3/15/2012

DÂNG MÌNH CHO VIỆC NGHIÊN CỨU KINH THÁNH


II. SỰ DÂNG MÌNH
A. Lòng Mở Ra
Kinh Thánh là lời Đức Chúa Trời, và đầy dẫy ánh sáng của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, ánh sáng ấy chỉ soi sáng những người mở ra cho Ngài. 2 Cô-rin-tô 3:18 nói: “Chúng ta thảy đều để mặt trần mà chiếu lại sự vinh quang của Chúa như một cái gương”. Điều kiện cơ bản để được vinh quang của Chúa soi sáng là để mặt trần mà ngắm nhìn Ngài. Nếu một người đến với Chúa mà mặt bị che phủ, thì vinh quang sẽ không soi sáng người ấy.
Ánh sáng của Đức Chúa Trời chỉ soi sáng những người mở ra cho Ngài. Nếu không mở ra cho Đức Chúa Trời thì một người sẽ không nhận được ánh sáng của Đức Chúa Trời. Điều rắc rối với một số người là họ khép kín đối với Chúa. Linh, lòng, ý chí và tâm trí đều khép kín đối với Chúa. Hậu quả là ánh sáng của Kinh Thánh không đến với họ được. Mặc dầu mặt trời đầy dẫy ánh sáng và chiếu trên khắp thế giới, ánh sáng mặt trời không đến với người ngồi ở trong phòng đóng kín các cửa. Nan đề không phải ở nơi ánh sáng mà nằm nơi người ấy. Ánh sáng chỉ chiếu sáng trên những người mở ra cho ánh sáng. Đó là sự thật đối với ánh sáng vật lý, và cũng là sự thật đối với ánh sáng thuộc linh. Mỗi khi chúng ta khép kín mình lại thì ánh sáng không thể chiếu qua. Một số người khép kín đối với Chúa; họ không bao giờ có thể nhìn thấy ánh sáng của Đức Chúa Trời. Chúng ta đừng chỉ lưu ý đến việc đọc và nghiên cứu; thay vào đó, chúng ta cần phải hỏi xem mình có mở ra trước mặt Chúa hay không. Nếu chúng ta không để mặt trần, thì vinh quang của Chúa sẽ không chiếu trên chúng ta. Nếu lòng chúng ta không mở ra cho Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời không thể ban cho chúng ta chút ánh sáng nào cả.
Ánh sáng hoạt động theo một qui luật. Ánh sáng chiếu trên những người mở ra cho nó, và mức độ chiếu sáng tùy thuộc vào mức độ mở ra. Đó là một qui luật. Nếu mọi cánh cửa của một căn phòng đều đóng kín nhưng chỉ một khe hở còn hé mở, thì ánh sáng vẫn vào. Có được ánh sáng không khó. Hễ theo đúng qui luật thì sẽ nhận được ánh sáng. Nhưng nếu làm trái với qui luật này thì sẽ không có chút ánh sáng nào. Một người khép kín đối với Đức Chúa Trời có thể nghiên cứu và cầu nguyện nhiều, nhưng nói về việc hiểu biết Kinh Thánh thì người ấy vẫn ở trong tình trạng không hiểu biết. Khi một người không chịu mở ra cho Đức Chúa Trời thì khó mà mong có được chút ánh sáng nào. Ánh sáng của Đức Chúa Trời không đến cách vô điều kiện. Để nhận được ánh sáng của Đức Chúa Trời, trước hết một người phải đáp ứng những điều kiện để nhận được ánh sáng.
Mỗi con cái của Đức Chúa Trời đều có một quyển Kinh Thánh trong tay mình, nhưng lượng ánh sáng mỗi người nhận được từ quyển sách ấy thì khác nhau. Một số người hoàn toàn không biết Kinh Thánh nói gì. Những người khác nhận được một ít ánh sáng nhờ đọc Kinh Thánh. Còn những người khác nữa thì đầy dẫy ánh sáng khi họ đọc Kinh Thánh. Lý do có khác biệt như vậy là vì tình trạng những người đọc quyển sách ấy khác nhau. Ánh sáng của Đức Chúa Trời không thay đổi, nhưng con người thì khác. Những người mở ra cho Đức Chúa Trời có thể hiểu Kinh Thánh. Những người khép kín đối với Đức Chúa Trời không thể hiểu Kinh Thánh. Một số người hoàn toàn khép kín, và kết quả là họ hoàn toàn ở trong tình trạng tối tăm. Những người khác nữa thì khép kín một phần, và kết quả là họ chỉ nhận được một phần ánh sáng. Trong kinh nghiệm bản thân, nếu chúng ta thiếu khả năng nhìn thấy, dù ít hay nhiều, dù toàn bộ hay chỉ một phần, thì tình trạng ấy có nghĩa là chúng ta đang ở trong sự tối tăm. Chúng ta đừng bao giờ xem việc mình thấy Kinh Thánh khó hiểu là một điều nhỏ nhặt. Nếu chúng ta thấy Kinh Thánh khó hiểu thì tình trạng ấy chỉ có nghĩa là chúng ta đang sống trong sự tối tăm! Đọc lời Đức Chúa Trời mà không hiểu hay không nhận được chút ánh sáng nào từ đó là một sự việc rất nghiêm trọng.
Tiếp theo, chúng ta cần phải hỏi ý nghĩa của việc mở ra cho Đức Chúa Trời là gì? Sự mở ra phát xuất từ sự dâng mình vô điều kiện và hoàn toàn. Mở ra cho Đức Chúa Trời không phải là một thái độ nhất thời; đó là bản tính lâu bền mà một người phát triển trước mặt Đức Chúa Trời. Đó không phải là một tính khí ngẫu nhiên mà là một sự thực hành liên tục. Mở ra cho Đức Chúa Trời chỉ có thể phát xuất từ sự dâng mình vô điều kiện và hoàn toàn. Nếu một người dâng mình cho Đức Chúa Trời hoàn toàn và tuyệt đối, thì người ấy sẽ không dè dặt đối với Đức Chúa Trời và sẽ không khép kín trong bất cứ phương diện nào. Bất cứ sự khép kín nào cũng đều phản ảnh tình trạng thiếu sót trong việc dâng mình của một người. Sự tối tăm là kết quả của tình trạng khép kín, và khép kín là do thiếu dâng mình. Bất cứ khi nào thiếu dâng mình thì sẽ có những sự dè dặt. Khi một người không chịu hạ mình xuống trước mặt Đức Chúa Trời trong lãnh vực nào, thì người ấy sẽ cố tự bào chữa. Hậu quả là người ấy không thể hiểu lẽ thật trong Kinh Thánh liên quan đến lãnh vực ấy. Hễ chạm đến lãnh vực đó thì người ấy sẽ lẩn tránh. Đó là lý do tại sao chúng tôi nói rằng tình trạng tối tăm phát xuất từ sự khép kín, và việc khép kín phát xuất từ tình trạng thiếu dâng mình. Mọi loại tối tăm đều xuất hiện do tình trạng khép kín, và khép kín trong bất cứ lãnh vực nào đều là do thiếu dâng mình và thuận phục.
B. Mắt Đơn Thuần
Nhiều phân đoạn Kinh Thánh bàn về ánh sáng cách rõ ràng. Trong Ma-thi-ơ 6:22, Chúa Giê-su nói đến ánh sáng của tấm lòng rằng: “Đèn của thân thể là con mắt”. Chúa không nói mắt là ánh sáng của thân thể, mà nói mắt là đèn của thân thể. Ánh sáng liên quan đến Đức Chúa Trời, trong khi đèn liên quan đến chúng ta. Ánh sáng ở trong lời Đức Chúa Trời, trong khi đèn liên quan đến chúng ta. Đèn là chỗ ánh sáng được giữ lại. Nói cách khác, đèn là chỗ Đức Chúa Trời ký thác ánh sáng của Ngài. Đó cũng là chỗ chúng ta giữ lại và tỏa ra ánh sáng. Để lời Đức Chúa Trời chiếu sáng trong mình, chúng ta phải có đèn ở bên trong. Đèn ấy là con mắt của chúng ta. “Nếu mắt ngươi đơn thuần, thì cả thân thể ngươi đều sáng sủa; nhưng nếu mắt ngươi gian ác, thì cả thân thể ngươi đều tối tăm” (cc. 22-23). Để cả thân thể chúng ta sáng sủa, Chúa nêu rõ một điều kiện — mắt chúng ta phải đơn thuần.
Có mắt đơn thuần nghĩa là gì? Tuy chúng ta có hai con mắt nhưng chỉ có một tiêu điểm; chúng chỉ có thể nhìn thấy một vật thể trong cùng một lúc. Nếu cùng một lúc lại có hai tiêu điểm và nhìn hai vật thể thì cặp mắt của chúng ta không bình thường; chúng ta cũng không nhìn được rõ ràng. Đôi mắt chúng ta không đơn thuần. Để cặp mắt nhìn thấy rõ ràng, chúng phải chỉ có một tiêu điểm, chứ không thể có hai. Trong việc nhận được sự chiếu sáng thì có vấn đề ánh sáng, và cũng có vấn đề cái nhìn của mắt. Nếu chưa từng kinh nghiệm chút ân điển hay sự thương xót nào thì chúng ta không bao giờ kinh nghiệm được chút ánh sáng nào [chiếu] trên mình. Nhưng bây giờ, chúng ta đã nhận được ân điển và sự thương xót, ánh sáng chiếu trên chúng ta. Nan đề tiếp theo không phải ở nơi ánh sáng, mà ở nơi mắt chúng ta. Nếu mắt chúng ta không đơn thuần thì chúng ta không thể nhận thấy ánh sáng. Mắt của nhiều người không đơn thuần; trong cùng một lúc, họ không chỉ nhìn thấy một vật thể mà nhìn thấy hai vật thể. Đôi khi họ nhìn một mà hóa hai. Ánh sáng không rõ ràng đối với họ. Thật ra, có thể họ hoàn toàn ở trong sự tối tăm.
Chúa nói: “Không ai có thể hầu việc hai chủ; vì sẽ ghét người này mà yêu người kia, hoặc trọng người này mà khinh người kia. Các ngươi không thể hầu việc cả Đức Chúa Trời lẫn tiền tài (ma-môn) nữa” (6:24). Nhiều người không có ánh sáng vì mắt họ không đơn thuần. Lý do mắt họ không đơn thuần là vì họ thiếu sự dâng mình trước mặt Chúa. Dâng mình là gì? Đó là chỉ hầu việc một mình Đức Giê-hô-va. Một người không thể hầu việc hai chủ. Hoặc người ấy sẽ ghét người này mà yêu người kia, hay sẽ trọng người này mà khinh người kia; người ấy không thể hầu việc cả hai cách tốt đẹp. Người ấy không thể duy trì tình trạng quân bình. Không ai có thể một mặt hầu việc Đức Chúa Trời và mặt khác phục vụ ma-môn. Sớm muộn gì tất cả những người cố hầu việc hai chủ cũng sẽ nhận thấy mình yêu người này mà ghét người kia. Hoặc chúng ta phải tuyệt đối dâng mình cho Đức Chúa Trời, hoặc chúng ta hoàn toàn phục vụ tiền tài. Chúa nói mắt phải đơn thuần. Tình trạng đó có nghĩa là sự hầu việc và dâng mình của chúng ta phải đơn thuần. Tình trạng đơn thuần của mắt cho thấy tình trạng đơn thuần của sự dâng mình.
Nguyện Chúa cho chúng ta nhìn thấy nguyên tắc cơ bản này. Nếu muốn đọc Kinh Thánh, hiểu những sự dạy dỗ của Kinh Thánh, và nhận được những khải thị của Kinh Thánh, chúng ta phải gánh vác một trách nhiệm trước mặt Chúa: Chúng ta phải tuyệt đối dâng mình cho Ngài. Chỉ điều đó mới ban cho chúng ta ánh sáng qua Kinh Thánh. Một khi có nan đề trong việc dâng mình thì chúng ta gặp nan đề trong việc nhìn thấy [ánh sáng]. Khi chúng ta gặp nan đề trong việc nhìn thấy [ánh sáng], thì có nghĩa là khởi đầu chúng ta đã có nan đề trong sự dâng mình. Chúng ta phải được hoàn toàn thuyết phục là không người nào có thể hầu việc hai chủ.
Người chủ kia có tên là ma-môn. Ma-môn chỉ về tiền bạc và của cải. Nhiều ánh sáng trong Kinh Thánh đã bị che khuất vì tiền bạc. Nhiều người bị che khuất không thấy ánh sáng của Kinh Thánh vì tiền tài. Nhiều người không thấy được lẽ thật trong Kinh Thánh vì họ có nan đề trong vấn đề tiền bạc. Ngoài Đức Chúa Trời, họ còn có tiền bạc, và không bằng lòng bỏ sự theo đuổi tiền tài của mình. Có một sự mâu thuẫn giữa lẽ thật và mối quan tâm riêng tư của họ. Nếu họ có thể để sang một bên mối quan tâm của mình và theo đuổi lẽ thật bằng mọi giá, thì Kinh Thánh sẽ trở nên rõ ràng đến trong suốt đối với họ. Nhiều người hi sinh những sự dạy dỗ của Kinh Thánh vì họ có nan đề trong vấn đề tiền tài. Nếu mọi Cơ-đốc-nhân đều giải quyết nan đề tiền tài thì số người vâng phục sẽ gia tăng nhiều. Tại đây, chúng ta phải lưu ý đến lời cảnh cáo của Đức Chúa Trời. Mỗi khi chúng ta bất cẩn mà xoay một chút sang mối quan tâm riêng của mình thì ánh sáng của Đức Chúa Trời sẽ bị chặn lại. Để nhìn thấy ánh sáng, chúng ta không thể phục vụ ma-môn. Chúng ta không thể có hai mối quan tâm. Chúng ta không thể duy trì mối quan tâm của Đức Chúa Trời cũng như mối quan tâm của mình. Chúng ta chỉ có thể nghĩ đến một điều: mối quan tâm của Đức Chúa Trời. Một khi suy nghĩ đến mối quan tâm riêng của mình thì chúng ta có hai chủ, và mắt chúng ta không còn đơn thuần nữa. Một người phân tâm không thể nghiên cứu Kinh Thánh; người ấy cũng không thể tránh khỏi có những mối quan tâm riêng. Chỉ những người có mắt đơn thuần mới có thể nghiên cứu Kinh Thánh.
Làm thế nào mắt có thể đơn thuần? Chúa phán: “Vì của báu ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó” (6:21). Điều lạ lùng là khi tiền tài ở dưới sự hướng dẫn của chúng ta, nó sẽ không làm hại mà còn trợ giúp chúng ta. Khi lòng chúng ta dành cho tiền tài, chúng ta yêu mến tiền bạc, và lòng mình khó hướng về Đức Chúa Trời. Nhưng nếu có thể điều khiển của báu của mình thì chúng ta sẽ có thể điều khiển lòng mình. Đó là lý do tại sao chúng ta phải tập phân phát của báu của mình. Chúa nói: “Vì của báu ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó”. Khi một người tích trữ của báu của mình nơi Chúa, tự phát lòng người ấy sẽ hướng về Chúa. Nếu một người tích trữ của báu mình ở trên trời, lòng người ấy sẽ ở trên trời. Của báu chúng ta ở đâu thì lòng chúng ta cũng ở đó. Nếu mọi sự chúng ta có đều ở với Đức Chúa Trời thì tự phát lòng chúng ta sẽ ở với Đức Chúa Trời và mắt chúng ta sẽ đơn thuần.
Để hiểu Kinh Thánh, chúng ta cần dâng mình tuyệt đối. Không dâng mình thì lòng chúng ta sẽ không hướng về Đức Chúa Trời. Tính chất đặc biệt của sự dâng mình là đem lòng chúng ta đến với Đức Chúa Trời. Khi chúng ta dâng mọi sự lên cho Đức Chúa Trời, lòng chúng ta sẽ đi theo chúng ta vì của báu của chúng ta đã ra đi. Có hai loại dâng mình. Một loại thì tấm lòng đi trước. Loại kia thì tấm lòng theo sau. Một số người dâng hiến của cải của mình sau khi lòng họ được chạm đến. Những người khác sau khi đã dâng hiến của cải của mình thì nhận thấy lòng mình theo sau. Dầu suy nghĩ không biết lòng mình có theo mình hay không, chúng ta chỉ cần quan tâm đến việc dâng mình. Bất cứ điều nào chúng ta tha thiết giữ lấy nhất thì cần phải ra đi trước tiên. Chúng ta cần phải phân phát điều đó cho những người túng thiếu trong danh Chúa. Khi những vật chúng ta sở hữu được phân phát, thì lòng chúng ta sẽ hướng về Chúa. Khi mọi điều của chúng ta đều ở với Chúa, mắt chúng ta sẽ đơn thuần.
Một khi mắt chúng ta trở nên đơn thuần, nó sẽ trở nên sáng tỏ, và ánh sáng sẽ chiếu xuyên qua. Chúa nói: “Cả thân thể ngươi đều sáng sủa” (c. 22). Cả thân thể sáng sủa nghĩa là gì? Tình trạng ấy có nghĩa là có đủ ánh sáng để chân chúng ta bước đi, để tay chúng ta lao động, và để tâm trí chúng ta suy nghĩ. Nói cách khác, chúng ta có ánh sáng trong mọi lãnh vực. Ánh sáng đầy dẫy cảm xúc, ý chí, tâm trí, tình yêu, bước đi và con đường của chúng ta. Chúng ta nhìn thấy mọi sự, vì mắt mình đơn thuần.
Trong phần trước, chúng tôi đã nói rằng chỉ những người thuộc linh mới có thể hiểu Kinh Thánh. Bây giờ chúng tôi phải thêm một điều nữa: Chỉ những người đã dâng mình mới có thể hiểu Kinh Thánh. Nếu một người chưa dâng mình thì người ấy không bao giờ có thể đọc Kinh Thánh có hiệu quả. Ngay khi mở Kinh Thánh ra người ấy sẽ đụng phải những lãnh vực mà mình đã giữ lại trong sự dâng mình, và tình trạng tối tăm sẽ bao phủ người ấy. Khi đọc tiếp, người ấy sẽ chạm đến những phương diện khác nhau chưa được dâng hiến, và tình trạng tối tăm sẽ lại bao trùm người ấy. Một khi tình trạng tối tăm bao phủ một người thì người ấy không hi vọng nhận được điều gì từ Đức Chúa Trời. Một người phải tuyệt đối vì Đức Chúa Trời. Người ấy không thể một mặt hầu việc Chúa, và mặt khác lại mong đi con đường riêng của mình. Một số người đã tranh luận rằng họ thật lòng tìm kiếm ý chỉ của Đức Chúa Trời, nhưng vẫn không biết Kinh Thánh dạy dỗ những gì. Họ nói họ không biết nan đề nằm ở chỗ nào. Nhưng đó là một lời bào chữa, chứ không phải là sự thật. Một người không biết vì người ấy không muốn đi con đường của Đức Chúa Trời. Nếu thật sự nghiêm túc muốn đi đường lối của Chúa thì người ấy sẽ tìm thấy con đường rõ ràng và hiển nhiên ở trước mặt mình. Loại người duy nhất không bao giờ sáng tỏ là người có mắt không đơn thuần.
C. Cần Liên Tục Vâng Phục
Đức Chúa Trời ban cho chúng ta khải thị về những sự dạy dỗ trong Kinh Thánh theo mức độ chúng ta vâng phục Ngài. Càng vâng phục Ngài thì chúng ta sẽ càng nhận được nhiều ánh sáng. Nếu tiếp tục vâng phục Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ tiếp tục nhìn thấy. Nếu không dâng mình thì chúng ta không thể nhìn thấy. Thiếu sự vâng phục liên tục, chúng ta không thể tiếp tục nhìn thấy. Nếu sự dâng mình của chúng ta không triệt để, sự chiếu sáng sẽ không lớn lao. Nếu sự vâng phục của chúng ta không tinh tế và chi tiết đúng mức, ánh sáng chúng ta nhận được sẽ không tinh tế và chi tiết đúng mức. Vì vậy, vấn đề căn bản là sự dâng mình. Nếu không hiểu ý nghĩa của sự dâng mình, một người không thể hiểu Kinh Thánh. Một người đã dâng mình không những phải có một sự dâng mình khởi đầu, căn bản, mà còn phải luôn luôn duy trì sự vâng phục trước mặt Chúa. Chỉ khi ấy người đó mới liên tục nhìn thấy. Mức độ ánh sáng một người nhận được tùy thuộc vào mức độ vâng phục người ấy duy trì sau khi dâng mình lần đầu tiên. Nếu vâng phục hoàn toàn thì chúng ta cũng nhìn thấy trọn vẹn.
Chúng ta cần phải lưu ý đến lời của Chúa trong Giăng 7:17: “Nếu người nào quyết tâm làm theo ý chỉ của Ngài, thì sẽ biết sự dạy dỗ ấy hoặc bởi Đức Chúa Trời, hoặc tự Ta nói ra”. Nếu quyết tâm làm theo ý chỉ của Đức Chúa Trời thì một người sẽ biết. Nói cách khác, sự vâng phục là một điều kiện để biết. Quyết tâm làm theo ý chỉ của Đức Chúa Trời là một điều kiện để biết sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời. Nếu một người không có ý định làm theo ý chỉ của Đức Chúa Trời, nhưng muốn biết sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời, thì người ấy đang xin điều không thể xảy ra được. Để biết sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời, trước hết một người phải quyết tâm làm theo ý chỉ của Ngài. Sự quyết tâm liên quan đến thái độ của người ấy. Đức Chúa Trời muốn chúng ta vâng phục trước hết trong thái độ của mình. Nếu một người vâng phục Đức Chúa Trời trong thái độ của mình, sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời sẽ rõ ràng đối với người ấy. Chúng ta không nên thắc mắc Kinh Thánh dạy gì. Trái lại, chúng ta nên hỏi xem mình có sẵn lòng vâng phục lời Ngài hay không. Nan đề nằm nơi thái độ của chúng ta, chứ không liên quan gì đến sự dạy dỗ của Kinh Thánh. Kinh Thánh có mở ra cho chúng ta hay không tùy thuộc vào thái độ của chúng ta đối với Đức Chúa Trời. Chúng ta chịu trách nhiệm về thái độ của mình, trong khi Đức Chúa Trời chịu trách nhiệm về sự dạy dỗ của Ngài. Nếu thái độ của chúng ta đúng đắn thì Đức Chúa Trời sẽ mặc khải chính Ngài cho chúng ta và lập tức mở mắt chúng ta ra. Nếu chúng ta thêm vào thái độ ấy bằng sự vâng phục của mình, thì một lần nữa thái độ của chúng ta sẽ đúng đắn và Đức Chúa Trời sẽ ban cho chúng ta thêm khải thị. Trước hết là một thái độ đúng đắn, rồi mới đến khải thị. Nếu đáp ứng khải thị bằng sự vâng phục, chúng ta sẽ có thêm thái độ đúng đắn và nhận được thêm khải thị.
Nhiều người tuyên bố rằng mình đã nhìn thấy các lẽ thật trong Kinh Thánh. Thật ra, chỉ những người quyết tâm làm theo ý chỉ của Đức Chúa Trời mới nhìn thấy được những lẽ thật ấy. Chỉ có họ mới có thể tuyên bố rằng mình nhìn thấy rõ ràng và thấu suốt. Đức Chúa Trời phải thực hiện nhiều công tác trong chúng ta rồi chúng ta mới “quyết tâm” theo con đường này. Đừng tưởng là ánh sáng đến mà không phải trả giá. Để nhìn thấy mỗi một [khải thị] đều phải trả một giá cao; chúng ta phải trả một giá để nhìn thấy. Đôi khi, Đức Chúa Trời phải đem một người trải qua hai ba kinh nghiệm rồi người ấy mới nhìn thấy một điều gì đó. Đôi khi, Đức Chúa Trời phải đem người ấy qua sáu bảy kinh nghiệm rồi người ấy mới nhìn thấy một điều gì đó. Ánh sáng của Đức Chúa Trời thường đến với chúng ta theo cách phản chiếu. Trước hết ánh sáng chiếu trên một vật nào đó, rồi phản chiếu lại chúng ta. Ánh sáng của Đức Chúa Trời thường là ánh sáng phản chiếu. Chúng ta phải nhìn thấy ánh sáng từ góc độ này trước khi có thể nhìn thấy ánh sáng từ góc độ khác rồi mới đến góc độ thứ ba. Đôi khi, chúng ta cần trải qua một vài kinh nghiệm rồi mới có thể nhìn thấy ánh sáng. Nếu không vâng phục trong một điều thì chúng ta bỏ qua mất sự khải thị. Đó là cách ánh sáng của Đức Chúa Trời hành động. Nhiều khi chúng ta chỉ có thể nhìn thấy rõ ràng sau khi tự đặt mình ở những góc độ khác nhau. Trả giá càng cao trước mặt Chúa thì chúng ta càng nhìn thấy ánh sáng. Một kinh nghiệm vâng phục sẽ dẫn đến một kinh nghiệm khác rồi thậm chí [dẫn đến] sự vâng phục hơn nữa. Một kinh nghiệm về ánh sáng sẽ dẫn đến một kinh nghiệm khác rồi thậm chí [dẫn đến chỗ có] ánh sáng nhiều hơn. Ý chỉ của Đức Chúa Trời ẩn sau mọi sự Ngài đã xếp đặt. Mỗi khi một người bỏ sót hai ba cơ hội vâng phục Đức Chúa Trời, người ấy bị thiệt thòi trước mặt Đức Chúa Trời.
Dù có tự tin đối với việc dâng mình và vâng phục của mình đến đâu đi nữa, chúng ta vẫn phải nhận thức rằng mỗi khi chúng ta bị che khuất [không thấy được khải thị] thì có điều gì sai trật trong sự dâng mình của chúng ta. Mỗi khi chúng ta không nhìn thấy được thì mắt chúng ta có gì sai trật. Đức Chúa Trời không bao giờ thiếu ánh sáng, nhưng mỗi khi nhìn thấy bất cứ sự không sẵn lòng nào nơi chúng ta thì Ngài sẽ giữ lại lời phán của Ngài. Đức Chúa Trời không bao giờ bắt buộc ai làm bất cứ điều gì, nhưng cũng không truyền đạt lời Ngài một cách “rẻ tiền”. Nếu có bất cứ sự miễn cưỡng nào nơi chúng ta thì Thánh Linh sẽ tránh đi; Ngài sẽ rút lui chứ không ban phát chính Ngài một cách “rẻ tiền”. Nếu có điều gì sai trật trong sự dâng mình của một người thì Đức Chúa Trời sẽ không ban cho người ấy bất cứ ánh sáng nào. Một người không hiểu được Kinh Thánh không phải là chuyện nhỏ vì điều đó nói lên người ấy có nan đề trong sự dâng mình. Dầu xức mắt thuộc linh có giá phải trả, chứ không cho không. Để nhìn thấy mỗi một [khải thị] thì đều phải trả giá. Không khải thị nào chúng ta thấy mà không phải trả giá.
--------------------

MỤC LỤC
   (Các bạn click vào links màu xanh để đọc bài nhé! Thanks!)
Phần Một:
CHƯƠNG MỘT
Ba Điều Kiện Tiên Quyết
A. “Những Lời Ta Phán... Là Linh”
B. “Giải Nghĩa Các Điều Thuộc Linh Cho Những Người Thuộc Linh”
A. Lòng Mở Ra
B. Mắt Đơn Thuần
C. Cần Liên Tục Vâng Phục
A. Không Được Chủ Quan
B. Không Được Bất Cẩn
C. Đừng Tò Mò
CHƯƠNG HAI
Bước Vào Ba Lãnh Vực Liên Quan Đến Thánh Linh
A. Hòa Nhập Tư Tưởng Của Mình Với Tư Tưởng Của Thánh Linh
B. Khám Phá Ra “Thân” Và “Cành”
C. Hai Loại Huấn Luyện
A. Ấn Tượng Từ Những Sự Kiện
B. Những Cảm Xúc Tế Nhị
C. Những Ấn Tượng Nảy Sinh Từ Các Bài Học
A. Chạm Đến Linh Đằng Sau Lời
B. Làm Thế Nào Chạm Đến Linh Đằng sau Lời
C. Tiến Lên Từ Chỗ Có Cùng Phẩm Chất Đến Chỗ Gia Tăng Khả Năng
D. Linh Thật Tinh Tế
E. Hai Ví Dụ

Phần Hai: Các Phương Pháp Nghiên Cứu Kinh Thánh
CHƯƠNG BA
Những Bí Quyết Để Nghiên Cứu Kinh Thánh
CHƯƠNG BỐN
Thực Hành Nghiên Cứu Kinh Thánh
A. Phần Thứ Nhất
— Dành Cho Những Chủ Đề Quan Trọng
B. Phần Thứ Hai
— Dành Cho Những Chủ Đề Kém Quan Trọng
C. Phần Thứ Ba — Thu Thập Sự Kiện
D. Phần Thứ Tư — Diễn Ý
A. Quyển Kinh Thánh
B. Sách Phù Dẫn
C. Từ Điển Kinh Thánh
D. Các Dàn Bài Của Kinh Thánh
CHƯƠNG NĂM
Những Kế Hoạch Nghiên Cứu Kinh Thánh
XVIII. ĐỊA LÝ
XIX. TÊN NGƯỜI

           (cachoithanh.com)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét