9/19/2011

Sống Bởi Đức Tin

Trong toàn bộ lịch sử loài người, không hề có quyển sách nào tuyệt diệu bằng Kinh Thánh. Là Sách thứ nhất trong Kinh Thánh, Sáng Thế Ký không phải là một Sách giáo lý mà là một Sách lịch sử. Đây không phải là lịch sử theo cách con người nhưng theo cách rất thần thượng. Sáng Thế Ký dùng tiểu sử của một số thánh đồ thời xưa để cho chúng ta biết một điều gì đó hết sức thần thượng. Sự khải thị thần thượng được chứa đựng trong đời sống của những con người, trong những câu chuyện về con người, những con người trong Sáng Thế Ký.
Trong bài này, chúng ta cần thấy sự khải thị thần thượng được tìm thấy trong kinh nghiệm sống bởi đức tin của Áp-ra-ham.

 Sống Bởi Đức Tin
Trong các bài trước, chúng ta đã thấy rằng kinh nghiệm của những người được kêu gọi có ba phương diện: phương diện của Áp-ra-ham, của Y-sác và của Gia-cốp. Giai đoạn đầu của phương diện thứ nhất, phương diện của Áp-ra-ham, là việc Áp-ra-ham được Đức Chúa Trời kêu gọi. Chúng ta đã đề cập đầy đủ về điểm này trong hai bài vừa qua. Bây giờ, chúng ta đến giai đoạn hai trong kinh nghiệm của Áp-ra-ham –sống bởi đức tin, hoặc có thể nói là một đời sống bởi đức tin. Khi nói về đời sống bởi đức tin, chúng ta không có ý nói đến sự sống bề trong nhưng là đời sống bên ngoài, tức nếp sống hằng ngày, bước đi hằng ngày của những người được kêu gọi. Bước đi hằng ngày này không bởi mắt thấy mà bởi đức tin (2Cô. 5:7).
Lịch sử của Áp-ra-ham là một hạt giống. Toàn bộ tiểu sử của Áp-ra-ham là một hạt giống, không phải hạt giống giáo lý, mà là hạt giống về lịch sử chúng ta. Lịch sử của Áp-ra-ham là hạt giống về lịch sử chúng ta vì lịch sử chúng ta ra từ lịch sử của ông. Trong một ý nghĩa, chúng ta và Áp-ra-ham là một trong kinh nghiệm sự sống. Chúng ta, những người tin, là dòng dõi thật của Áp-ra-ham, và ông là cha thật của tất cả những người được Đức Chúa Trời kêu gọi. Khi đọc tiểu sử của ông, chúng ta cũng đang đọc tiểu sử của chính mình. Lịch sử của ông nói về chúng ta. Khi đọc tất cả những chương trong Sáng Thế Ký về Áp-ra-ham, chúng ta phải đọc theo cách nhận thức rằng lịch sử của ông là câu chuyện của chúng ta.
Chúng ta cần thấy các bước mình phải trải qua khi theo Chúa. Bước thứ nhất là được kêu gọi, bước thứ hai là sống bởi đức tin. Anh em đã được kêu gọi chưa? Anh em phải nói cách mạnh mẽ rằng “A-men, tôi đã được kêu gọi”. Áp-ra-ham là người đầu tiên được kêu gọi, và như chúng ta đã thấy, ông đã không đáp ứng sự kêu gọi của Đức Chúa Trời cách dứt khoát nhưng rề rà. Tiểu sử của chúng ta cũng vậy. Việc chúng ta đáp ứng sự kêu gọi của Đức Chúa Trời cũng giống như ông. Theo nguyên tắc, hạt giống thì ở mức độ nhỏ, sự tăng trưởng ở mức độ lớn hơn và mùa gặt ở mức độ lớn nhất. Chúng ta thấy rằng khi Áp-ra-ham lìa bỏ Cha-ran, ông đã dẫn Lót theo. Anh em không đem một Lót theo sao? Nếu Áp-ra-ham, là hạt giống, đã đem Lót theo thì có lẽ mỗi chúng ta cũng đem nhiều Lót theo. Tôi e rằng một số anh em đang đọc bài này đã đem theo mình hơn mười ông Lót. Bởi điều này, chúng ta thấy rằng lịch sử chúng ta được tìm thấy trong tiểu sử của Áp-ra-ham.
Dù Áp-ra-ham có rề rà bao nhiêu, Đức Chúa Trời vẫn tể trị. Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời. Áp-ra-ham không những được kêu gọi mà còn bị bắt lấy. Ông đã ra khỏi quê hương, thân tộc, nhà cha mình, và được đem đến Mô-rê, nơi Đức Chúa Trời muốn ông ở và là nơi Ngài đã tái hiện ra với ông (12:6-7). Sự tái hiện ra của Đức Chúa Trời là một dấu ấn cho việc Áp-ra-ham đáp ứng sự kêu gọi của Ngài. Sự kêu gọi của Đức Chúa Trời thật dứt khoát nhưng sự đáp ứng của Áp-ra-ham thì không. Tuy nhiên, cuối cùng, Đức Chúa Trời đã nhận được sự đáp ứng đầy đủ đối với sự kêu gọi của Ngài. Tôi không quan tâm đến việc các anh chị em trẻ lề mề bao nhiêu. Sớm muộn gì họ cũng được [Chúa] hoàn toàn thu hút. Các công nhân Cơ-đốc và những anh em dẫn dắt phải có đức tin để đừng bao giờ thất vọng về các anh chị em. Đừng bao giờ cảm thấy rằng một anh em nào đó là vô vọng. Đúng ra, chúng ta phải nói rằng có nhiều hy vọng với anh em đó. Chỉ chờ một thời gian, anh em sẽ thấy mọi người đều đến Mô-rê.
1) Sức Mạnh –Sự Hiện Ra Của Đức Chúa Trời
Tại Mô-rê, Đức Chúa Trời lại hiện ra với Áp-ra-ham và ông gặp Ngài một lần nữa (12:6). Nếu nói rằng anh em đã được kêu gọi, tôi xin hỏi câu này: Điều gì là dấu ấn về sự kêu gọi của anh em? Đó là sự hiện ra nhiều lần của Đức Chúa Trời. Sự hiện ra nhiều lần của Đức Chúa Trời, việc Ngài lại đến với chúng ta, là dấu ấn của việc chúng ta đáp ứng sự kêu gọi của Ngài. Việc Đức Chúa Trời lại hiện ra với Áp-ra-ham là sức mạnh để làm cho ông có thể sống bởi đức tin.
Nếu đọc lời ký thuật trong Sáng Thế Ký, anh em sẽ thấy vào thời của Áp-ra-ham, loài người sống theo cách xây một thành kiên cố để bảo vệ và dựng lên một tháp cao để làm rạng danh mình. Đó là cách sống của loài người tại Ba-bên. Nhưng Áp-ra-ham đã sống theo cách hoàn toàn khác. Nếp sống của ông là một chứng cớ chống lại cách sống của loài người, chống lại lối sống đã phát triển đầy đủ tại Ba-bên. Như chúng ta thấy trong bài 36, tại Ba-bên, con người đã xây một thành rất lớn. Thành này không được xây bằng đá do Đức Chúa Trời tạo nên mà bằng gạch do con người làm ra. Những gạch này được làm ra bằng cách giết chết yếu tố phát triển sự sống trong đất. Nhưng Áp-ra-ham, người được kêu gọi, đã không sống theo cách ấy. Với Áp-ra-ham, không có thành và không có tháp. Sau khi Đức Chúa Trời lại hiện ra như một dấu ấn cho sự đáp ứng của Áp-ra-ham đối với sự kêu gọi của Đức Chúa Trời, thì Áp-ra-ham lập tức dựng một bàn thờ không phải để ông rạng danh nhưng để kêu cầu danh Chúa. Tại sao Áp-ra-ham làm điều này? Vì ông có sự hiện ra của Đức Chúa Trời một lần nữa. Làm thế nào ông có thể làm điều này? Cũng bởi sự tái hiện ra của Ngài. Xin nhớ rằng lời ký thuật trong Sáng Thế Ký về Áp-ra-ham là một tiểu sử, chứ không phải giáo lý, tôn giáo hay truyền thống. Áp-ra-ham không dựng bàn thờ vì sự dạy dỗ hay truyền thống tôn giáo. Ông dựng bàn thờ vì Đức Chúa Trời đã tái hiện ra với ông. Sự tái hiện ra của Đức Chúa Trời là mọi sự cho ông. Nó không những ấn chứng việc Áp-ra-ham đáp ứng sự kêu gọi của Ngài mà còn làm ông mạnh mẽ để sống theo cách hoàn toàn khác với cách của nhân loại [thời đó]. Điều đó khiến ông sống như một chứng cớ chống lại thời đại đó. Bàn thờ Áp-ra-ham đã dựng là một chứng cớ chống lại tháp Ba-bên.
a) Sau Khi Đến Ca-na-an
Bây giờ, chúng ta cần khám phá Áp-ra-ham đã kinh nghiệm sự tái hiện ra của Đức Chúa Trời vào thời điểm nào. Đức Chúa Trời của chúng ta không bao giờ làm điều gì mà không có mục đích và Ngài không bao giờ hành động cách vô nghĩa. Mọi việc Ngài làm đều có mục đích và đầy ý nghĩa. Sau khi đáp ứng sự kêu gọi của Đức Chúa Trời, tin và vâng phục Ngài, Áp-ra-ham đến cây dẻ bộp của Mô-rê (12:6-7). Khi ông đến đó, Đức Chúa Trời tái hiện ra với ông vì ông đã tin sự kêu gọi của Đức Chúa Trời và vâng theo. Là một người tin và vâng theo sự kêu gọi của Đức Chúa Trời, Áp-ra-ham đã không chọn nơi mình muốn ở. Đức Chúa Trời kêu gọi Áp-ra-ham lần thứ hai tại Cha-ran, và tại đó, ông đã vượt sông, bắt đầu một cuộc hành trình dài. Trong cuộc hành trình này, ông đã không có sự chọn lựa riêng. Hê-bơ-rơ 11:8 nói rằng Áp-ra-ham không biết mình sẽ đi đâu. Ông không có bản đồ chỉ đường trong tay. Bản đồ của ông là một Thân Vị sống, Đức Chúa Trời Hằng Sống. Trong cuộc hành trình, ông phải liên tục ngửa trông Chúa, ông không thể dừng lại bất cứ nơi nào mình muốn. Khi ông đi, sự hiện diện của Đức Chúa Trời là hướng đi, là bản đồ cho ông. Với cách đó, ông đã đi theo Đức Chúa Trời cho đến khi dừng chân tại Mô-rê. Tại Mô-rê, Đức Chúa Trời hiện ra với ông. Sự hiện ra của Đức Chúa Trời tại Mô-rê ngụ ý rằng Áp-ra-ham đã đến nơi mà Ngài muốn ông đến. Tại đó, Đức Chúa Trời phán với Áp-ra-ham rằng Ngài sẽ ban cho dòng dõi ông miền đất này.
Việc Đức Chúa Trời hiện ra với chúng ta lần đầu tiên không hề tùy thuộc vào chúng ta. Chính Đức Chúa Trời là Đấng khởi xướng sự kêu gọi đó. Tuy nhiên, sau sự hiện ra lần đầu đó, mỗi sự hiện ra khác tùy thuộc vào tình trạng của chúng ta. Mặc dù sự hiện ra lần đầu tiên của Đức Chúa Trời do Ngài khởi xướng và không tùy thuộc vào chúng ta, nhưng những lần hiện ra về sau đều tùy thuộc vào tình trạng của chúng ta. Nếu Áp-ra-ham không đến Mô-rê, ông sẽ không có sự tái hiện ra của Đức Chúa Trời, sự tái hiện ra làm ông mạnh mẽ để tiến lên với Ngài. Sự tiến lên với Đức Chúa Trời là đời sống bởi đức tin của Áp-ra-ham nơi Đức Chúa Trời.
b) Sau Khi Phân Rẽ Lót
Lần hiện ra thứ hai của Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham được ghi trong Sáng Thế Ký 13:14-17. Trong chương này, chúng ta thấy Áp-ra-ham gặp khó khăn với Lót. Trong xác thịt, Lót là cháu của Áp-ra-ham, nhưng trước mặt Đức Chúa Trời, Lót là anh em với Áp-ra-ham. Mặc dù Lót gây khó khăn cho Áp-ra-ham, nhưng Áp-ra-ham đã không tranh đấu. Đúng ra, ông để cho Lót được lựa chọn. Sau khi Lót phân rẽ Áp-ra-ham, để ông lại một mình, Đức Chúa Trời lại hiện ra với Áp-ra-ham. Sự hiện ra này do sự kiện Áp-ra-ham đã không tranh giành, không chiến đấu cho chính mình nhưng dành toàn quyền lựa chọn cho anh em mình là Lót. Lần Đức Chúa Trời tái hiện ra này cũng làm mạnh mẽ đời sống bởi đức tin của Áp-ra-ham.
Sau khi được Đức Chúa Trời kêu gọi, chúng ta cần sống bởi đức tin. Đây là nhu cầu của chúng ta ngày nay. Nếu đã được Đức Chúa Trời kêu gọi, anh em phải sống bởi đức tin. Trong Kinh Thánh, đức tin tương phản với mắt thấy. Nếu đã được Đức Chúa Trời kêu gọi, anh em phải sống bởi đức tin, không bởi mắt thấy. Hãy xem thế giới ngày nay: chắc chắn rằng đó là mùa gặt của đời sống con người đã gieo tại Ba-bên. Một hạt giống đã gieo ra tại Ba-bên và thế giới ngày nay là mùa gặt lớn của hạt giống đó. Người ta đang xây những thành phố lớn để sống và dựng lên những tháp cao để lưu danh. Đây là tình trạng trên khắp đất. Nhưng chúng ta đã được kêu gọi. Chúng ta nên làm gì? Chúng ta phải sống bởi đức tin. Sống bởi đức tin có nghĩa gì? Nghĩa là sống bằng cách tin cậy Đức Chúa Trời về mọi sự. Áp-ra-ham đã không tuyên bố rằng ông sống bởi đức tin, cũng không rao giảng việc sống bởi đức tin. Ông đã đơn giản sống bởi đức tin. Bây giờ, chúng ta cần thấy Áp-ra-ham đã sống bởi đức tin bằng cách nào.
2) Ý Nghĩa –Bàn Thờ
a) Bàn Thờ Thứ Nhất
Sau khi đến Mô-rê và sau khi Đức Chúa Trời đã hiện ra với ông, Áp-ra-ham đã dựng một bàn thờ (12:7). Đây là bàn thờ đầu tiên mà Áp-ra-ham đã lập. Để sống bởi đức tin, trước hết, chúng ta phải dựng một bàn thờ. Trong Kinh Thánh, bàn thờ có nghĩa là chúng ta dành tất cả cho Đức Chúa Trời và phụng sự Ngài. Lập một bàn thờ có nghĩa là dâng mọi điều chúng ta là và có cho Đức Chúa Trời. Chúng ta cần đặt tất cả những gì chúng ta là và tất cả những gì chúng ta có trên bàn thờ. Trước khi chúng ta làm bất cứ điều gì cho Đức Chúa Trời, Ngài sẽ phán: “Con ơi, đừng làm bất cứ điều gì cho Ta. Ta muốn con. Ta muốn con đặt tất cả những gì con là và có trên bàn thờ cho Ta”. Đây là sự tương giao thật, sự thờ phượng thật. Sự thờ phượng thật của những người được kêu gọi là đặt tất cả những gì chúng ta là và có trên bàn thờ.
Theo quan điểm con người, người ta sẽ nói rằng chúng ta ngu dại khi làm điều này. Họ sẽ kết án chúng ta là phí thì giờ, phí cuộc đời mình. Nếu ở vào thời Áp-ra-ham, họ sẽ nói: “Áp-ra-ham ơi, ông làm gì vậy? Ông có cuồng không? Tại sao ông xây một bàn thờ thấp bé như vậy rồi đặt mọi điều trên đó và đốt đi? Đó không phải là ngu dại sao?” Là những người được kêu gọi, bất kỳ điều gì chúng ta làm sẽ là ngu dại dưới mắt của người thế gian. Nhiều người thân của chúng ta sẽ nói rằng chúng ta thật ngu dại vì cứ thường hay đi nhóm, họ thắc mắc không biết tại sao chúng ta không ở nhà xem ti-vi với gia đình. Người thế gian không hiểu vì sao chúng ta đi nhóm nhiều lần trong tuần. Họ nghĩ là chúng ta cuồng. Họ nói: “Các anh làm gì trong căn nhà nhỏ đó? Tại sao các anh đến đó Thứ Tư, Thứ Sáu, Thứ Bảy rồi hai lần trong ngày Chúa Nhật và thậm chí đôi khi cả Thứ Hai, Thứ Ba và Thứ Năm nữa? Các anh là những người cuồng phải không?” Đúng vậy, theo ngươi thế gian, chúng ta cuồng. Sự hiện ra của Đức Chúa Trời làm chúng ta cuồng.
Bàn thờ có nghĩa là chúng ta không nắm giữ điều gì cho chính mình. Bàn thờ có nghĩa là chúng ta nhận thức rằng chúng ta đang hiện hữu trên đất là vì Đức Chúa Trời. Bàn thờ có nghĩa là đời sống chúng ta dành cho Đức Chúa Trời, rằng Đức Chúa Trời là sự sống của chúng ta, rằng ý nghĩa của đời sống chúng ta là Đức Chúa Trời. Vì thế, chúng ta đã đặt mọi sự trên bàn thờ. Chúng ta không ở đây để làm nổi danh mình nhưng đặt mọi sự trên bàn thờ vì danh Ngài.
Nếu xét lại kinh nghiệm, anh em sẽ thấy rằng ngay sau khi được kêu gọi, Đức Chúa Trời lại hiện ra với anh em một lần nữa và anh em nói “Chúa ơi, từ bây giờ, mọi sự là của Ngài. Tất cả những gì con là, tất cả những gì con có, tất cả những gì con có thể làm và sẽ làm đều vì Ngài”. Tôi vẫn còn nhớ những gì đã xảy ra vào buổi chiều tôi được cứu. Khi rời nhà thờ và dạo bước trên đường, tôi ngước mắt lên trời và nói: “Đức Chúa Trời ơi, từ hôm nay, mọi sự đều dành cho Ngài”. Đó là sự dâng hiến thật. Trong ý nghĩa thuộc linh, đó là lập bàn thờ. Tôi tin rằng nhiều người trong anh em đang đọc bài này đã có kinh nghiệm như vậy. Khi nhận được sự kêu gọi của Đức Chúa Trời, chúng ta trở nên cuồng, không quan tâm đến điều gì sẽ xảy ra. Dầu lúc đó, chúng ta không biết điều đó nghĩa là gì, nhưng chúng ta hứa với Chúa rằng mọi sự chúng ta có đều dành cho Ngài. Khi tôi nói với Chúa điều này trên đường, tôi không biết nó có liên hệ đến điều gì. Vài năm sau, khi tôi gặp một số rắc rối, Chúa đã phán trong tôi: “Con không nhớ những gì con đã nói vào buổi chiều đó, khi đi trên phố sao? Con đã nói: ‘Ôi Chúa, từ nay mọi sự đều vì Ngài’ sao?” Khi ký hợp đồng, tôi không biết hợp đồng đó liên quan đến những gì. Nhưng ăn năn thì quá trễ vì hợp đồng đã ký rồi. Nói với Chúa mọi sự đều dành cho Ngài là thực sự dựng một bàn thờ. Tất cả chúng ta có thể làm chứng rằng khi nói với Chúa mọi sự là dành cho Ngài, thì có một cảm nhận ngọt ngào và một sự tương giao thân mật biết bao. Lúc đó, chúng ta vào trong chính Chúa cách sâu xa.
Mặc dù có thể nói với Chúa rằng mọi sự chúng ta là và có đều dành cho Ngài, nhưng vài ngày sau, chúng ta có thể quên. Nhưng Đấng đã kêu gọi chúng ta sẽ không bao giờ quên. Ngài có một trí nhớ tuyệt hảo. Thường thì Ngài sẽ đến và nhắc chúng ta những gì chúng ta đã nói với Ngài. Ngài có thể nhắc: “Con không nhớ ngày đó con đã nói gì với Ta sao?” Đây không phải là giáo lý mà là một kinh nghiệm thật. Nếu đã được kêu gọi, anh em không phải là ngoại lệ. Hễ khi anh em được kêu gọi thì tôi hoàn toàn tin chắc rằng anh em có loại kinh nghiệm này. Chúa đã tái hiện ra với anh em, và lúc Ngài hiện ra đó, anh em trở nên cuồng, hứa dâng mọi sự cho Ngài mà chẳng quan tâm đến lời hứa đó có liên hệ đến những gì. Anh em đơn sơ dâng mình cho Ngài. Anh em đã không nhận thức ý nghĩa của điều mình đã hứa. Tôi cảm tạ Đức Chúa Trời vì chúng ta không sáng tỏ về điều này khi chúng ta hứa nguyện. Chúng ta không nhận thức rằng kết quả của việc nói một câu ngắn ngủi đó đã khiến chúng ta bị ràng buộc với Đức Chúa Trời nhiều như thế nào. Chúng ta bị ràng buộc bởi câu nói đó. Ngài là Đức Chúa Trời. Ngài là Đấng kêu gọi còn chúng ta là những người được gọi. Tất cả là của Ngài. Dù muốn cuồng vì Ngài, nhưng trong chính mình, chúng ta cũng không có động cơ để làm như vậy. Nhưng một khi Ngài hiện ra với chúng ta, chúng ta sẽ cuồng và nói: “Chúa ơi, mọi sự là của Ngài. Hãy nhận nó. Chúa ơi, hãy làm điều Ngài muốn. Con dâng mọi sự cho Ngài”. Giây phút dâng mình cho Chúa như vậy giống như một giấc mơ. Sau đó, chúng ta tỉnh lại và nhận thức điều đó ràng buộc mình là thể nào.
Vào những ngày đầu của chức vụ, tôi có gánh nặng giúp cho nhiều người dâng mình. Dù đã dạy nhiều về sự dâng mình nhưng tôi không thấy kết quả nhiều. Sự dạy dỗ của tôi không hiệu quả bao nhiêu. Cuối cùng, tôi học biết rằng anh em không thể giúp người khác dâng mình bằng sự dạy dỗ. Dạy dỗ không làm cho người khác dâng mình cho Chúa; chính sự hiện ra của Chúa mới thúc đẩy họ làm điều này. Nếu có thể giúp người khác gặp Chúa và bước vào hiện diện Ngài, điều đó là đủ. Chúng ta không cần bảo họ dâng mình cho Đức Chúa Trời hay dâng mọi sự cho Chúa trên bàn thờ. Một khi Đức Chúa Trời hiện ra với người nào, không gì có thể ngăn họ dâng mình. Ngay lập tức và tự động, họ sẽ thưa: “Chúa ơi, mọi sự là của Ngài. Từ nay về sau, mọi sự là dành cho Ngài”. Anh em không có loại kinh nghiệm này sao? Anh em không đặt mọi sự mình là và có trên bàn thờ vì Đức Chúa Trời và mục đích của Ngài sao?
b) Bàn Thờ Thứ Hai
Sau khi xây một bàn thờ cho Chúa tại Mô-rê, Áp-ra-ham đã đi khắp xứ. Đức Chúa Trời không ban cho ông một miếng đất nhỏ mà là một miền đất rộng lớn. Trong các cuộc hành trình, Áp-ra-ham đã đến một nơi giữa Bê-tên và A-hi. Bê-tên ở phía tây còn A-hi ở phía đông. Giữa Bê-tên và A-hi, Áp-ra-ham đã xây một bàn thờ khác (12:8; 13:3-4). Bê-tên có nghĩa là Nhà của Đức Chúa Trời; và A-hi có nghĩa là đống đổ nát. Bê-tên và A-hi đối lập nhau. Sự đối lập này có ý nghĩa gì? Nghĩa là trong cách nhìn của những người được kêu gọi, chỉ Nhà của Đức Chúa Trời là có giá trị; mọi sự khác chỉ là đống đổ nát. Ngày nay, với chúng ta, nguyên tắc này cũng vậy. Một mặt, chúng ta có Bê-tên, Nhà của Đức Chúa Trời, nếp sống Hội Thánh. Trái với điều này là đống đổ nát. Mọi sự nghịch lại với nếp sống Hội Thánh chỉ là đống đổ nát. Trong cách nhìn của những người được Đức Chúa Trời kêu gọi, mọi sự khác hơn nếp sống Hội Thánh là đống đổ nát vì họ nhìn tình hình thế giới theo cách nhìn của Đức Chúa Trời. Cách nhìn này hoàn toàn khác với quan điểm của thế giới. Theo quan điểm của thế giới, mọi sự trong thế giới thật cao trọng, tốt đẹp và tuyệt diệu; nhưng trong cách nhìn của những người được kêu gọi, mọi sự nghịch lại với Nhà của Đức Chúa Trời là một đống đổ nát.
Trước hết, chúng ta dâng mình tại Mô-rê. Sau đó, chúng ta dâng mình tại nơi nằm giữa nếp sống Hội Thánh và đống đổ nát. Đối với chúng ta, chỉ Nhà của Đức Chúa Trời là có giá trị. Mọi sự khác đều là đống đổ nát. Giữa Nhà của Đức Chúa Trời và đống đổ nát, chúng ta xây một bàn thờ để có thể tương giao, thờ phượng và hầu việc Đức Chúa Trời.
c) Bàn Thờ Thứ Ba
Áp-ra-ham đã xây bàn thờ thứ ba tại Mam-rê thuộc Hếp-rôn (13:18). Mam-rê có nghĩa là sức mạnh, và Hếp-rôn có nghĩa là thông công, tương giao hay tình bạn. Theo Sáng Thế Ký 18:1, tại Mam-rê, Đức Chúa Trời đã đến thăm Áp-ra-ham. Trong cuộc viếng thăm đó, Đức Chúa Trời không chỉ hiện ra với ông mà còn ở với ông khá lâu, thậm chí dùng bữa với ông nữa. Chúng ta sẽ biết điều này nhiều hơn khi đến chương đó. Mặc dầu cả Mô-rê và địa điểm giữa Bê-tên và A-hi đều tốt, nhưng để có sự tương giao liên tục với Chúa, Áp-ra-ham đã không ở nơi nào trong hai nơi đó. Nơi Áp-ra-ham ở để có sự tương giao liên tục với Chúa là Mam-rê thuộc Hếp-rôn.
Tất cả chúng ta cần duy trì sự tương giao liên tục với Chúa. Điều này không xảy ra ngẫu nhiên hay bất thường mà phải liên tục. Có lẽ vài năm trước, anh em đã xây một bàn thờ cho Chúa. Điều này tốt nhưng từ đó đến nay, có gì xảy ra? Anh em có thể nói mình đã xây một bàn thờ cách đây 2 năm, nhưng hôm nay thì sao? Nhiều người trong chúng ta đã có kinh nghiệm tại Mô-rê nhưng không có kinh nghiệm tại Mam-rê. Tôi tin rằng đời sống của Áp-ra-ham phần lớn đã trải qua tại Hếp-rôn, nơi ông có thể có sự tương giao liên tục với Chúa. Tại đó, tức Hếp-rôn, ông đã xây bàn thờ thứ ba. Tất cả chúng ta cần xây ít nhất ba bàn thờ –thứ nhất tại Mô-rê, thứ hai là giữa Bê-tên và A-hi, và thứ ba, tại Mam-rê thuộc Hếp-rôn. Chúng ta cần xây bàn thờ tại Mam-rê thuộc Hếp-rôn để có thể thờ phượng Đức Chúa Trời, hầu việc Ngài và có sự tương giao liên tục với Ngài. Đây là kinh nghiệm bàn thờ thứ ba, bàn thờ tại Hếp-rôn.
3) Sự Biểu Lộ –Lều Trại
a) Vì Mọi Điều Ông Có Đều Vì Đức Chúa Trời Và Ông Tin Cậy Ngài
Sau khi xây bàn thờ, Áp-ra-ham cũng dựng trại (12:7-8). Tại Ba-bên, trước hết người ta xây một thành, rồi sau đó, dựng một tháp. Nhưng Áp-ra-ham trước hết xây bàn thờ rồi sau đó dựng trại. Điều này có nghĩa là Áp-ra-ham vì Đức Chúa Trời. Điều đầu tiên ông làm là quan tâm đến sự thờ phượng và tương giao với Đức Chúa Trời. Điều thứ hai, ông quan tâm đến cuộc sống mình. Lều trại là vì cuộc sống của Áp-ra-ham. Ông không quan tâm đến đời sống mình trước nhứt mà là thứ yếu. Với Áp-ra-ham, điều chính yếu là dâng mọi sự cho Đức Chúa Trời, thờ phượng, hầu việc và tương giao với Đức Chúa Trời. Chỉ sau đó, ông mới dựng trại cho cuộc sống mình. Việc Áp-ra-ham ở trong trại ngụ ý rằng ông không thuộc về thế giới nhưng là một chứng cớ cho con người (Hê. 11:9).
b) Tại Nơi Chứng Cớ
Trước hết, Áp-ra-ham dựng trại ở giữa Bê-tên và A-hi (12:8; 13:3). Đó là nơi có Nhà của Đức Chúa Trời, và tại đó, ông đã bắt đầu làm chứng trong việc bày tỏ Đức Chúa Trời bằng cách tương giao với Ngài. Bàn thờ là khởi đầu chứng cớ của ông cho Đức Chúa Trời đối với thế giới, trong khi lều trại là làm trọn chứng cớ ấy cho Đức Chúa Trời đối với thế giới. Lều trại là hình ảnh thu nhỏ của Đền Tạm mà con cháu ông sẽ xây dựng trong đồng vắng và được gọi là “Đền Tạm Chứng Cớ” (Xuất. 38:21). Vì trại của ông được dựng gần Bê-tên, nên trong một ý nghĩa, lều trại đó được xem là Nhà của Đức Chúa Trời vì chứng cớ của Đức Chúa Trời trên đất.
c) Tại Chỗ Tương Giao
Sau đó, Áp-ra-ham dời trại mình đến Hếp-rôn, nghĩa là sự tương giao (13:18). Trại của ông trước hết là một chứng cớ cho Đức Chúa Trời đối với thế giới, sau đó trở nên trung tâm, nơi ông có sự tương giao với Đức Chúa Trời. Điều này được chứng minh mạnh mẽ bởi những gì xảy ra trong chương 18, khi Đức Chúa Trời đến ở với ông trong trại tại Mam-rê ở Hếp-rôn. Bởi Áp-ra-ham đã dựng trại nên Đức Chúa Trời có một nơi trên đất để có thể giao tiếp và tương giao với con người. Trại của ông đã đem Đức Chúa Trời từ trời xuống đất. Tất cả chúng ta, những người được kêu gọi của Đức Chúa Trời, phải dựng một trại. Một mặt, trại như vậy là một chứng cớ của Đức Chúa Trời đối với thế giới; mặt khác, đó là nơi tương giao với Đức Chúa Trời để đem Đức Chúa Trời từ trời xuống đất.
Đừng nghĩ rằng trại là một vấn đề nhỏ. Sau này, khi hậu tự của Áp-ra-ham được kêu gọi ra khỏi Ai-cập và đi vào đồng vắng, Đức Chúa Trời đã truyền cho họ dựng Lều Trại và bảo họ lập một Bàn Thờ trước Lều Trại đó (Xuất. 26:1; 27:1). Trong Xuất Ai-cập Ký, chúng ta thấy có Bàn Thờ với một lều trại, tức Đền Tạm. Đền Tạm đó là Nhà của Đức Chúa Trời trên đất. Trại của Áp-ra-ham cũng là Nhà của Đức Chúa Trời trên đất. Trong Sáng Thế Ký chương 18, chúng ta thấy Đức Chúa Trời đã đến và ở với Áp-ra-ham trong trại. Lúc đó, Áp-ra-ham là một thầy tế lễ dâng các sinh tế cho Đức Chúa Trời. Việc ông lập bàn thờ và dâng sinh tế cho Đức Chúa Trời chứng tỏ rằng ông đã thi hành chức năng như một thầy tế lễ. Ý định của Đức Chúa Trời là tất cả những người được kêu gọi của Ngài phải là thầy tế lễ. Chúng ta là những thầy tế lễ, không cần người khác dâng sinh tế thay cho mình. Chính chúng ta phải làm điều đó. Khi Áp-ra-ham dùng bữa với Đức Chúa Trời trong trại, ông là thầy tế lễ thượng phẩm, và phần bên trong trại là Nơi Chí Thánh. Đức Chúa Trời đã ở đó. Qua điều này, chúng ta có thể thấy lều trại của Áp-ra-ham là hình bóng về Đền Tạm được xây dựng bởi con cháu của ông trong đồng vắng làm nơi cư trú cho Đức Chúa Trời và cho các thầy tế lễ. Ở đây, trong Sáng Thế Ký, chúng ta thấy một thấy tế lễ có tên là Áp-ra-ham đã sống với Đức Chúa Trời trong trại của mình. Bên cạnh trại này có bàn thờ.
d) Hành Trình Bởi Đức Tin Như Trong Xứ Lạ
Đừng quên rằng lịch sử của Áp-ra-ham là lịch sử của chúng ta. Anh em không có trại là nơi anh em luôn có sự hiện diện của Chúa sao? Người thế gian không có một trại như vậy. Họ chỉ có thành lớn. Điều duy nhất người thế gian có thể thấy là thành lớn của họ. Họ nói “Hãy xem công ty của tôi. Hãy xem sự giáo dục của tôi, sự thành đạt của tôi. Hãy xem biết bao điều mà tôi có”. Nhưng chúng ta có thể nói với họ rằng: “Quý vị có mọi sự nhưng có một điều quý vị không có –đó là sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Quý vị không có trại, nhưng có thành Ba-bên. Tất cả những gì quý vị có là một phần của Ba-by-lôn Lớn”. Dù là thượng lưu hay hạ đẳng đều không có ý nghĩa nhiều. Vấn đề là, dù ở nơi nào, chúng ta cũng đều có trại với sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Khi có trại với sự hiện diện của Đức Chúa Trời, chúng ta có cảm nhận sâu xa bên trong rằng không gì ở trên đất là bền vững. Mọi sự là tạm bợ. Chúng ta đang hướng về sự đời đời. Ngân hàng, các tập đoàn, mọi sự thành đạt… đều là nhất thời và vô nghĩa. Chúng ta không có gì bền vững trên đất này. Tôi chỉ muốn có một trại với sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Tôi muốn sống như vậy. Chúng ta có thể nói với người thế giới rằng “Thưa Tiến sĩ A, B gì đó, tôi không có nhiều như ông, nhưng tôi có một điều mà ông không có –đó là sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Ngay bây giờ, tôi có sự hiện diện của Ngài trong trại của tôi. Xung quanh tôi là một trại, hình ảnh thu nhỏ của Giê-ru-sa-lem Mới. Có thể điều đó không là gì trong cách nhìn của ông, nhưng trong cách nhìn của Đức Chúa Trời, nó có ý nghĩa rất lớn”. Đây là ý nghĩa của việc dựng trại.
Hễ khi nào chúng ta đáp ứng sự kêu gọi của Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời tái hiện ra với chúng ta, rồi chúng ta dựng một bàn thờ cho Ngài, nói với Ngài rằng mọi sự chúng ta là và có đều dành cho Ngài, thì ngay lập tức, chúng ta sẽ dựng một trại. Tự phát, người ta sẽ thấy rằng đây là sự biểu lộ, lời tuyên bố rằng chúng ta không thuộc về thế giới này. Bởi dựng trại, chúng ta tuyên bố rằng mình thuộc về một xứ khác, không thuộc về xứ này; chúng ta đang tìm kiếm một nơi tốt hơn. Chúng ta không yêu xứ này, trái đất này, thế giới này. Chúng ta trông đợi để bước vào một xứ khác. Bởi đức tin, chúng ta đang kiều cư như trongmột xứ xa lạ (Hê. 11:9).
e) Trông Chờ Một Thành Có Các Nền Tảng
Hê-bơ-rơ 11:10 nói rằng Áp-ra-ham “trông đợi một thành có các nền tảng mà Đấng Kiến Trúc và Tạo Lập thành ấy là Đức Chúa Trời” (Bản Khôi Phục). Chắc chắn thành có các nền tảng này là Giê-ru-sa-lem Mới, có các nền tảng vững chắc do Đức Chúa Trời lập nền và xây dựng (Khải. 21:14,19-20). Đang khi Áp-ra-ham sống trong trại không có một nền tảng nào, ông vẫn tìm kiếm và trông đợi một thành có các nền tảng. Nhưng tôi không tin rằng Áp-ra-ham biết mình đang trông đợi Giê-ru-sa-lem Mới. Thậm chí nhiều Cơ-đốc nhân cũng không biết điều họ đang trông đợi là Giê-ru-sa-lem Mới. Nhưng chúng ta phải sáng tỏ rằng ngày nay, chúng ta đang sống trong trại là nếp sống Hội Thánh, trông đợi sự tổng kết chung cuộc là Giê-ru-sa-lem Mới, Thành của Đức Chúa Trời với các nền tảng.
f) Sống Trong Bóng Của Giê-ru-sa-lem Mới
Lều trại của Áp-ra-ham là một bức tranh thu nhỏ của Giê-ru-sa-lem Mới, mà sẽ là Đền Tạm sau cùng của Đức Chúa Trời trong vũ trụ (Khải. 21:2-3). Khi sống trong trại đó, Áp-ra-ham đang sống trong bóng của Giê-ru-sa-lem Mới. Khi sống ở đó với Đức Chúa Trời, ông đang trông đợi một thành mà cuối cùng sẽ là Giê-ru-sa-lem Mới. Giê-ru-sa-lem Mới, Đền Tạm Đời Đời, sẽ thay thế lều trại tạm thời mà Áp-ra-ham đã sống. Lều trại của Áp-ra-ham là hạt giống về nơi cư ngụ đời đời của Đức Chúa Trời. Hạt giống này phát triển thành Đền Tạm mà con cháu ông sẽ dựng lên trong đồng vắng (Xuất. 40), và mùa gặt sẽ là Giê-ru-sa-lem Mới, Đền Tạm của Đức Chúa Trời với con người. Đức Chúa Trời vẫn cần có hạt giống như vậy trong tất cả chúng ta. Tất cả chúng ta cần là những người sống trong trại và tìm kiếm một quê hương tốt hơn, một quê hương mà trong đó sẽ có Đền Tạm Đời Đời, nơi Đức Chúa Trời và chúng ta, chúng ta và Đức Chúa Trời sẽ sống với nhau đời đời. Mối quan tâm của Áp-ra-ham là hoàn toàn được ở trong quê hương tốt hơn. Dù Đức Chúa Trời phán rằng Ngài sẽ cho ông và dòng dõi ông miền đất, nhưng Áp-ra-ham không quan tâm về điều đó. Ông đang tìm kiếm một quê hương khác, một thành có các nền tảng. Cuối cùng Kinh Thánh cho biết rằng quê hương tốt hơn này là Trời Mới Đất Mới, và thành có các nền tảng là Giê-ru-sa-lem Mới, nơi cư ngụ đời đời của Đức Chúa Trời và tất cả những người được kêu gọi.
Ngày nay, chúng ta đang lặp lại đời sống và lịch sử của Áp-ra-ham. Trước đây chỉ có một Áp-ra-ham, nhưng ngày nay thì có nhiều. Nếp sống Hội Thánh ngày nay là mùa gặt của đời sống và lịch sử của Áp-ra-ham. Đời sống bởi đức tin của Áp-ra-ham đang được lặp lại giữa vòng chúng ta ngày nay. Tất cả chúng ta ở đây đang xây một bàn thờ và dựng lều trại. Hãy nhìn xem nếp sống Hội Thánh: Chúng ta có một Bàn Thờ và một Đền Tạm Thật. Đây là bức tranh về Giê-ru-sa-lem Mới sắp đến, nơi chúng ta ở với Đức Chúa Trời đời đời.
Kinh Thánh kết thúc với một Lều Trại. Giê-ru-sa-lem Mới là Lều Trại Cuối Cùng, Đền Tạm Chung Cuộc trong vũ trụ. Có lẽ một ngày kia, Áp-ra-ham sẽ gặp Đức Chúa Trời trong Giê-ru-sa-lem Mới, và Đức Chúa Trời sẽ phán: “Hỡi Áp-ra-ham, ngươi không nhớ ngày nọ, chúng ta đã dùng bữa với nhau trong trại ngươi sao? Lều trại đó là bức tranh thu nhỏ của Đền Tạm Đời Đời này”. Lều trại của Áp-ra-ham là một hạt giống, phát triển trong Xuất Ai-cập Ký và được gặt hái trong Khải Thị 21. Về nguyên tắc, không có sự khác biệt nào giữa lều trại của Áp-ra-ham với Giê-ru-sa-lem Mới, Lều Trại Chung Cuộc. Nếu là Áp-ra-ham, được gặp Đức Chúa Trời trong Giê-ru-sa-lem Mới, tôi sẽ thưa: “Chúa ơi, con nhớ ngày xưa Ngài đã đến lều trại của con, bây giờ con đến Lều Trại của Ngài”.
 (W. Lee-cachoithanh.com)

--------------------------------------------------------------------------------------------


   Các bài liên quan:
- Sự kêu gọi của Đức Chúa Trời 
- Bối cảnh, nguồn gốc của sự kêu gọi
- Kinh nghiệm của người được kêu gọi 
- Động cơ và sức mạnh trong sự kêu gọi
- Đáp ứng sự kêu gọi của Đức Chúa Trời 
- Sống bởi đức tin
- Thử thách của người được kêu gọi
- Đắc thắng của người được kêu gọi
- Dòng dõi và miền đất
- Giao ước với Áp ra-ham 


 ----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét