4/23/2011

Dấu Hiệu Về Sự Kết Thúc Thời Đại

1.Quốc Gia Y-sơ-ra-ên Được Phục Hồi Là Dấu Hiệu Kỳ Cuối Cùng Của Thời Đại Này Và Dấu Hiệu Cho Các Tín Đồ

Câu 32 chép: “Nhưng hãy học ẩn dụ nơi cây vả: vừa lúc các cành trở nên mềm mại và ra lá, thì các ngươi biết mùa hè đã đến gần” (RcV). Cây vả, tượng trưng cho quốc gia Y-sơ-ra-ên, đã bị rủa sả trong 21:19. Quốc gia này đã trải qua một mùa đông dài, từ đầu Thế Kỷ Thứ Nhất cho đến năm 1948, khi quốc gia Y-sơ-ra-ên được phục hồi. Đó là nhánh nó trở nên mềm mại và ra lá. Cây vả này là dấu hiệu kỳ cuối cùng của thời đại này và dấu hiệu cho các tín đồ. Trở nên mềm mại nghĩa là sự sống đã trở lại, và ra lá chỉ về sinh hoạt bề ngoài. Mùa đông tượng trưng cho thời kỳ bị khô héo, thời kỳ hoạn nạn (24:7-21). Mùa hè tượng trưng cho thời kỳ vương quốc được phục hồi (Lu 21:30-31), là thời kỳ bắt đầu từ lúc Chúa tái lâm.

Câu 33 chép: “Các ngươi cũng vậy, khi các ngươi nhìn thấy mọi điều đó, thì biết sự việc ấy đã gần, đang ở ngay cửa” (RcV). Mọi điều này liên quan đến những gì đã được nói trước trong các câu từ 7-32. “Sự việc ấy” chỉ về vương quốc Y-sơ-ra-ên được phục hồi (Công 1:6), được tượng trưng bởi mùa hạ trong câu 32.

Chúng tôi đã nêu lên cây vả tượng trưng cho quốc gia Y-sơ-ra-ên. Y-sơ-ra-ên là dấu hiệu cho chúng ta, y như việc rao giảng phúc âm vương quốc là dấu hiệu cho người Do Thái. Khi người Do-thái thấy việc rao giảng phúc âm vương quốc, họ phải nhận biết đó là dấu hiệu về cơn đại nạn sắp đến. Cũng vậy, Y-sơ-ra-ên như cây vả là dấu hiệu cho chúng ta về sự tái lâm của Chúa. Các môn đồ đã hỏi Chúa về dấu hiệu Chúa đến và dấu hiệu chung kết thời đại này. Trong phần trước Chúa ban dấu hiệu của sự chung kết thời đại này. Dấu hiệu ấy là sự rao giảng phúc âm vương quốc. Bây giờ Chúa ban cho một dấu hiệu khác, dấu hiệu về sự đến của Ngài. Dấu hiệu này là cây vả. Khi các nhánh nó trở nên mềm mại và ra lá, chúng ta biết mùa hạ tức sự phục hồi vương quốc của Đấng Mê-si-a cách đầy trọn đã gần.

Ngày nay sự phục hồi Y-sơ-ra-ên chưa được đầy trọn. Về phương diện dân số và địa lý, chưa có sự phục hồi Y-sơ-ra-ên cách đầy trọn. Người Y-sơ-ra-ên và người Ả-rập đang tranh cãi về vùng đất phía Tây Giô-đanh và về Cao Nguyên Gô-lan. Theo Kinh Thánh, Cao Nguyên Gô-lan, gần núi Hẹt-môn, và vùng đất phía Tây Giô-đanh thuộc về miền đất tốt lành và sẽ thuộc về Y-sơ-ra-ên. Chúa là Đấng tể trị và Ngài biết tình hình giữa Y-sơ-ra-ên và Ả-rập. Ngài nhận biết sự phục hồi quốc gia Y-sơ-ra-ên chưa đầy trọn. Sự phục hồi quốc gia Y-sơ-ra-ên đang càng lúc càng trọn vẹn hơn. Vào thời đại một ngàn năm, sự phục hồi này sẽ đạt đến tình trạng đầy trọn.

2. Mọi Sự Nói Trước Về Y-sơ-ra-ên Xảy Ra

 Câu 34 chép: “Quả thật, Ta nói cùng các ngươi, dòng dõi (thế hệ) nầy hẳn chẳng qua đi cho đến khi mọi điều đó thành tựu rồi”. Mọi điều đó liên quan đến việc cây vả trở nên mềm mại và ra lá. Những điều đó sẽ xảy ra trước khi thế hệ này qua đi. Đây không phải là thế hệ theo tuổi tác hay con người, như thế hệ trong 1:17; đây là thế hệ theo tình trạng đạo đức của con người, như thế hệ trong 11:16; 12:39, 41, 42, 45; và Châm Ngôn 30:11-14. Điều này nghĩa là từ thời điểm Chúa Jesus ban lời tiên tri này đến khi Y-sơ-ra-ên được phục hồi cách đầy trọn, tình trạng đạo đức của thế hệ ấy không thay đổi. Thế hệ này sẽ không qua đi cho đến khi sự phục hồi quốc gia Y-sơ-ra-ên xảy ra cách đầy trọn. Khi ấy thế hệ đó sẽ thay đổi, tình trạng đạo đức sẽ chuyển từ xấu qua tốt.

3. Ngoại Trừ Cha, Không Ai Biết Ngày Và Giờ

Câu 36 chép: “Nhưng về ngày và giờ đó chẳng ai biết, đến đỗi thiên sứ trên trời, hay là Con cũng không, duy Cha biết mà thôi”. Đứng ở vị trí Con Loài Người (c. 37), Con không biết ngày và giờ Ngài trở lại.

4. Đấng Christ Đến Như Ngày Của Nô-ê

Câu 37 chép: “Vì y như những ngày của Nô-ê, sự đến của Con Loài Người cũng sẽ như vậy” (RcV). Nhiều Cơ-đốc nhân hiểu lầm câu này. Sự hiện đến của Chúa (parousia) sẽ như những ngày của Nô-ê. Điều này cho thấy parousia của Chúa sẽ là một khoảng thời gian. Khoảng thời gian này sẽ như những ngày của Nô-ê; tức là tình cảnh khi Chúa hiện đến sẽ giống như tình cảnh vào những ngày của Nô-ê.

Các câu 38,39 chép: “Vì như trong những ngày trước cơn lụt họ ăn và uống, cưới và gả, cho đến ngày Nô-ê vào tàu, và họ không biết sự phán xét đang đến cho tới khi cơn lụt đến và cuốn đi tất cả, sự đến của Con Người cũng sẽ như vậy” (RcV). “Vì” cho thấy câu này giải thích tại sao và thế nào mà parousia của Chúa sẽ giống như ngày của Nô-ê. Ấy là vì vào ngày của Nô-ê có những tình trạng sau đây: người ta say sưa do ăn, uống, cưới, gả; và họ không biết gì cả cho đến khi nước lụt đến và cuốn họ đi. Trong parousia của Chúa, người ta sẽ giống như vậy; họ say sưa vì những nhu cầu của cuộc sống này và không biết sự phán xét của Đức Chúa Trời (được tượng trưng bởi cơn lụt) sẽ tới trên họ khi Chúa hiện đến. Tuy nhiên, các tín đồ cần phải tỉnh táo và sáng suốt biết rằng Đấng Christ đang đến để thi hành sự phán xét của Đức Chúa Trời trên thế gian bại hoại này.

Ăn, uống và hôn nhân là do Đức Chúa Trời ấn định từ ban đầu để loài người tồn tại. Nhưng do dục vọng của con người, Sa-tan dùng những nhu cầu này của cuộc sống con người để chiếm hữu họ và giữ họ xa những mối quan tâm của Đức Chúa Trời. Vào cuối thời đại này, tình trạng ấy càng gia tăng và sẽ lên đến cực điểm trong thời gian Chúa hiện đến (parousia). Những nét nổi bật nhất trong những ngày trước cơn lụt là ăn, uống, cưới, gả. Điều này cho thấy vào những ngày ấy, người ta bị những sự hưởng thụ thuộc xác thịt và thế gian làm cho say sưa. Chính điều này cũng xảy ra trong xã hội ngày nay. Kẻ thù của Đức Chúa Trời, là Sa-tan, dùng những nhu cầu của cuộc sống để đầu độc con người do Đức Chúa Trời tạo dựng. Toàn thể dòng dõi nhân loại đã bị đầu độc. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không cần ăn, uống, và lập gia đình. Tất cả những điều ấy đều cần thiết để chúng ta tồn tại. Nhưng chúng ta không được cho phép những điều ấy khiến mình say sưa và làm cho nhận thức của mình trở nên mê muội. Trong xã hội ngày nay, nhận thức của mọi người, sang hay hèn, già hay trẻ, đều bị tê liệt, cho thấy người ta đã bị lối sống của thời đại này đầu độc trong sự ăn, uống, cưới, gả. Đó là tình trạng trong ngày của Nô-ê, và đó sẽ là tình trạng vào lúc Chúa hiện đến.
 
Ngày nay người ta đang học hành và làm việc vì mục đích ăn uống sao cho ngon và lập gia đình sao cho hạnh phúc. Họ không nghĩ gì đến những điều của Đức Chúa Trời. Ngày nay tình trạng thiếu nhận thức về Đức Chúa Trời phổ biến biết bao! Tình trạng này đặc biệt phổ biến trong lãnh vực giáo dục và thương mại. Nhiều người trong các trường đại học say sưa theo đuổi việc học. Việc học của họ chỉ để ăn, uống, và cưới gả. Những người trong lãnh vực thương mại cũng bị mê hoặc mà ham muốn kiếm tiền, cũng vì mục đích ăn, uống sao cho ngon hơn và cưới gả sao cho hạnh phúc hơn. Tình trạng này gây nên nhiều cuộc ly dị. Khi một thanh niên còn nghèo nàn, anh ta có thể cưới một thiếu nữ nào đó. Nhưng khi đã kiếm được nhiều tiền hơn, có thể anh ly dị vợ và cưới một người khác vì mong muốn có một người vợ thích hợp hơn. Tình trạng này sẽ tiếp tục cho đến khi lên tới cực điểm vào lúc Chúa hiện đến. Trong ngày của Nô-ê, tình trạng này gia tăng tới cực điểm không bao lâu trước khi trận lụt đến với sự phán xét của Đức Chúa Trời. Theo một ý nghĩa, Chúa đến như trận lụt với sự phán xét của Đức Chúa Trời. Trận lụt đem sự phán xét đến trên những con người say sưa vào thời Nô-ê. Chúa đến sẽ đem sự phán xét của Đức Chúa Trời đến trên thế gian say sưa này. Đấng Christ sẽ giáng xuống đất và thi hành sự phán xét công chính của Đức Chúa Trời trên thế gian say sưa và phản loạn này.

(Witness Lee)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét