoài để giải phóng linh
  • Nếp sống hội thánh cơ đốc bình thường
  • Đức tin cơ đốc bình thường
  • Nếp sống cơ đốc bình thường
  • Sự chính thống của hội thánh
  • Chức Vụ Cầu Nguyện Của Hội Thánh
  • Những người đắc thắng của Đức Chúa Trời
  • Kế hoạch đời đời của Đức Chúa Trời
  • Ngồi, đi, đứng
  • Đừng yêu thế gian
  • Hội Thánh vinh hiển
  • Giao ước mới
  • Làm thế nào để nghiên cứu Kinh Thánh
  • Huyền nhiệm của Đấng Christ
  • Phúc âm của Đức Chúa Trời 1
  • Phúc âm của Đức Chúa Trời 2
  • Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp
  • Đức tính của công tác viên Cơ Đốc
  • Đời sống đắc thắng và sự báp-têm của Thánh Linh
  • Bài học gây dựng tín đồ mới 1
  • Bài học gây dựng tín đồ mới 2
  • Bài học gây dựng tín đồ mới 3
  • Chức vụ cung ứng lời Đức Chúa Trời
  • Uy quyền và thuận phục
  • Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét