9/06/2011

Động Cơ Và Sức Mạnh Trong Sự Kêu Gọi

Vì sự kêu gọi của Đức Chúa Trời không bắt nguồn từ người được kêu gọi nhưng từ Đức Chúa Trời là Đấng Kêu Gọi, nên động cơ và sức mạnh để nhận được sự kêu gọi của Đức Chúa Trời không bắt nguồn từ phía người được kêu gọi nhưng từ phía Đấng Kêu Gọi. Động cơ và sức mạnh mà bởi đó Áp-ra-ham có thể đáp ứng sự kêu gọi của Đức Chúa Trời đến từ chính Đức Chúa Trời. Động cơ và sức mạnh này là gì?
Nếu xem xét vấn đề cách chi tiết, chúng ta có thể thấy ba điều đã thúc đẩy Áp-ra-ham chấp nhận sự kêu gọi của Đức Chúa Trời là: sự hiện ra của Đức Chúa Trời, sự kêu gọi của Đức Chúa Trời ,và lời hứa của Đức Chúa Trời. Bây giờ, chúng ta cần xem xét từng điều trong những điều này.
a) Sự Hiện Ra Của Đức Chúa Trời
Phương diện đầu tiên của động cơ và sức mạnh để chấp nhận sự kêu gọi của Đức Chúa Trời là sự hiện ra của Đức Chúa Trời. Nếu tôi đến với anh em, điều đó không có ý nghĩa gì vì tôi không là gì. Nếu Tổng Thống Mỹ đích thân đến thăm anh em, anh em sẽ rất phấn khởi. Có lẽ anh em sẽ không ngủ được suốt đêm đó. Nhưng ai đã đến thăm Áp-ra-ham? Đức Chúa Trời Vinh Hiển (Công. 7:2). Ngoài lời của Ê-tiên trong Công Vụ 7:2, tại đó ông nói với những người bắt bớ rằng Đức Chúa Trời vinh hiển đã hiện ra với Áp-ra-ham, tổ phụ họ, thì trong Kinh Thánh không có câu nào khác nói rằng Đức Chúa Trời vinh hiển đã hiện ra với Áp-ra-ham. Khi Ê-tiên đang nói, Chúa Jesus Vinh Hiển đã hiện ra với ông (Công. 7:55-56). Các từng trời mở ra và ông thấy Jesus trong sự vinh hiển đứng bên hữu Đức Chúa Trời. Ê-tiên đã mạnh dạn chết vì Jesus, vì trong khi họ chống đối ông, ông thấy Chúa Jesus. Những người này đã ném đá ông, nhưng Jesus đã mỉm cười với ông. Vì Chúa đã hiện ra với ông, nên thật dễ dàng, thậm chí là một niềm vui lớn, để ông chịu sự bắt bớ. Không có sự so sánh nào giữa sự bắt bớ đó với sự hiện ra của Jesus trong vinh hiển. Vì Ê-tiên đã ở trong một tình trạng như thế nên Jesus trong sự vinh hiển đã hiện ra với ông. Không có sự hiện ra đó, thật quá khó để một người chấp nhận hoàn cảnh của mình
Cùng một nguyên tắc, Đức Chúa Trời Vinh Hiển đã hiện ra với Áp-ra-ham, thăm viếng ông bằng sự hiện ra cá nhân của Ngài, vì lúc đó, Áp-ra-ham ở dưới ảnh hưởng của một bối cảnh nặng nề tại Canh-đê. Như sẽ thấy trong bài sau, Canh-đê theo tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là thuộc về quỉ. Canh-đê là một nơi thuộc về quỉ, nơi đầy các quỉ. Giô-suê 24:2 nói rằng Áp-ra-ham và gia đình ông đã hầu việc các thần khác. Họ đã thờ lạy hình tượng và đằng sau hình tượng là các quỉ.
Canh-đê ở trong xứ gọi là Mê-sô-bô-ta-mi. Từ Mê-sô-bô-ta-mi có nghĩa là “giữa những dòng sông”. Theo địa lý, miền đất Mê-sô-bô-ta-mi được bao quanh bởi hai con sông lớn: Ơ-phơ-rát (tiếng Hê-bơ-rơ là Perath) và sông Tigris (tiếng Hê-bơ-rơ là Hi-đê-ke). Giữa hai sông này là một đồng bằng lớn, xứ Mê-sô-bô-ta-mi. Canh-đê là một phần của Mê-sô-bô-ta-mi. Điều này nghĩa là nơi ở của Áp-ra-ham không chỉ là nơi đầy các quỉ mà còn là nơi được bao bọc bởi hai con sông lớn. Thật rất khó để ông hay bất kỳ ai khác rời khỏi một nơi như thế vì các quỉ nắm giữ và những sông lớn này bao lấy ông. Vì không có phương tiện giao thông hiện đại, nên người ta phải đi bộ. Làm thế nào Áp-ra-ham có thể ra khỏi Canh-đê? Vì bối cảnh của ông quá chặt chẽ, nên Đức Chúa Trời đã hiện ra với ông để ông có thể ra khỏi đó.
Đây là một bức tranh, một minh họa, về tình trạng của chúng ta trước khi được cứu. Tất cả chúng ta đều đã ở tại Canh-đê. Tất cả những người trẻ cần nhận thức rằng mỗi trường cấp II là một Canh-đê, nơi đầy các quỉ. Rất nhiều học sinh là những con quỉ nhỏ đang bán ma-túy và tìm cách giữ anh em lại, nói rằng “Làm thế nào bạn có thể khác với chúng tôi chứ? Nếu muốn khác với chúng tôi, bạn sẽ đi đâu? Hai con sông lớn giữ bạn ở đây. Bạn phải ở đây với chúng tôi!” Đôi khi chồng là quỉ đối với vợ và vợ là quỉ đối với chồng. Về những người thế giới, hễ khi nào một thanh niên lập gia đình, người đó bước vào vùng đất của quỉ. Điều này cũng đúng cho mọi thiếu nữ kết hôn. Hãy xem ví dụ về một thanh niên phải lòng một thiếu nữ nọ. Thiếu nữ này có một xuất xứ kinh khủng, bao gồm nhiều bà con, bạn bè, và tất cả những người đó đều thuộc về ma quỉ. Nếu thanh niên này muốn kết hôn với cô ấy, anh sẽ sa vào lãnh thổ của quỉ. Nếu anh đến với tôi, tôi sẽ nói “Đừng nghĩ rằng thiếu nữ đó rất dễ thương, xinh đẹp và tử tế. Anh phải nhìn vào bối cảnh của cô ấy. Anh không chỉ cưới cô ấy mà là cưới cô ấy với cả xuất xứ của cô ấy nữa. Sau khi cưới một cô gái có một xuất xứ thuộc về quỉ như vậy, anh sẽ thấy mình ở Canh-đê. Các quỉ ở đó sẽ nắm giữ anh”. Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn người thanh niên này. Đừng nghĩ rằng sẽ dễ dàng để anh tin Chúa Jesus và được cứu. Đó không phải là vấn đề được cứu rồi chờ lên thiên đàng. Không, trong Kinh Thánh, được cứu là được kêu gọi ra khỏi bối cảnh, vùng đất và môi trường của anh em. Anh em cần đem chính mình ra khỏi đó.
 Như chúng ta đã thấy, lời hứa của Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham là lời rao giảng Phúc Âm (Ga. 3:8). Là một phần của sự rao giảng này, Đức Chúa Trời phán với Áp-ra-ham rằng hãy ra khỏi quê hương ông. Anh em sẽ làm gì nếu là Áp-ra-ham? Đằng sau Sa-ra có thể cũng có nhiều quỉ và những quỉ này sẽ không đồng ý để Áp-ra-ham ra khỏi Canh-đê. Đây là lý do vì sao Đức Chúa Trời Vinh Hiển đã hiện ra với Áp-ra-ham. Không phải thiên sứ, cũng không phải một người cao quí nào khác đã hiện ra với Áp-ra-ham mà là chính Đức Chúa Trời Vinh Hiển. Sự hiện ra này là một sự thu hút lớn, đã giục giã Áp-ra-ham nắm lấy sự kêu gọi của Đức Chúa Trời.
Trong Ma-thi-ơ, chúng ta được biết rằng khi Jesus đi dọc theo biển Ga-li-lê, Ngài đã gọi Phi-e-rơ, Anh-rê, Gia-cơ và Giăng (Mat. 4:18-22). Chúa Jesus chỉ phán với họ “Hãy theo Ta”, và họ đã đi theo Ngài. Trong nhiều năm, tôi không thể hiểu điều này. Một Jesus nhỏ bé người Na-xa-rét chỉ nói một lời “Hãy theo Ta”, thì họ liền theo Ngài. Tôi không hiểu điều này cho đến một ngày kia, tôi thấy rằng Jesus, Người đi dọc theo mé biển Ga-li-lê đó, là Ánh Sáng Lớn (Mat. 4:16). Phi-e-rơ, Anh-rê, Gia-cơ và Giăng đều đã bị thu hút bởi Ánh Sáng Lớn đó. Khi Jesus nhìn họ và gọi, họ được hấp dẫn đến với Ngài. Nhìn bên ngoài, Người kêu gọi họ là một người Na-xa-rét nghèo hèn; nhưng thực ra, Ngài là Đức Chúa Trời Vinh Hiển. Cũng vậy, Đức Chúa Trời Vinh Hiển đã hiện ra với Áp-ra-ham trong vùng đất thuộc quỉ, bị bao quanh bởi những dòng nước lớn. Tôi tin rằng, về nguyên tắc, tất cả chúng ta đều đã kinh nghiệm một sự hiện ra như vậy. Được cứu không chỉ là vấn đề nghe Phúc Âm, gật đầu, sau đó thừa nhận mình là tội nhân và tin Chúa Jesus. Mặc dầu điều này đúng, nhưng tôi phải nói rằng một người được cứu thực sự là người có sự hiện ra của Jesus.
Trong sự tin Chúa của mình, nhiều người trong chúng ta dường như đã thấy “sự vinh hiển của Đức Chúa Trời nơi mặt Jesus Christ” (2Cô. 4:6). Điều này trở nên một sự khích lệ lớn cho rất nhiều người trong chúng ta.
Chúng ta, những người được cứu, đều đã có sự hiện ra của Jesus. Điều này không xảy ra theo cách bên ngoài, nhưng sâu xa trong linh chúng ta. Dù có thể quên ngày hay thậm chí năm mình được cứu, nhưng chúng ta không bao giờ có thể quên thời điểm mà sâu xa bên trong, chúng ta đã thấy Jesus. Jesus đã hiện ra và chúng ta đã gặp Ngài. Đây là kinh nghiệm được cứu thật sự. Được cứu đơn giản là được kêu gọi. Trước khi Chúa Jesus hiện ra với anh em, anh em thấy khó mà trở thành một Cơ-đốc nhân thật sự. Bối cảnh và môi trường xung quanh không để cho anh em khác với người khác. Tuy nhiên, một ngày nọ, Ngài đã hiện ra với anh em. Ô, Jesus sống động trong sự vinh hiển đã hiện ra với anh em. Đó là sự kêu gọi của anh em. Đó cũng là sự biệt riêng và sự cứu của Ngài. Bởi hiện ra với anh em theo cách này, Ngài đã kêu gọi anh em, cứu anh em, và phân rẽ anh em. Áp-ra-ham đã có cùng một kinh nghiệm như vậy. Sự hiện ra của Đức Chúa Trời đã cuốn hút ông cách mạnh mẽ. Sự hiện ra này là động cơ và sức mạnh để ông chấp nhận sự kêu gọi của Đức Chúa Trời. Nếu xem xét bối cảnh và tình trạng của Áp-ra-ham, anh em sẽ nhận thức rằng nếu không có một sự thu hút và khích lệ như vậy thì ông không thể chấp nhận sự kêu gọi của Đức Chúa Trời.
b) Sự Kêu Gọi Của Đức Chúa Trời
Yếu tố thứ hai cho động cơ và sức mạnh là sự kêu gọi của Đức Chúa Trời (Công. 7:3-4; Sáng 12:1). Đức Chúa Trời đã không hiện ra với Áp-ra-ham mà không phán với ông. Khi Ngài đến với Áp-ra-ham, Ngài đã gọi ông. Đức Chúa Trời đã phán với Áp-ra-ham. Kêu gọi có nghĩa là phán. Nghe tiếng phán của Đức Chúa Trời không phải là điều nhỏ. Vào lúc được cứu, chúng ta đều đã kinh nghiệm sự hiện ra của Jesus. Đồng thời với sự hiện ra đó, Ngài cũng đã phán với chúng ta. Có sự phát ngôn thần thượng, một loại phát ngôn trong linh.
Nhiều người trong chúng ta có thể làm chứng rằng vào lúc được cứu, sâu xa bên trong, chúng ta ý thức rằng Jesus đang phán với mình. Có lẽ Chúa Jesus đã đến với anh em khi còn là một học sinh, Ngài hỏi “Con đang làm gì ở đây?”. Anh em đáp “Con đang học để có được bằng cấp”. Chúa hỏi “Để làm gì?”. Anh em trả lời “Để có một cuộc sống tốt đẹp trong tương lai”. Sau điều này, Chúa lại hỏi “Sau đó là điều gì? Tương lai con thể nào?” Với người khác, Chúa Jesus nói theo cách khác, rằng “Hãy nhìn kìa, con tội lỗi là thể nào, con xấu xa và hèn hạ làm sao!” Đáp lại, một số người đã thưa với Chúa “Đừng quấy rầy tôi”. Nhưng Chúa nói “Ta yêu con. Ta muốn cứu con. Con không biết Ta là Jesus sao. Ta muốn cứu con khỏi tình trạng đáng thương này. Con không muốn nhận Ta sao?” Với người khác nữa, Chúa Jesus nói “Con không biết rằng Ta là Đấng Hằng Sống sao. Ta là Đấng duy nhất có thể ban sự sống đời đời”. Nhiều người trong chúng ta đã nghe những lời như vậy, không phải từ miệng của người rao giảng nhưng từ miệng của Jesus hằng sống. Anh em có nhớ tiếng nói mà anh em đã nghe từ Jesus hằng sống này khi Ngài hiện ra vào lúc anh em được gọi và được cứu không? Những người không phải là Cơ-đốc nhân, bao gồm những người tự xưng là Cơ-đốc nhân, đã không có loại kinh nghiệm này, và họ xem điều đó là sự mê tín. Nhưng đây không phải là sự mê tín! Đức Chúa Trời vinh hiển đã đến với chúng ta và phán với chúng ta. Áp-ra-ham có thể nói “Đừng nói với tôi điều này là sự mê tín. Tôi thật sự đã nghe tiếng Ngài. Ngài phán rằng “Hãy ra khỏi quê hương ngươi!” Lời này không đến từ cha tôi hay từ vợ tôi. Lời này được phán bởi Đức Chúa Trời vinh hiển”. Hãy thành thật cho tôi biết, anh em không nghe tiếng của Jesus sao? Tôi không tin rằng người đã được cứu rồi lại sẽ hư mất. Dù một người được cứu có thể sa ngã, nhưng người đó không bao giờ có thể quên sự hiện ra và tiếng phán của Jesus. Thậm chí người đó có thể nói “Tôi không tin Jesus nữa”, nhưng sâu thẳm bên trong, Chúa phán “Làm thể nào con nói rằng con không tin Ta nữa”. Anh em không bao giờ có thể quên sự hiện ra và sự phát ngôn của Ngài với mình .
Nhiều người trẻ đã hỏi tôi sự khác nhau giữa Cơ-đốc nhân thật và Cơ-đốc nhân giả là gì. Tất cả họ đều tự nhận mình đã tin Jesus. Câu trả lời tốt nhất mà tôi có thể nói là một Cơ-đốc nhân thật có sự phát ngôn của Jesus, nhưng Cơ-đốc nhân tự xưng chỉ có sự rao giảng của giáo lý. Một Cơ-đốc nhân thật, ít ra đã một lần trực tiếp nghe tiếng của Jesus trong các chiều sâu của bản thể người đó bởi Linh Sống. Tiếng nói đó là sức mạnh giúp tất cả chúng ta chấp nhận sự kêu gọi của Đức Chúa Trời.
c) Lời Hứa Của Đức Chúa Trời
Phương diện thứ ba của động cơ và sức mạnh để đáp ứng sự kêu gọi của Đức Chúa Trời là lời hứa của Đức Chúa Trời (12:2-3). Phần lớn sự phán ngôn của Đức Chúa Trời với chúng ta là lời hứa của Ngài. Nếu Đức Chúa Trời phán “Ta không muốn quấy rầy con; Ta muốn cứu con”, thì đó là một lời hứa. Nếu Ngài phán “Ta yêu con”, đó cũng là một lời hứa. Hầu hết những gì Ngài phán với chúng ta đều là lời hứa.
Đức Chúa Trời vinh hiển đã phán gì với Áp-ra-ham? Đầu tiên, Đức Chúa Trời vinh hiển phán rằng “Hãy ra khỏi quê hương và vòng bà con ngươi” (12:1). Anh em có thể cho rằng đây không phải là một lời hứa. Nhưng lời này hàm ý đến một lời hứa. Khi Đức Chúa Trời bảo Áp-ra-ham ra khỏi quê hương, lời này hàm ý rằng Đức Chúa Trời đang hứa với Áp-ra-ham về một nơi nào đó. Bằng không, Áp-ra-ham hẳn đã nói “Nếu con ra khỏi quê hương,, con sẽ đi đâu?” Đức Chúa Trời đã có một nơi cho Áp-ra-ham. Ngay cả mạng lịnh ra khỏi quê hương cũng hàm ý đến một lời hứa, lời hứa về miền đất tốt lành. Áp-ra-ham có thể nói “Vì Đức Chúa Trời truyền cho tôi phải ra khỏi quê hương, nên chắc chắn điều này có nghĩa là Ngài có một nơi ở cho tôi”. Đức Chúa Trời bảo Áp-ra-ham ra khỏi quê hương, vòng bà con và nhà cha ông để đến một miền đất mà Ngài sẽ chỉ cho ông. Chắc chắn rằng đó là một lời hứa. Lời hứa của Đức Chúa Trời là một sự khích lệ để ông lìa bỏ quê hương.
(1) Làm Cho Người Được Kêu Gọi Trở Thành “Một Dân Lớn”
Trong 12:2, Đức Chúa Trời phán với Áp-ra-ham rằng “Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn”. Lời này tương phản với bối cảnh của Áp-ra-ham. Tại Ba-bên, có nhiều dân được hình thành từ các gia đình. Áp-ra-ham đã sống trong bầu không khí như vậy. Khi Đức Chúa Trời đến với Áp-ra-ham, bảo ông ra khỏi quê hương, có thể Áp-ra-ham đã tự nhủ “Còn vấn đề trở thành một dân thì sao?” Và Đức Chúa Trời đã hứa rằng Ngài sẽ làm cho ông nên một dân lớn. Đức Chúa Trời cũng phán “Ta sẽ ban phước cho ngươi, làm cho danh ngươi nên lớn”. Điều này cũng tương phản với Ba-bên. Khi người ta xây một tháp tại Ba-bên, họ tìm cách làm cho chính mình một danh. Nhưng Đức Chúa Trời, trong lời hứa của Ngài, dường như đang phán với Áp-ra-ham “Ngươi không cần làm một danh cho mình. Ta sẽ làm danh ngươi nên lớn. Ngươi không cần thành lập một dân. Ta sẽ làm nên một dân ra từ ngươi”.
Đức Chúa Trời đã hứa với Áp-ra-ham rằng Ngài sẽ làm cho ông nên “một dân lớn”. “Dân lớn” này là Vương Quốc của Đức Chúa Trời, bao gồm quốc gia Ítx-ra-ên thời Cựu Ước, Hội Thánh thời Tân Ước, Vương Quốc Ngàn Năm trong thời đại sắp đến, (Trong Vương Quốc Ngàn Năm sẽ có hai phần –phần trên trời và phần dưới đất. Phần trên trời sẽ là Vương Quốc các từng trời. Người đắc thắng thuộc các thời đại trước đây và hiện nay sẽ ở trong phần trên trời của Vương Quốc Ngàn Năm như những vua đồng trị với Christ. Phần dưới đất là Vương Quốc của Đấng Mê-si,bao gồm quốc gia Do-thái tương lai) và Trời Mới Đất Mới trong cõi đời đời. Quốc gia Ítx-ra-ên trong thời Cựu Ước, Hội Thánh thời Tân Ước, Vương Quốc sắp đến trong thời kỳ ngàn năm và Trời Mới Đất Mới trong cõi đời đời –tất cả được bao gồm trong “dân lớn” này mà Đức Chúa Trời đã hứa làm thành cho Áp-ra-ham. Bằng cách này, danh của Áp-ra-ham đã trở thành một danh lớn. Ngoài Danh Chúa Jesus, không một danh nào trên đất này lớn hơn danh của Áp-ra-ham. Ông là cha của “một dân lớn”. Trong cõi đời đời, ông là cha của quốc gia Ítx-ra-ên, cha của Hội Thánh và ông sẽ là cha của Vương Quốc Ngàn Năm và của những người được chuộc. Ô đây thật là “một dân lớn” với một danh lớn như thế!
(2) Chúc Phước Cho Người Được Gọi
Đức Chúa Trời đã hứa ban phước cho Áp-ra-ham (12:2). Phước hạnh này là gì? Đó là phước hạnh của sự sáng tạo và sự cứu chuộc của Đức Chúa Trời, gồm tất cả những gì Đức Chúa Trời muốn ban cho con người –tức là chính Đức Chúa Trời và tất cả những gì Ngài có trong thời đại này và thời đại hầu đến. Ga-la-ti 3:14 cho biết rằng phước hạnh này cuối cùng là lời hứa về Linh “Hầu cho hạnh phước của Áp-ra-ham nhờ Christ Jesus mà giáng trên dân Ngoại Bang, để chúng ta cậy đức tin mà nhận lãnh Đấng đã hứa là Linh” (Theo Hi-văn). Vì Linh là chính Đức Chúa Trời, nên điều này có nghĩa là Đức Chúa Trời đã hứa rằng Ngài sẽ ban chính Ngài cho Áp-ra-ham như phước hạnh.
(3) Làm Cho Người Được Kêu Gọi
 Trở Thành Phước Hạnh Cho Mọi Gia Tộc Trên Đất
Đức Chúa Trời không chỉ hứa rằng chính Ngài sẽ là phước hạnh cho Áp-ra-ham mà Áp-ra-ham cũng sẽ là phước hạnh cho mọi gia tộc, mọi dân trên đất (12:3). Trong sự kêu gọi của Ngài, Đức Chúa Trời đã chuyển từ A-đam đến Áp-ra-ham. Điều này có nghĩa là Ngài đã từ bỏ dòng dõi của A-đam. Nhưng trong lời hứa của Ngài, từ Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời đã quay trở lại với tất cả các gia tộc thuộc dòng dõi A-đam qua Đấng Christ, tức dòng dõi của Áp-ra-ham (Ga. 3:14). Điều này rất ý nghĩa. Trước hết, Đức Chúa Trời chuyển từ A-đam qua Áp-ra-ham, và cuối cùng, Ngài chuyển từ Áp-ra-ham trở lại với dòng dõi thọ tạo qua Đấng Christ. Bởi sự xoay chuyển mới này mà tất cả chúng ta đã được bắt lấy. Điều này như thể Đức Chúa Trời đã bỏ chúng ta và hướng về Áp-ra-ham. Sau đó, dường như Đức Chúa Trời phán với Áp-ra-ham “Không những Ta sẽ ban chính mình Ta cho ngươi như một phước hạnh mà Ta sẽ còn làm cho ngươi thành một phước hạnh cho tất cả những con người đáng thương của dòng dõi A-đam. Hỡi Áp-ra-ham, chúng ta hãy trở lại”. Chúng ta có thể nói rằng Đức Chúa Trời đã thực hiện một khúc quanh 1800. Bởi khúc quanh này mà tất cả những người được gọi từ các dân đã được nhóm hiệp.
Cho tôi nói một lời về thái độ của chúng ta đối với dân Do-thái. Đừng bao giờ ngược đãi người Do-thái. Đức Chúa Trời phán rằng “Ta sẽ ban phước cho những ai chúc phước ngươi và rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi”. (Trong lời này, “những ai” và “kẻ nào” ngụ ý đến con người, ở cả số nhiều lẫn số ít). Nếu đọc lịch sử, anh em sẽ thấy rằng trong 25 thế kỷ qua, từ khi Nê-bu-cát-nết-sa hủy phá Thành Giê-ru-sa-lem cho đến nay, mọi nước, mọi dân, mọi chủng tộc hay cá nhân nào đã rủa sả người Do-thái đều đã bị rủa sả. Tuy nhiên, hễ ai chúc phước cho dân Do-thái đều nhận được phước hạnh. Trong lịch sử, không một nhà lãnh đạo nào đã chết một cách đáng khinh như Hít-le. Hít-le đã chết theo cách đó vì ông đã bị rủa sả bởi ông đã rủa sả dân Do-thái. Vì ngày nay nước Mỹ giúp đỡ cho quốc gia Ítx-ra-ên, nên chắc chắn rằng nước Mỹ đang ở dưới sự chúc phước của Đức Chúa Trời. Đây không phải là ý kiến tôi. Đây là theo lời hứa của Đức Chúa Trời trong Sáng Thế Ký 12:3
( 4) Lời Hứa Của Đức Chúa Trời
Là Phúc Âm Được Rao Giảng Cho Áp-ra-ham
Khi tôi đọc 12:2-3 lúc còn trẻ, tôi không được dức dấy. Những câu này giống như xương khô. Tôi không hiểu Đức Chúa Trời đang nói gì khi Ngài bảo Áp-ra-ham rằng Ngài sẽ làm cho ông thành một dân lớn và Ngài sẽ ban phước cho ông, làm ông trở thành một phước hạnh. Cuối cùng, sau nhiều năm, tôi trở lại với những câu này với sự giúp đỡ của Ga-la-ti chương 3. Tôi đã đến chỗ nhận thức rằng lời hứa của Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham trong 12:2-3 là sự rao giảng Phúc Âm. Ba điều trong lời hứa của Đức Chúa Trời –làm cho Áp-ra-ham thành một dân lớn, ban phước cho ông, và làm cho ông trở thành một phước hạnh cho mọi gia tộc trên đất –là Phúc Âm được rao giảng cho Áp-ra-ham (Ga. 3:8). Nội dung lời hứa của Đức Chúa Trời giống chính xác với nội dung của Phúc Âm. Trước hết, sự rao giảng Phúc Âm mở đầu bằng những lời này “Hãy ăn năn vì Vương Quốc các từng trời đã đến gần” (Mat. 3:2). Như đã thấy, “dân lớn” chỉ về Vương Quốc. Thứ hai, phước hạnh mà Đức Chúa Trời đã hứa với Áp-ra-ham là Linh, tức chính Đức Chúa Trời. Trong Phúc Âm này, sau khi chúng ta ăn năn vì cớ Vương Quốc, cần tin rằng chúng ta có thể có sự sống đời đời là điều ở trong Linh. Phước hạnh được hứa cho Áp-ra-ham mà theo Ga-la-ti 3:14 là lời hứa về Linh, là chính phước hạnh của Phúc Âm. Phước hạnh này, là điều thứ ba, dành cho muôn dân vì có lời chép rằng “Trong ngươi, mọi gia tộc trên đất sẽ được phước”.
(5) Ngụ Ý Đến Mục Đích Đời Đời Của Đức Chúa Trời
Lời hứa của Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham ngụ ý đến mục đích đời đời của Ngài. Mục đích đời đời của Đức Chúa Trời là con người biểu lộ Ngài và đại diện cho Ngài. Đức Chúa Trời phán rằng Ngài sẽ làm cho Áp-ra-ham nên “một dân lớn” và Ngài sẽ ban phước cho ông. Dân tộc là vấn đề về sự cai trị để đại diện Đức Chúa Trời và phước hạnh là vấn đề về hình ảnh trong Linh để biểu lộ Đức Chúa Trời. Tất cả chúng ta sẽ được biến đổi nên giống hình ảnh Ngài bởi Chúa Linh (2Cô. 3:18). Điều này đòi hỏi chúng ta phải có linh tái sinh. Một số người có thể hỏi tại sao Sáng Thế Ký 1:26,28 trước hết đề cập đến việc bày tỏ Đức Chúa Trời bằng hình ảnh Ngài, rồi sau đó mới đề cập đến việc đại diện Ngài bằng sự cai trị của Ngài. Lý do cho điều này là ở đó chúng ta thấy mục đích ban đầu của Đức Chúa Trời. Nhưng vì con người đã sa ngã, nên trong Phúc Âm, con người phải ăn năn để trở lại với điều ban đầu. Vì thế, trong Phúc Âm, sự cai trị được đề cập trước rồi mới đến hình ảnh. Trong mục đích nguyên thủy của Đức Chúa Trời, đó là hình ảnh và sự cai trị, nhưng vì cớ sa ngã nên trong Phúc Âm thứ tự này đảo ngược lại.
(6) Các Nội Dung Trong Mục Đích Đời Đời, Lời Hứa, Phúc Âm
Và Sự Hoàn Thành Của Đức Chúa Trời Đều Giống Nhau
Trong mục đích đời đời, lời hứa, Phúc Âm và sự hoàn thành của Đức Chúa Trời, những nội dung này đều như nhau. Thật rất thú vị khi thấy điều này.
(a) Trong Mục Đích Đời Đời Của Đức Chúa Trời –Với A-đam
Trong mục đích đời đời của Đức Chúa Trời, chúng ta có hai điều: hình ảnh để biểu lộ Đức Chúa Trời và sự cai trị để đại diện cho Đức Chúa Trời.
(b) Trong Lời Hứa Của Đức Chúa Trời –Với Áp-ra-ham
Như đã thấy, trong lời hứa của Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham, dân tộc, là điều dành cho sự cai trị để đại diện Đức Chúa Trời, được đề cập trước, và phước hạnh, là điều vì hình ảnh để biểu lộ Đức Chúa Trời, được đề cập sau
(c) Trong Phúc Âm –Với Những Người Tin
Trong Phúc Âm (sự cứu rỗi) với những người tin, trước hết chúng ta có sự ăn năn vì Vương Quốc (Mat. 3:2). Sự ăn năn là vì sự quản trị để đại diện Đức Chúa Trời. Thứ hai, chúng ta có vấn đề tiếp nhận sự sống đời đời (Giăng 3:16). Việc tiếp nhận sự sống đời đời là vì hình ảnh để biểu lộ Đức Chúa Trời.
(d) Trong Sự Hoàn Thành –Trong Giê-ru-sa-lem Mới
Chúng ta cũng thấy những nội dung tương tự trong sự hoàn thành, tức trong Giê-ru-sa-lem Mới. Toàn bộ thành Giê-ru-sa-lem Mới sẽ mang dáng vẻ của Đức Chúa Trời. Dáng vẻ của Đức Chúa Trời giống như bích ngọc. Khải Thị 4:3 nói rằng Đức Chúa Trời, Đấng ngự trên ngai có dáng vẻ của bích ngọc. Trong Khải Thị 21:11,18b chúng ta thấy cả thành Giê-ru-sa-lem Mới chiếu sáng như bích ngọc. Dáng vẻ của tường thành và của toàn bộ thành Giê-ru-sa-lem Mới sẽ giống như dáng vẻ của Đức Chúa Trời –là bích ngọc. Điều này nghĩa là trong cõi đời đời, cả thành Giê-ru-sa-lem Mới sẽ biểu lộ Đức Chúa Trời. Hơn nữa, trong cõi đời đời, tất cả những người được cứu trong Giê-ru-sa-lem Mới sẽ là các vua đồng trị với Đức Chúa Trời (Khải. 22:5). Đây sẽ là sự cai trị để đại diện Đức Chúa Trời.
Mặc dầu không quan tâm đến sự cai trị và hình ảnh của Đức Chúa Trời vào lúc chúng ta được kêu gọi và được cứu, nhưng sâu xa bên trong, trong sự kêu gọi và phát ngôn của Đức Chúa Trời, chúng ta nhận thức rằng những vấn đề này đã được ngụ ý đến. Sau khi được cứu, chúng ta nhận thức rằng chúng ta cần ở dưới sự cai trị của Đức Chúa Trời. Đây là Vương Quốc, sự cai trị. Cũng vậy, sâu xa bên trong, chúng ta có cảm nhận rằng sau khi được cứu, chúng ta phải tôn vinh Đức Chúa Trời. Đây là vấn đề của hình ảnh để biểu lộ Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, sau khi đã được cứu, hầu hết chúng ta đã gặp một số người rao giảng sai, những người đã nói với chúng ta nhiều điều sai làm chúng ta lệch khỏi mục đích của Đức Chúa Trời. Ngợi khen Chúa vì trong sự khôi phục của Ngài, Ngài đã khôi phục chúng ta trở lại với mục đích ban đầu của Ngài và Ngài đã đem chúng ta trở lại với ban đầu. Chúng ta, những người được kêu gọi thật sự, là con cái của Áp-ra-ham đang nhận sự kêu gọi của Đức Chúa Trời với sự phát ngôn và lời hứa của Ngài, bây giờ đang ở trong Vương Quốc Ngài để đại diện Ngài và mang hình ảnh Ngài để biểu lộ Ngài.
(W. Lee-cachoithanh.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét