5/01/2013

Trò chơi Thiếu nhi


1. - Trò chơi: Đứng, ngồi, nằm, ngủ…


Tạo không khí vui vẻ trong sinh họat, phát triển phản xạ, rèn luyện trí nhớ.
Nội dung:
- Quản trò cho tập thể chơi học các cách sau:
+ Đứng: Bàn tay phải nắm, giơ thẳng lên đầu.
+ Ngồi: Bàn tay phải nắm, hai cánh tay vuông góc, bàn tay giơ ngang mặt.

+ Nằm: Bàn tay phải nắm, duỗi tay thẳng phía trước.
+ Ngủ: Bàn tay phải nắm, áp vào má và hô: khò.
Cách chơi:
- Quản trò hô những tư thế, động tác theo quy định trên.
- Quản trò có thể hô đúng hoặc hô đúng làm sai (hô một đằng làm một nẻo).
- Người chơi phải làm đúng theo lời hô và các động tác đã quy định của quản trò.
Phạm luật:
- Những trường hợp sau phải chịu phạt:
+ Làm động tác sai với lời hô của quản trò.
+ Không nhìn vào quản trò.
+ Làm chậm, làm không rõ động tác.
Chú ý:
- Tốc độ nhanh chậm tùy thuộc vào đối tượng chơi.
- Quản trò dùng những từ khác để “lừa” người chơi như tiến, lùi, khò… tạo không khí.


----------------------------------------------------------------

2. - Lời chào

Trò chơi: Lời chào
Giúp đối tượng chơi hiểu cách lịch sự, tôn trọng khi gặp người lớn, thầy cô, phản ứng nhanh, tạo không khí vui.
Nội dung:
- Quản trò cho tập thể chơi học các động tác sau:
+ Chào anh: theo kiểu chào nghi thức Đội.
+ Chào thầy: khoanh hai tay trước ngực.
+ Chào bác: như chào thầy nhưng cúi xuống.
+ Chào em: tay đưa ra phía trước như động tác mời.
Cách chơi:
- Quản trò hô các lời chào và làm các động tác. Người chơi hô to và làm theo.
- Quản trò có thể hô một kiểu và làm một kiểu.
Luật chơi:
- Ai làm khác với lời hô của quản trò là sai.
- Làm không rõ động tác là sai.
Chú ý:
- Tốc độ hô nhanh, chậm tùy thuộc vào đối tượng chơi.
- Có thể thêm một, hai động tác chào nữa để tăng thêm mức độ khó của trò chơi


---------------------------------------------------------------

3. - Chức năng

Trò chơi: Chức năng
Rèn luyện phản xạ, tạo không khí để hoạt động và ôn lại chức năng của các bộ phận cơ thể con người.
Nội dung:
- Nói và chỉ đúng chức năng của các bộ phận.
- Quản trò cho tập thể chơi và chỉ đúng các bộ phận sau:
Mắt: Nhìn
Tai: Nghe
Mũi: Ngửi
Miệng: Ăn
Cách chơi:
- Quản trò hô tác dụng của các bộ phận, người chơi chỉ đúng và nói tên các bộ phận.
- Quản trò có thể hô tác dụng và chỉ sai, người chơi phải hô và chỉ đúng.
Ví dụ:
- Quản trò hô nhìn và chỉ vào tai, người chơi hô nhìn và chỉ vào mắt…
Phạm luật:
- Chỉ sai với chức năng.
- Làm chậm so với quy định, làm không dứt khoát.
- Không nhìn quản trò.
- Chú ý:
- Có thể quy định tăng các bộ phận như: chân: đi; Tay: làm… để tăng mức độ khó của trò chơi.
- Tốc độ nói nhanh, chậm tùy thuộc vào đối tượng chơi.
---------------------------------------------------------------------------------------

4. Trò chơi BỎ ( ĐÁNH) KHĂN

1. Mục đích, ý nghĩa, yêu cầu:
- Rèn luyện kĩ năng di chuyển nhẹ nhàng, bí mật; tính nhanh nhẹn khéo léo, tập trung chú ý và khả năng phán đoán … cho người chơi
- Tạo không khí vui chơi sôi nổi, đoàn kết.
2. Số lượng, đội hình, địa điểm chơi:
- Số lượng người chơi từ 10 -15 bạn, ngồi vòng tròn xếp bằng trên sân.
- Địa điểm chơi sạch sẽ, rộng rãi và bằng phẳng
3. Hướng dẫn cách chơi:
- Chuẩn bị chơi:
+ Các người chơi ngồi xếp bằng vòng tròn trên sân.
+ Chọn ( hoặc oẳn tù tì ) một bạn đứng giữa sân tay cầm một cái khăn.
- Bắt đầu chơi: Khi nghe hiệu lệnh: “ Nhắm mắt lại” của Quản trò, các người chơi nhắm mắt, bạn cầm khăn giấu kín trong lòng bàn tay bước ra ngoài đi vòng quanh sau lưng các bạn đang ngồi, vừa đi, vừa nói: “ Bỏ khăn, khăn bỏ, khăn chuyền. Bà con, cô chú đi tìm cái khăn” rồi tùy ý bí mật bỏ chiếc khăn xuống sau lưng bạn nào mà mình chọn, xong rồi làm bộ tự nhiên đi tiếp.
- Quản trò hô: “ Mở mắt”, các người chơi mở mắt ra, lúc này xãy ra 2 tình huống:
+ Tình huống 1: Khi các người chơi mở mắt ra, không được ngoái đầu ra sau lưng mà chỉ dùng bàn tay thò ra sau lưng, quơ qua quơ lại xem mình có bị bỏ khăn không, nếu chắc chắn mình không bị bỏ khăn thì ngồi yên.
+ Tình huống 2: Khi các người chơi mở mắt, không được ngoái đầu ra sau lưng mà chỉ dùng bàn tay thò ra sau lưng, quơ qua quơ lại xem mình có bị bỏ khăn không, nếu quơ trúng chiếc khăn bỏ sau lưng thì lập tức đứng dậy chụp lấy chiếc khăn đuổi theo bạn đã bỏ chiếc khăn sau lưng mình. Nếu bắt được bạn đó thì bạn bỏ khăn bị thua, bạn bị bỏ khăn là người thắng cuộc. Bạn thua bị phạt hát một bài hoặc nhảy lò cò một vòng quanh sân chơi.
Nếu người bị bỏ khăn không phát hiện ra mình bị bỏ khăn thì sau khi đi một vòng, về đến chỗ bạn đó, người bỏ khăn đập nhẹ vào vai bạn này. Bạn này phải đứng lên chịu phạt theo yêu cầu của tập thể chơi.
4. Luật chơi:
- Các người chơi phải nhắm chặt mắt ( không được hé mắt) khi bạn đi bỏ khăn, hai tay để phía trước người. Không được quay đầu nhìn mà chỉ dùng tay để quờ tìm khăn.
- Khăn không được bỏ gần quá nhưng cũng không được bỏ quá xa tầm với của người chơi. Không được bỏ khăn lửng lơ giữa hai người chơi.
- Nếu bạn bỏ khăn chạy thoát và ngồi vào chỗ của bạn bị bỏ khăn đang đuổi theo mình thì bạn bị bỏ khăn phải thay thế bạn bỏ khăn và trò chơi lại tiếp tục.
Chúc các bạn tham gia trò chơi thật vui vẻ !
(sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét