Trong bài này, chúng ta đến với Sáng Thế Ký chương 18 là chương ghi lại kinh nghiệm thân mật của Áp-ra-ham với Đức Chúa Trời. Nếu có cái nhìn bao quát về kinh nghiệm của Áp-ra-ham với Đức Chúa Trời như được thấy trong các chương từ 11 đến 24, chúng ta sẽ thấy kinh nghiệm của ông nằm trong bốn phần chính. Thứ nhất, khi đang sống trong xứ Canh-đê thuộc ma quỉ, ông đã được Đức Chúa Trời kêu gọi. Bất ngờ, Đức Chúa Trời của sự vinh hiển đã hiện ra trước sự kinh ngạc của ông (Công. 7:2). Đó là sự khởi đầu kinh nghiệm của ông với Đức Chúa Trời.
Thứ hai, trong các chương 12 đến 14, Áp-ra-ham đã kinh nghiệm sống bởi đức tin nơi Đức Chúa Trời cho sự tồn tại của mình. Ông đã được Đức Chúa Trời kêu gọi để hoàn thành mục đích thần thượng của Ngài, nhưng là người, ông vẫn phải có thực phẩm, sự bảo vệ và mọi nhu yếu khác để duy trì sự tồn tại. Ông là một khách lạ trên đất mới, không có tài sản riêng. Vì thế, Đức Chúa Trời đã huấn luyện ông vận dụng chính đức tin mà Ngài đã truyền vào bên trong để ông tin cậy Ngài cho sự tồn tại của mình.
Tiếp theo, trong các chương 15 đến 17, tức phần thứ ba, Đức Chúa Trời đã huấn luyện ông nhận biết ân điển để hoàn thành mục đích của Ngài. Ở đây, Áp-ra-ham học tập không làm bất cứ điều gì bởi chính mình hay dựa vào chính mình, nhưng làm mọi sự bởi và với Đức Chúa Trời. Mặc dù Đức Chúa Trời cần ông, nhưng Ngài không cần bất cứ điều gì từ ông. Tất cả những gì Áp-ra-ham có, là và có thể làm đều bị Đức Chúa Trời từ chối hoàn toàn. Đức Chúa Trời đã dùng ít nhất 15 năm để huấn luyện Áp-ra-ham trong vấn đề này. Trong 13 năm, Đức Chúa Trời đã không hiện ra vì ông đã không cư xử đúng đắn. Áp-ra-ham đã được huấn luyện, được kỷ luật và hưởng ân huệ của Đức Chúa Trời rất nhiều, nhưng ông đã không bước đi trong hiện diện của Đức Chúa Trời. Đúng ra, ông đã bước đi trong hiện diện của vợ, người đã đề nghị ông dùng xác thịt để sản sinh dòng dõi nhằm hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời. Ông mong rằng Ích-ma-ên, dòng dõi của ông, có thể hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, dường như Đức Chúa Trời phán: “Không, Ta không chấp nhận Ích-ma-ên. Đó là kết quả của nỗ lực ngươi, sản phẩm của việc ngươi làm. Ta khước từ nó và ngươi không được giữ nó. Hỡi Áp-ram, ngươi phải học tập rằng không điều gì ngươi có thể làm là ý nghĩa đối với Ta. Ta chỉ cần ngươi, không cần khả năng và sức mạnh ngươi. Ta không cần Lót, Ê-li-ê-se, A-ga hay bất cứ điều gì của ngươi. Ngươi phải bước đi trước mặt Ta, không làm điều gì bởi chính ngươi hoặc dựa vào chính ngươi. Ngươi phải được nuôi dưỡng và được cung ứng bởi sự đầy đủ từ bầu vú thần thượng của Ta. Khi đó, ngươi sẽ có thể sản sinh điều gì đó không những cho Ta mà cũng là của Ta. Ta chỉ chấp nhận và ưng thuận điều gì ra từ chính Ta. Không có ngươi, Ta sẽ không sản sinh một Y-sác. Ta sẽ sinh ra một Y-sác qua ngươi, nhưng không ra từ ngươi. Ngươi là ống dẫn của Ta, không phải là nguồn. Hễ khi nào ngươi cho mình là nguồn, ngươi sỉ nhục Ta. Ta là Nguồn Toàn Túc duy nhất. Ngươi đã biết Ta là Đức Chúa Trời Chí Cao, Đấng sở hữu cả trời và đất. Bây giờ ngươi phải biết Ta là El-Shaddai, Đấng Toàn Năng Toàn Túc với một bầu vú. Hãy ở dưới bầu vú của Ta, được cung ứng, nuôi dưỡng thường xuyên bởi sự toàn túc của Ta. Đây là cách để bước đi trước mặt Ta”. Khi Áp-ra-ham đã học biết ân điển để hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời đã thay đổi ông cả về tên lẫn bản chất. Đức Chúa Trời đã thay đổi cấu tạo của Áp-ra-ham bởi sự cắt bì. Ap-ram đã bị kết liễu và Áp-ra-ham đã xuất hiện. Đây là phần chính thứ ba trong kinh nghiệm của Áp-ra-ham về Đức Chúa Trời.
d. Sống Trong Mối Tương Giao Với Đức Chúa Trời
1) Thông Công Với Đức Chúa Trời Trên Mức Độ Con Người
Ngay sau điều này, ông được dẫn vào phần vinh hiển –sống trong mối tương giao với Đức Chúa Trời (18:1–24:67). Áp-ra-ham đã được kêu gọi, đã học tập sống bởi đức tin nơi Đức Chúa Trời cho sự tồn tại và đã đến chỗ nhận biết ân điển để hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời. Bây giờ, ông đã được đem vào mối tương giao thường xuyên với Đức Chúa Trời. Phần thứ tư trong kinh nghiệm của ông được tìm thấy trong các chương 18 đến 24. Mọi điều được bày tỏ trong 7 chương này là một phương diện của mối tương giao thân mật của Áp-ra-ham với Đức Chúa Trời.
Trong phần một của kinh nghiệm Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời đã hiện ra với ông là Đức Chúa Trời vinh hiển. Ở phần hai, Ngài đã bày tỏ chính Ngài là Đức Chúa Trời Chí Cao, Đấng sở hữu cả trời và đất. Trong phần ba, Ngài đã đến với Áp-ra-ham với tư cách là El-Shaddai, Đấng Toàn Năng Toàn Túc với bầu vú. Ở phần bốn, Đức Chúa Trời đã đến theo cách rất khác thường –Ngài đến như một người-hay-chết. Khi Áp-ra-ham ngồi nơi cửa lều dưới cái nóng ban ngày, ông thấy ba người-hay-chết đang đến gần (c. 1-2). Theo tiếng Hê-bơ-rơ, từ được dịch là “người” trong câu 2 có nghĩa là người-hay-chết, tức con người bình thường. Đức Chúa Trời đã hiện ra với Áp-ra-ham trong hình dạng như thế. Ban đầu, Áp-ra-ham không nhận ra một trong những người này là Chúa, tức Giê-hô-va, và hai người kia là các thiên sứ.
Trong những hình dạng hiện ra của Đức Chúa Trời –như Đức Chúa Trời Vinh Hiển, như Đức Chúa Trời Chí Cao, như El-Shaddai và như Một Người Người-Hay-Chết– anh em thích hình dạng nào hơn? Anh em có thích Đức Chúa Trời hiện ra như Đức Chúa Trời Vinh Hiển không? Nếu Ngài hiện ra như vậy, anh em sẽ kinh sợ. Anh em có muốn Ngài đến như Đức Chúa Trời Chí Cao không? Nếu Tổng Thống Mỹ đến với tôi và nói: “Tôi là Tổng Thống tối cao của nước Mỹ đến thăm một người nhỏ bé”, tôi sẽ cảm thấy không thoải mái. Nhưng nếu ông đến như một người giống như tôi, tôi sẽ nói: “Chào ông, ông có khỏe không? Mời ông vào nhà và nghỉ cho khỏe”. Nếu ông đến cách như vậy, rồi sau đó bày tỏ rằng ông là tổng thống Mỹ, tôi có thể được vui vẻ với ông. Trong bốn cách hiện ra này của Đức Chúa Trời, tôi thích Ngài đến với tôi trong hình dạng của một người bình thường, không trong sự vinh hiển thần thượng, không trong địa vị tối cao và cũng không trong sự toàn túc của Ngài.
Tất cả chúng ta cần kinh nghiệm Đức Chúa Trời đến mức độ như vậy. Lúc bắt đầu kinh nghiệm, chúng ta cảm nhận Ngài là Đức Chúa Trời Vinh Hiển. Nhưng càng kinh nghiệm Ngài, chúng ta càng nhận thức rằng Ngài đến trong hình dạng con người giống như chúng ta. Nếu Đức Chúa Trời không đến với Áp-ra-ham trong hình dạng một người như vậy, làm thế nào Áp-ra-ham được gọi là bạn của Ngài? Sáng Thế Ký chương 18 bày tỏ rằng Áp-ra-ham và Đức Chúa Trời nói với nhau như bạn, Áp-ra-ham nói với Ngài: “Chúa ơi, nếu bây giờ tôi được ơn trước mặt Chúa, xin hãy ghé lại nhà kẻ người đầy tớ Chúa, đừng bỏ đi luôn. Xin các đấng hãy cho phép người ta lấy chút nước rửa chân các đấng, và xin hãy nằm nghỉ mát dưới cội cây này” (c. 3-4). Áp-ra-ham đã chuẩn bị nước để Đức Chúa Trời rửa chân và Đức Chúa Trời đã nằm nghỉ dưới bóng cây trước lều trại của Áp-ra-ham.
Rất ít Cơ-đốc nhân nghĩ rằng Đức Chúa Trời đã từng đến trong hình dạng của một người bình thường, nằm nghỉ dưới bóng cây và lấy nước mà một người khác đã chuẩn bị để rửa chân Ngài. Anh em nghĩ xem điều nào vui thích hơn –để Đức Chúa Trời ngự trên ngai truyền lịnh chúng ta phải cúi đầu trước mặt Ngài và thờ lạy Ngài, hay để Đức Chúa Trời ngồi dưới bóng cây và rửa chân? Trước khi chân của Chúa Jesus được rửa bằng những giọt nước mắt của người đàn bà trong nhà Si-môn (Lu. 7:38,44), thì chân của Đức Chúa Trời đã được rửa trước lều trại của Áp-ra-ham. Trong khi Jesus ở trong nhà Si-môn để chân Ngài được rửa và xức dầu, thì các thầy tế lễ của Do-thái Giáo đang thờ phượng Đức Chúa Trời trong đền thờ. Vào lúc đó Đức Chúa Trời ở đâu –trong đền thờ tại Giê-ru-sa-lem hay trong nhà Si-môn? Cũng vậy, trong Sáng Thế Ký chương 18, Đức Chúa Trời ở đâu –đang ngự trên ngai chờ Áp-ra-ham thờ lạy hay để chân được rửa dưới bóng cây trước lều của Áp-ra-ham? Thật tuyệt diệu khi trong hình dạng một người bình thường, Ngài đang rửa chân trước lều của Áp-ra-ham! Trong kinh nghiệm của anh em, Đức Chúa Trời của anh em ở đâu? Ngài đang ngự trên ngai trên trời hay đang rửa chân trước lều của anh em? Anh em thích Đức Chúa Trời của anh em ngự trên ngai, chờ anh em nói: “Thánh thay, thánh thay, thánh thay!” cho Ngài hay thích Ngài ngồi nơi cửa lều anh em? Đức Chúa Trời đã đến với Áp-ra-ham ở mức độ của ông và trong hình dạng một người. Vì Ngài đến theo cách như vậy, nên Ngài và Áp-ra-ham có thể là bạn. Trong chương này, không có sự thờ phượng hay lòng kính sợ của tôn giáo, mà chỉ có sự thân thiết ngọt ngào. Thật kỳ diệu! Ngày nay, Đức Chúa Trời của anh em là ai? Ngài chỉ là Đức Chúa Trời Vinh Hiển, Đức Chúa Trời Chí Cao và El-Shaddai hay trong hình dạng của một người-hay-chết, giống như anh em?
Tôi không nói rằng Đức Chúa Trời là một người hay chết trong Sáng Thế Ký chương 18 vì Ngài chỉ ở trong hình dạng của một người-hay-chết. Một trong ba người đã hiện ra với Áp-ra-ham trong Sáng Thế Ký chương 18 là Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Câu 13 đề cập đến “Chúa”. Theo tiếng Hê-bơ-rơ, Chúa ở đây là Giê-hô-va. Chính là Giê-hô-va đã đến với Áp-ra-ham trong hình dạng của một người!
Cách đây nhiều năm, khi đọc Sáng Thế Ký chương 18, tôi đã bối rối. Trong chương này, chắc chắn là Áp-ra-ham đã thấy Chúa, nhưng Tân Ước nói rằng không ai đã từng thấy Đức Chúa Trời (Gi. 1:18). Áp-ra-ham không thấy Đức Chúa Trời trong hình thể thần thượng của Ngài, nhưng đã thấy Đức Chúa Trời trong hình dạng một người. Đức Chúa Trời đã hiện ra với ông như một người. Điều này cũng giống như khi Chúa Jesus sống trên đất. Con người không thấy Đức Chúa Trời trong hình thể thần thượng của Ngài; họ thấy Đức Chúa Trời trong con người Jesus. Đầu tiên, Đức Chúa Trời hiện ra với Áp-ra-ham trong sự vinh hiển thần thượng của Ngài. Sau đó, Ngài đến trong địa vị chí cao của Ngài và như El-Shaddai, Đấng Toàn Năng Toàn Túc với bầu vú. Cuối cùng, Ngài đến trong hìng dạng của một người. Áp-ra-ham đã không thấy hình thể của Đức Chúa Trời nhưng thấy hình dạng của một con người. Ông đã thấy ba người-hay-chết, nhưng lúc đầu ông không nhận ra một trong ba người đó là Giê-hô-va.
Đức Chúa Trời thích hiện ra với chúng ta theo cách này. Ngài không đến trong hình thể của Đức Chúa Trời nhưng trong hình dạng của một người, không hề tuyên bố rằng Ngài là Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã trò chuyện với Áp-ra-ham như một người nói với một người. Bất ngờ, Ngài hỏi Áp-ra-ham: “Sa-ra, vợ ngươi ở đâu?” Lời này có thể làm Áp-ra-ham sửng sốt, và có lẽ ông nghĩ: “Người này biết vợ mình! Làm thế nào Ông ấy biết vợ mình chứ? Ông ấy không phải là một khách lạ sao?” Sau đó, Chúa phán: “Chắc chắn Ta sẽ trở lại với ngươi theo thời điểm của sự sống” (c. 10). Có lẽ Áp-ra-ham đã nói: “Ngài là ai? Ngài hẳn phải là El-Shaddai, Đấng đã ban cho tôi lời hứa về sự sinh ra Y-sác” (17:19,21). Có lẽ Áp-ra-ham vẫn chưa chắc chắn về điều này cho đến khi Đức Chúa Trời phán: “Sa-ra, vợ ngươi sẽ có một con trai”. Sa-ra cười khi nghe điều này. Lúc đó, không ai có thể biết là Sa-ra đang cười bên trong, nhưng Chúa phán: “Cớ sao Sa-ra cười như vậy, mà rằng: Có quả thật tôi đã già đến thế này lại còn sanh sản chăng?” (c. 13). Vào lúc này, Chúa bày tỏ rõ ràng cho Áp-ra-ham rằng Ngài là Giê-hô-va Đức Chúa Trời bằng cách nói: “Há có điều chi Đức Giê-hô-va làm không được chăng?” Khi Sa-ra chối rằng bà không cười thì Ngài phán: “Thật, ngươi có cười đó” (c. 15) cho thấy rằng Ngài là Đức Chúa Trời Toàn Tri, Đấng biết hết mọi sự, ngay cả điều ở trong lòng người. Lúc này, Áp-ra-ham sáng tỏ rằng người đàn ông này là Giê-hô-va Toàn Năng, chính là El-Shaddai. Cũng vậy, các môn đồ của Jesus dần dần đến chỗ nhận biết rằng con người Jesus này là Đức Chúa Trời.
Tất cả chúng ta cần kinh nghiệm Đức Chúa Trời theo cách này. Chúng ta không nên thực hành hình thức nhóm họp mang tính tôn giáo với Đức Chúa Trời, nói rằng: “Bây giờ là giờ thờ phượng Đức Chúa Trời. Tôi phải sửa soạn trang phục, chải tóc và đi vào thánh đường cách tin kính, nơi tôi sẽ ở với Đức Chúa Trời”. Nếu làm như vậy, Đức Chúa Trời sẽ không hiện ra với chúng ta. Nhiều khi Đức Chúa Trời đến với chúng ta khi chúng ta đang ngồi nơi cửa lều. Mặc dù không chuẩn bị trước để thờ phượng Đức Chúa Trời, nhưng có thể chúng ta thấy ai đó đang đến gần và xin Ngài ở lại với mình một lát. Cuối cùng, chúng ta biết rằng Người này là Đức Chúa Trời. Anh em không có loại kinh nghiệm này sao? Theo tôn giáo, Đức Chúa Trời viếng thăm con người trong một thánh đường hay nhà thờ nào đó. Nhưng Đức Chúa Trời thường đến thăm chúng ta theo cách rất bình thường, theo cách khác xa với tôn giáo. Tôi thích Đức Chúa Trời hiện ra với Áp-ra-ham trong hình dạng của một người bình thường nơi cửa lều của ông. Nhiều chị em có kinh nghiệm rằng khi họ đang nấu ăn trong bếp hay đang giặt giũ, Chúa đến với họ theo cách rất thân mật, đầy tính người, và họ đã hưởng thì giờ tương giao vui thỏa, ngọt ngào với Chúa, trò chuyện với Ngài như một người bạn. Nhiều anh em cũng có cùng loại kinh nghiệm này. Khi họ đang làm việc hay nghỉ ngơi ở nhà, Chúa đến với họ như một người bạn yêu dấu, và họ đã có cuộc chuyện trò thân mật với Chúa. Đây là kinh nghiệm việc Chúa đến thăm chúng ta ở mức độ con người để chúng ta có thể trò chuyện với Ngài như với một bạn thân.
Anh em ở phần nào trong bốn phần thuộc kinh nghiệm của Áp-ra-ham? Anh em đang kinh nghiệm Đức Chúa Trời như Đức Chúa Trời Vinh Hiển, như Đức Chúa Trời Chí Cao, như El-Shaddai, hay như Đấng trong hình dạng của một người bình thường? Anh em có đang sống trong mối tương giao thân mật với Đức Chúa Trời ở mức độ con người không? Thật ngọt ngào biết bao khi Đức Chúa Trời đến với chúng ta không với sự vinh hiển thần thượng hay trong địa vị tối cao của Ngài mà trong hình dạng của một người bình thường!
a) Sau Khi Áp-ra-ham Chịu Cắt Bì
Sự tương giao của Áp-ra-ham với Đức Chúa Trời bắt đầu sau khi ông chịu cắt bì và bị kết liễu (17:24-27). Ông không những đã được kêu gọi, đã học tập sống bởi đức tin nơi Đức Chúa Trời cho sự tồn tại mà cũng đã học tập khước từ và chối bỏ sức mạnh thiên nhiên của mình và tin cậy Đức Chúa Trời trong mọi sự để hoàn thành mục đích của Ngài. Sau khi trở thành một người như vậy, ông bắt đầu sống trong mối tương giao với Đức Chúa Trời. Trong tình trạng được cắt bì của ông, Đức Chúa Trời đã đến thăm ông, và với tư cách người được cắt bì, Áp-ra-ham đã có sự trò chuyện mật thiết với Đức Chúa Trời đang thăm viếng. Ông không cần đến với Đức Chúa Trời; Đức Chúa Trời đã đến thăm ông. Tôn giáo luôn khuyên người ta đến với Đức Chúa Trời, nhưng Sáng Thế Ký chương 18 bày tỏ rằng Đức Chúa Trời đã đến thăm người chịu cắt bì của Ngài. Người được cắt bì không cần đi đến đền thờ hay thánh đường; lều trại của họ đã trở thành Đền Tạm của Đức Chúa Trời, nơi Đức Chúa Trời vui hưởng sự phục vụ nước và thức ăn của người được cắt bì của Ngài. Ngay sau khi xác thịt chúng ta bị cắt bì và người thiên nhiên bị kết liễu thì Đức Chúa Trời đến thăm chúng ta, và chúng ta cung cấp cho Ngài nước và thức ăn làm Ngài tươi tỉnh và thỏa lòng trong mối tương giao mật thiết của chúng ta với Ngài.
b) Như Một Người Bạn Của Đức Chúa Trời
Khi Áp-ra-ham sống trong mối tương giao với Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời đã xem ông là bạn của Ngài (Gia. 2:23; Ês. 41:8; 2Sử. 20:7). Sự chuyện trò giữa Áp-ra-ham và Đức Chúa Trời trong chương này giống như cuộc trò chuyện giữa hai người bạn. Điều này đã xảy ra gần cây dẻ bộp của Mam-rê tại Hếp-rôn, nơi Áp-ra-ham đã sống theo niềm vui thỏa của Đức Chúa Trời (13:18). Tên Hếp-rôn theo tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là sự tương giao, trò chuyện và tình bằng hữu. Chính tại nơi tương giao và tình bạn này mà Đức Chúa Trời đã đến thăm Áp-ra-ham như một người bạn, và Áp-ra-ham đã đón tiếp Đức Chúa Trời như một người bạn, chuẩn bị nước để Đức Chúa Trời rửa chân để Ngài tươi tỉnh và phục vụ Đức Chúa Trời một bữa ăn phong phú để Ngài thỏa mãn. Áp-ra-ham đã làm mọi điều này trong sự tương giao mật thiết với Người Bạn của ông tại cửa lều dưới bóng cây dẻ bộp, không theo sự thờ phượng “Đức Chúa Trời” cách tôn giáo trong thánh đường hay nơi tôn nghiêm dưới sự phục vụ của “linh mục” hay “mục sư”.
Khi Áp-ra-ham đang ngồi nơi cửa lều để hóng mát vào một ngày nóng nực, Đức Chúa Trời và hai thiên sứ đã hiện ra với ông. Khi thấy họ đang đến gần, ông chạy ra chào đón và mời họ ở lại với mình. Ông chuẩn bị nước để họ rửa chân và phục vụ họ một bữa ăn thịnh soạn với ba cái bánh bằng bột mì mịn nướng trên than lửa, một bò con ngon, bơ, và sữa (c. 4-8). Thời xưa, ba đấu tương đương với một ê-pha. Theo 1Sa-mu-ên 1:24 và Các Quan Xét 6:19, phần ăn bình thường cho một bữa ăn là một ê-pha bột mịn. Vậy tại sao Sáng Thế Ký chương 18:6, cũng như Ma-thi-ơ 13:33, đề cập đến ba đấu, mà không nói là một ê-pha? Vì cả trong Sáng Thế Ký chương 18 lẫn Ma-thi-ơ chương 13, ba đấu bột mịn tiêu biểu cho Đấng Christ phục sinh trong nhân tính của Ngài. Một Đấng Christ như vậy là bột mịn nướng thành bánh nhỏ để làm thức ăn cho cả Đức Chúa Trời lẫn con người. Áp-ra-ham cũng đã chuẩn bị một bò con. Bò con này, giống như bò con mập dùng để đãi người con trai hoang đàng trong Lu-ca 15:23, cũng là hình ảnh về Đấng Christ. Áp-ra-ham cũng đã phục vụ Đức Chúa Trời và các thiên sứ bơ và sữa. Đức Chúa Trời đã uống sữa của miền đất tốt lành sớm hơn nhiều so với con cái Ítx-ra-ên. Bánh nhỏ, bò con, bơ và sữa đều tiêu biểu cho các sự phong phú của Đấng Christ Tổng Bao Hàm để làm thỏa mãn cả Đức Chúa Trời lẫn con người.
Mặc dù Kinh Thánh không nói Áp-ra-ham đã dâng cho Đức Chúa Trời bữa ăn này như một của lễ, nhưng thật ra, ông đã làm như vậy. Nhiều năm sau đó, khi con cái Ítx-ra-ên đến dự những kỳ lễ hàng năm, họ đã dâng cho Đức Chúa Trời sản vật của miền đất tốt lành, hoặc rau quả hoặc động vật. Về nguyên tắc, trong Sáng Thế Ký chương 18, Áp-ra-ham đã làm cùng một điều như vậy. Hễ khi nào chúng ta vui hưởng thì giờ tốt đẹp với Đức Chúa Trời, có sự tương giao mật thiết với Ngài, lúc đó Đấng Christ không những được cung ứng cho chúng ta mà chúng ta cũng dâng Đấng Christ cho Đức Chúa Trời, dâng cho Ngài các sự phong phú của Đấng Christ để Ngài vui hưởng. Nói cách khác, chúng ta dâng Đấng Christ cho Đức Chúa Trời như ba đấu bột mịn, như bò con ngon và như bơ và sữa. Cảm tạ Chúa, vì ít ra chúng ta đã có kinh nghiệm nào đó về điều này. Khi vui hưởng sự tương giao mật thiết với Đức Chúa Trời, chúng ta không những nhận được Đấng Christ từ Đức Chúa Trời mà còn dâng Đấng Christ cho Đức Chúa Trời như thức ăn của Đức Chúa Trời. Chúng ta dâng Đấng Christ trong nhân tính phục sinh của Ngài như ba đấu bột mịn, chúng ta dâng Đấng Christ như bò tơ ngon và chúng ta dâng tất cả các sự phong phú của Đấng Christ cho Đức Chúa Trời để Ngài vui hưởng. Nhiều khi tại Bàn của Chúa, tôi đã không vui hưởng Chúa nhiều như lúc tôi dâng Ngài cho Đức Chúa Trời để Đức Chúa Trời vui hưởng. Khi khách đến nhà thăm anh em, anh em không mong họ đãi anh em. Trái lại, anh em thích đãi họ. Đặc biệt các chị thích phục vụ bữa ăn và nhìn xem khách dùng bữa. Các vị khách càng ăn nhiều, các chị càng vui. Tất cả chúng ta cần ở trong mối tương giao mật thiết như vậy với Đức Chúa Trời để chúng ta không những vui hưởng Đấng Christ mà còn dâng Đấng Christ cho Đức Chúa Trời để Ngài vui hưởng. Sự tương giao cao nhất không phải là khi chúng ta vui hưởng Đấng Christ nhiều trước mặt Đức Chúa Trời mà là khi Đức Chúa Trời vui hưởng Đấng Christ trong chúng ta nhiều hơn chúng ta. Buổi nhóm cao nhất và phong phú nhất trong Hội Thánh là buổi nhóm trong đó chúng ta dâng Đấng Christ cho Đức Chúa Trời để Ngài thỏa mãn.
c) Nhận Khải Thị Từ Đức Chúa Trời
Khi Áp-ra-ham đang vui hưởng sự tương giao ngọt ngào như vậy với Đức Chúa Trời thì ông nhận được sự khải thị từ Ngài về sự sanh ra Y-sác và sự hủy diệt Sô-đôm. Đây là hai điều căn bản liên quan đến những điều Đức Chúa Trời sẽ luôn cư xử với chúng ta. Sự sanh ra Y-sác liên hệ đến Đấng Christ và sự hủy diệt Sô-đôm liên hệ đến sự phán xét của Đức Chúa Trời trên tội lỗi. Y-sác phải đến và Sô-đôm phải ra đi. Điều này nghĩa là Đấng Christ phải bước vào và tội lỗi phải ra đi. Ngày nay, Đức Chúa Trời không những đang hoàn thành kế hoạch hầu hoàn tất mục đích của Ngài mà với tư cách là Chúa trên mọi người, Ngài cũng đang phán xét tội lỗi. Nguyên tắc tương tự trong mọi phương diện của đời sống chúng ta: trong đời sống hôn nhân, đời sống gia đình, đời sống cá nhân, đời sống Cơ-đốc và nếp sống Hội Thánh. Mối quan tâm của Đức Chúa Trời là sản sinh Đấng Christ qua chúng ta và loại trừ mọi điều tội lỗi. Ngài có ý định sản sinh Đấng Christ và hủy diệt “Sô-đôm” trong đời sống gia đình, đời sống công tác, ngay cả trong đời sống Cơ-đốc và nếp sống Hội Thánh. Tất cả sự khải thị chúng ta đã nhận và sẽ nhận từ Đức Chúa Trời phần lớn liên quan đến hai điều này. Nếu xem xét kinh nghiệm, anh em sẽ thấy đúng như vậy. Hễ khi nào nhận được sự khải thị từ Đức Chúa Trời trong quá trình tương giao với Ngài thì về phương diện tích cực, sự khải thị đó luôn liên quan đến Đấng Christ, còn về phương diện tiêu cực, luôn liên quan đến tội lỗi . Về phương diện tích cực, chúng ta thấy nhiều hơn về Đấng Christ, và nói: “Tôi đã thấy điều gì đó mới mẻ về Đấng Christ. Tôi thật ghét việc tôi đã không sống bởi Ngài nhiều hơn”. Đây là khải thị về sự sanh ra Y-sác, sự khải thị về Đấng Christ sẽ được sanh ra trong đời sống anh em. Nhưng về phương diện tiêu cực, chúng ta thấy các tội phạm của mình và nói: “Ôi Chúa, xin tha thứ con. Trong con vẫn còn rất nhiều sự ích kỷ, hận thù và ganh ghét. Con có rất nhiều sự thất bại, thiếu sót, và thậm chí những điều tội lỗi. Chúa ơi, con lên án những điều này và muốn hủy diệt chúng”. Về nguyên tắc, đây là sự phán xét và sự hủy diệt của Đức Chúa Trời trên tội lỗi. Trong đời sống Cơ-đốc chúng ta, Đấng Christ phải được đem vào và “Sô-đôm” phải bị hủy diệt. Cũng vậy, trong nếp sống Hội Thánh, Đấng Christ phải gia tăng và tội lỗi phải bị tiêu trừ.
(1) Về Sự Sanh Ra Y-sác Qua Sa-ra
(a) Lời Hứa Được Xác Quyết
Làm thế nào Đấng Christ có thể được sanh ra? Trước hết, có lời hứa. Lời hứa được lập với Áp-ra-ham về sự sanh ra Y-sác trong 17:19 và 21 đã được xác quyết trong 18:10. Đức Chúa Trời không những hứa với Áp-ra-ham rằng ông sẽ sinh Y-sác qua Sa-ra, mà trong cả Kinh Thánh, đặc biệt trong Tân Ước, có lời hứa phong phú về Đấng Christ. Chúng ta có lời hứa rằng Đấng Christ sẽ là sự sống, sự cung ứng và mọi sự của chúng ta. Tân Ước hứa về Đấng Christ nhiều biết bao! Tất cả những lời hứa này có thể được hoàn thành bởi sự viếng thăm đầy ân điển của Đức Chúa Trời.
(b) Vào Thời Điểm Của Sự Sống, Thời Điểm Được Ấn Định
Sự sanh ra Y-sác là vào thời điểm của sự sống, thời điểm được ấn định (17:21;18:10,14). Đấng Christ đã luôn luôn và sẽ luôn luôn được gia tăng và được sanh ra qua chúng ta vào thời điểm của sự sống. Chúng ta cần có nhiều thời điểm của sự sống như vậy. Tôi muốn mỗi ngày có một thời điểm. Thời điểm của sự sống luôn luôn là thời điểm được ấn định, thời điểm Đức Chúa Trời ấn định. Đức Chúa Trời đã hẹn gặp, không phải Áp-ra-ham. Điều này cũng đúng với chúng ta ngày nay, vì chính Đức Chúa Trời hẹn gặp, không phải anh em và tôi. Kinh nghiệm trước đây của chúng ta sẽ giúp chúng ta hiểu điều này. Hễ khi nào Đức Chúa Trời viếng thăm chúng ta để sản sinh Đấng Christ, đó là thời điểm được ấn định, thời điểm của sự sống.
(c) Áp-ra-ham Trở Nên Già Như Đã Chết,
Còn Sa-ra Không Còn Khả Năng Sinh Sản
Còn Sa-ra Không Còn Khả Năng Sinh Sản
Thời điểm của sự sống cho Áp-ra-ham và Sa-ra là thời điểm mà họ trở nên không còn gì. Y-sác đã được sanh ra khi Áp-ra-ham trở nên già như đã chết còn Sa-ra không còn khả năng sinh sản (c. 11-13). Cũng vậy, hễ khi nào chúng ta trở nên không còn gì cả, đó là thời điểm tốt, thời điểm được ấn định cách thần thượng, để chúng ta tham dự vào sự sống nhiều hơn.
(d) Hành Động Kỳ Diệu Và Lạ Lùng Của Chúa
Trong câu 14, Chúa phán: “Có điều gì quá lạ lùng [hay kỳ diệu] đối với Chúa không?” (Theo nguyên văn Hêb.) Mỗi kinh nghiệm về Đấng Christ thật lạ lùng trong cách nhìn của chúng ta; đó là hành động kỳ diệu của Chúa. Làm thế nào Sa-ra sanh được Y-sác? Với con người, tđiều đó là không thể. Nếu điều đó xảy ra với chúng ta, hẳn sẽ là điều kỳ diệu và lạ lùng theo cách nhìn của chúng ta. Những kinh nghiệm Cơ-đốc luôn giống như vậy vì đời sống Cơ-đốc là đời sống của những điều không thể. Thật lạ lùng làm sao khi mọi điều không thể trở nên có thể với Đấng Christ! Chúng ta có thể làm điều mà người khác không thể làm, và chúng ta có thể là điều mà người khác không thể là vì Đấng Christ thật lạ lùng và kỳ diệu trong kinh nghiệm của chúng ta về Ngài.
(2) Về Sự Hủy Diệt Sô-đôm
(a) Áp-ra-ham Đi Với Đức Chúa Trời Để Tiễn Ngài
Sự khải thị thứ hai mà Áp-ra-ham nhận được liên quan đến sự hủy diệt Sô-đôm (c. 16-21). Sau khi vui hưởng sự tương giao thân mật như vậy với Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời và hai thiên sứ được thỏa lòng, được làm cho mạnh mẽ và tươi mới. Câu 16 nói rằng sau đó “những người này đứng dậy mà đi, ngó về phía Sô-đôm. Áp-ra-ham cũng đi theo để tiễn bước họ”. Áp-ra-ham đi với họ một quảng để đưa đường, để tiễn họ. Thường sau khi khách đến thăm chúng ta, chúng ta đưa họ ra xe, tiễn họ ra về. Việc Áp-ra-ham đi với những vị khách của ông giống như một người tiễn bạn mình ra về.
(b) Đức Chúa Trời Không Giấu Áp-ra-ham Ý Định Của Ngài
Khi Áp-ra-ham tiễn Đức Chúa Trời lên đường, “Đức Giê-hô-va phán rằng: Lẽ nào Ta giấu Áp-ra-ham điều Ta sắp làm sao?” (c. 17). Đức Chúa Trời không thể giấu Áp-ra-ham ý định của Ngài, nhưng đã nói với ông ý định của Ngài là phán xét Sô-đôm, rằng: “Vì tiếng kêu oan về Sô-đôm và Gô-mô-rơ quá lớn và vì tội lỗi các thành đó rất nghiêm trọng nên bây giờ Ta sẽ xuống đó để xem chúng nó hành động có thật như tiếng kêu thấu đến Ta chăng; nếu chẳng thật, Ta sẽ biết” (c. 20-21). Lòng của Đức Chúa Trời quan tâm đến Lót nhưng Ngài không thể làm gì cho ông nếu không có một người cầu thay. Như chúng ta sẽ thấy trong chương tiếp theo, Đức Chúa Trời ở đây đang tìm kiếm một người cầu thay. Dù Đức Chúa Trời không đề cập đến tên của Lót, nhưng trong lòng Ngài biết rằng Áp-ra-ham hiểu điều Ngài đang làm. Đức Chúa Trời và Áp-ra-ham nói với nhau theo cách ẩn ý, không ai trong họ nhắc đến tên của Lót. Những người ngoài cuộc không hiểu họ nói gì, nhưng họ thì hiểu.
d) Cứ Ở Trong Hiện Diện Của Đức Chúa Trời
Câu 22 nói: “Vậy, những người đó từ đó đi qua hướng Sô-đôm, nhưng Áp-ra-ham hãy còn đứng chầu trước mặt Đức Giê-hô-va” (Nguyên văn Hê-bơ-rơ). Khi hai thiên sứ rời khỏi, Áp-ra-ham không nói lời tạm biệt Chúa. Không, ông vẫn đang đứng trước mặt Chúa. Như chúng ta sẽ thấy, mục đích của việc ông đứng trước mặt Chúa là để cầu thay.
Trong Sáng Thế Ký chương 18, chúng ta thấy Áp-ra-ham, một người được cắt bì, có sự bình an với Đức Chúa Trời. Mặc dù Áp-ra-ham không mong đợi cuộc viếng thăm như vậy, nhưng Đức Chúa Trời đã hiện ra với ông trong hình dạng của một người bình thường, trò chuyện với ông như với một người bạn. Không có điều gì mang tính tôn giáo trong sự tương giao thân mật như thế. Trong sự tương giao đó, về phương diện tích cực, Áp-ra-ham đã nhận được sự khải thị từ Đức Chúa Trời liên quan đến sự sinh ra Y-sác, và về phương diện tiêu cực, liên quan đến sự hủy diệt Sô-đôm. Sau khi các thiên sứ rời khỏi đó hướng về Sô-đôm, Áp-ra-ham vẫn còn ở trong hiện diện của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã tìm thấy một người để Ngài có thể ủy thác điều của lòng Ngài, một người đáp ứng với ý định và khát vọng của lòng Ngài. Trong chương này, chúng ta thấy rằng kinh nghiệm ngọt ngào nhất và thân mật nhất về Đức Chúa Trời giống những gì chúng ta có được với người bạn thân nhất của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét