3/26/2013

BÁU VẬT TRONG BÌNH ĐẤT


"Anh em ơi, chúng tôi không muốn anh em chẳng biết về sự hoạn nạn đã xảy đến cho chúng tôi trong A-si, thể nào chúng tôi đã bị đè nén quá chừng quá sức, đến nỗi cũng hết mong sống được. Thật chúng tôi đã tự đoán định rằng chắc phải chết, hầu cho chúng tôi không cậy mình, nhưng cậy Đức Chúa Trời là Đấng khiến kẻ chết sống lại" (2 Côr. 1:8-9).
"Thế thì, tôi định ý như vậy, há phải nhẹ dạ sao? Hay là điều tôi quyết định, há phải tôi quyết định theo xác thịt, nên nỗi ở nơi tôi phải đó, rồi không đó sao?" (c.17).
"Vì ấy là do sự hoạn nạn lớn và lòng quặn thắt với nước mắt dầm dề mà tôi đã viết cho anh em, nào phải để cho anh em buồn rầu đâu, bèn là để cho anh em biết tình thương yêu rất dồi dào của tôi đối với anh em vậy" (c.4).
 "Chúng tôi há lại bắt đầu tự tiến dẫn mình, hay là há như kẻ khác cần thơ tiến dẫn hoặc cho anh em, hoặc của anh em sao?" (3:1).
"Không phải tự mình chúng tôi có đủ tư cách mà tính toán việc gì như bởi chúng tôi, nhưng tư cách của chúng tôi đến từ Đức Chúa Trời" (c.5).
"Nhưng chúng tôi đựng của báu nầy trong khí mạnh bằng đất, hầu tỏ ra quyền năng lớn lao quá đỗi nầy là bởi Đức Chúa Trời, chớ chẳng phải từ chúng tôi. Chúng tôi bị đè nén đủ cách, nhưng không đến khốn cùng; bị túng thế, nhưng không thất vọng; bị rượt đuổi, nhưng không đến bỏ rơi; bị đánh ngã, nhưng không đến diệt mất; thân thể hằng mang sự chết của Giê-su, hầu cho sự sống của Giê-su cũng được tỏ ra trong thân thể chúng tôi" (4:7-10).
"Bởi đó cho nên từ nay chúng tôi không nhận biết ai theo xác thịt nữa" (c.16a).
"... nào bởi vinh hay nhục; nào bởi tiếng xấu hay tiếng tốt; nào như kẻ lừa dối, mà lại là thành thật; nào như kẻ xa lạ, mà lại là kẻ quen biết lắm; nào như gần chết, mà nay vẫn sống; nào như bị trừng phạt, mà lại không đến bị giết; nào như buồn rầu, mà lại vui mừng luôn luôn; nào như nghèo ngặt, mà lại làm cho nhiều người được giàu có; nào như không có gì cả, mà lại có đủ mọi sự" (6:8-10).
"Vả, khi chúng tôi đến trong Ma-xê-đoan, xác thịt chúng tôi chẳng được yên ổn chút nào, nhưng bị hoạn nạn tư bề, ngoài thì có sự tranh chiến, trong thì có sự sợ sệt" (7:5).
"Vả, chính tôi là Phao-lô, khi ở trước mặt anh em thì là khiêm ti, nhưng khi vắng mặt thì lại dũng cảm lắm đối với anh em" (10:1).
"Dầu tôi khoe khoang hơi quá về quyền bính của chúng tôi mà Chúa đã ban cho để gây dựng anh em, chớ chẳng phải để đánh đổ anh em, thì tôi cũng không đến đỗi hổ thẹn đâu" (c. 8).
"Vì có kẻ nói rằng: Các thư của người nặng nề và mạnh bạo, nhưng đến khi có mặt thì người yếu đuối, và lời nói chẳng ra gì" (c.10).
"Nhưng tôi tưởng rằng tôi chẳng thua kém các sứ đồ hạng nhứt đó chút nào. Dầu lời nói của tôi quê vụng, nhưng tri thức của tôi chẳng phải như vậy đâu; trái lại, trong mọi sự chúng tôi đã tỏ điều đó cho anh em đủ mọi cách" (11:5-6).
"Lại e rằng tôi quá tự cao bởi sự khải thị lớn lao cả thể chăng, nên đã cho một cái giằm xóc vào thịt tôi, tức là một sứ giả của Sa-tan, để thoi vả tôi, hầu cho tôi khỏi quá tự cao. Về điều nầy tôi đã ba lần nài xin Chúa khiến nó lìa khỏi tôi. Nhưng Ngài phán cùng tôi rằng: 'Ân điển Ta đủ cho ngươi rồi, vì quyền năng của Ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối'. Vậy, tôi lấy làm vui thà khoe khoang về sự yếu đuối tôi, hầu cho quyền năng của Đấng Christ ở trên tôi... vì khi tôi yếu đuối, ấy là lúc tôi mạnh mẽ" (12:7-9, 10b).
"Bởi chưng những khí giới tranh chiến của chúng tôi chẳng phải thuộc xác thịt đâu, bèn là có quyền năng ở trước mặt Đức Chúa Trời để triệt hạ các đồn lũy kiên cố" (10:4).

Phao-lô Trong  Cô-rin-tô Thứ Nhì
Khi cẩn thận đọc Cô-rin-tô thứ nhì trước mặt Đức Chúa Trời, dường như chúng ta gặp hai con người, đó là Phao-lô trong chính mình và Phao-lô trong Đấng Christ. Mọi điều Phao-lô nói đến, từ chương một đến chương mười ba, đều theo nguyên tắc trên. Nếu tóm tắt sứ điệp của Phao-lô trong sách này, chúng ta có thể bao gồm tất cả qua lời ông nói trong chương bốn: "Chúng tôi có báu vật này trong bình đất" (RcV). Trong chương một, chúng ta thấy báu vật này được đặt vào trong bình đất. Từ 3:1 đến cuối sách, một mặt chúng ta thấy bình đất, mặt khác chúng ta thấy báu vật. Sau khi đọc những lời này trước mặt Đức Chúa Trời, tự khắc trong sự soi sáng của Đức Chúa Trời, chúng ta thấy bình đất không ngăn cản báu vật chiếu sáng. Bình đất không chôn vùi quyền năng của báu vật.
Tại đây chúng ta thấy một con người. Chúng tôi đã đề cập trước đây rằng Cô-rin-tô thứ nhì là sách nói nhiều về cá nhân [Phao-lô] hơn hết trong Tân Ước. Nhiều Thư-tín đầy dẫy giáo lý, lẽ thật và khải thị. Nhiều Thư-tín chuyển từ quan điểm của Đức Chúa Trời sang quan điểm của chúng ta. Tuy nhiên, Cô-rin-tô thứ nhì là sách duy nhất trong Tân Ước bày tỏ cho chúng ta chính loại người Đức Chúa Trời dùng để chuyển đạt khải thị của Ngài. Nếu không có sách Cô-rin-tô thứ nhì, chúng ta sẽ không bao giờ biết chính [con người] Phao-lô. Chúng ta sẽ biết những gì ông đã hoàn thành, nhưng không bao giờ biết chức vụ này. Thư Cô-rin-tô thứ nhì cho chúng ta thấy chức vụ của ông, và từ chức vụ ấy, chúng ta gặp gỡ con người của ông. Chúng ta thấy ông là một bình đất.

Cơ-Đốc-Nhân Lý Tưởng
Khi mới trở thành Cơ-đốc-nhân, tôi có quan  niệm  riêng  thế  nào  là  một Cơ-đốc-nhân lý tưởng, và tôi hết sức cố gắng trở nên loại Cơ-đốc-nhân ấy. Tôi nghĩ nếu thực hiện được lý tưởng mình hằng ấp ủ, thì tôi đã đạt đến bậc hoàn hảo. Tôi muốn được hoàn hảo, nhưng tôi có lý tưởng và tiêu chuẩn riêng của mình về thế nào là Cơ-đốc-nhân hoàn hảo. Tôi nghĩ rằng nếu có thể đạt đến tiêu chuẩn ấy, tôi sẽ được hoàn hảo. Tôi nghĩ một Cơ-đốc-nhân hoàn hảo cần phải cười từ sáng đến tối. Nếu người ấy đổ nước mắt, tôi nghĩ người ấy không còn đắc thắng nữa, mà thất bại rồi. Thậm chí tôi còn nói người ấy sai lầm. Tôi nghĩ một Cơ-đốc-nhân hoàn hảo cần phải mạnh dạn, không sợ hãi, và can đảm trong mọi tình huống. Nếu người ấy sợ hãi trong bất cứ điều gì, tôi sẽ nói người ấy không có đức tin. Tôi sẽ nói người ấy không hoàn hảo vì không tin cậy Chúa. Tôi cũng nghĩ Cơ-đốc-nhân hoàn hảo không bao giờ buồn rầu. Nếu ai buồn rầu, tôi nghi ngờ không biết người ấy có hoàn hảo không. Tôi có thể đề cập đến nhiều tiêu chuẩn khác, nhưng tôi không cần nói quá nhiều về quan niệm này với anh em. Tôi tin rằng nhiều anh chị em trẻ tuổi cũng có những lý tưởng về
Cơ-đốc-nhân là phải như thế nào. Tôi không phê phán họ vì trước đây chính tôi cũng từng suy nghĩ như vậy.

Phao-lô Là Một Con Người
Ngày kia, tôi đọc một phân đoạn trong thư Cô-rin-tô thứ nhì, là chỗ nói Phao-lô buồn rầu. Tôi tự hỏi: "Phao-lô mà buồn rầu sao?" Tôi đọc thấy ông đổ nhiều nước mắt. Tôi tự hỏi: "Phao-lô mà khóc sao?" Tôi đọc thấy Phao-lô đau khổ và buồn bã. Tôi tự hỏi: "Phao-lô mà đau khổ và buồn bã sao?" Tôi đọc thấy ông bị đè ép nặng nề và tuyệt vọng tưởng chết. Tôi tự hỏi: "Phao-lô mà tuyệt vọng sao?" Khi đọc tiếp, tôi thấy có nhiều điều mình chưa bao giờ nghĩ đến. Tôi chưa bao giờ nghĩ một người như Phao-lô lại có những nan đề như  vậy. Tôi bắt đầu nhận biết Cơ-đốc-nhân không phải là một loại thiên sứ. Đức Chúa Trời không đặt một dòng giống thiên sứ trên đất và nói: "Đây là các Cơ-đốc-nhân". Tôi cũng bắt đầu thấy Phao-lô rất gần gũi với chúng ta, ông không xa cách lắm. Phao-lô là người tôi quen biết, chứ không phải là một ai xa lạ. Tôi quen biết ông vì tôi thấy ông là một con người.

Báu Vật Được Bày Tỏ Trong  Bình Đất
Nhiều  người  có  một  quan  niệm  về Cơ-đốc-nhân lý tưởng. Xin nhớ rằng lý tưởng ấy do chúng ta tạo ra, chứ không do Đức Chúa Trời. Không có loại Cơ-đốc-nhân lý tưởng ấy, và Đức Chúa Trời cũng không muốn chúng ta là nhữngcon người như vậy. Ở đây chúng ta gặp một chiếc bình đất, nhưng tính chất đặc biệt của bình đất này là một báu vật đã được đặt vào trong đó. Báu vật vượt trổi bình đất, làm lu mờ bình đất và tự bày tỏ mình ra trong bình đất. Đó là ý nghĩa của   Đạo Đấng Christ và Cơ-đốc-nhân. Nơi Phao-lô, chúng ta thấy một con người sợ sệt nhưng mạnh mẽ. Ông bối rối trong lòng nhưng vẫn có hi vọng. Ông bị kẻ thù bủa vây nhưng không bị bắt giữ. Mặc dầu gặp bắt bớ, nhưng ông không cảm thấy bị từ chối hay bỏ rơi. Dường như ông bị đánh gục nhưng không chết (2 Côr. 4:7-9). Chúng ta thấy sự yếu đuối của ông, nhưng khi ông yếu đuối, ấy là lúc ông đầy quyền năng (12:10b). Chúng ta thấy ông mang trong thân thể mình sự giết chết của Giê-su, nhưng sự sống của Giê-su được bày tỏ ra trong thân thể của ông (4:10). Chúng ta thấy ông bị vu khống, nhưng ông có tiếng tốt. Dường như ông dẫn những người khác đi lạc, nhưng ông vẫn thành thật. Dường như ông không nổi tiếng, nhưng mọi người đều biết ông. Dường như ông sắp chết nhưng vẫn sống. Dường như ông bị phạt, nhưng không đến chết. Dường như ông buồn rầu, nhưng luôn luôn vui mừng. Dường như ông nghèo nàn, nhưng làm cho nhiều người giàu có. Dường như ông không có gì cả, nhưng lại có tất cả (6:8-10). Đó là một Cơ-đốc-nhân thật. Đó là Đạo Đấng Christ chân chính.
Cơ-đốc-nhân là người mà trong người đó có một nghịch lý cơ bản nhưng hài hòa. Đạo Đấng Christ là có một đời sống trong đó có một nghịch lý thuộc linh không thể hiểu được. Đức Chúa Trời ban cho chúng ta nghịch lý này. Một số người tưởng chỉ có báu vật, mà không có bình đất. Những người khác nghĩ bình đất ngăn cản họ tiến lên. Tư tưởng con người luôn luôn cực đoan. Chúng ta nghĩ chỉ có báu vật là điều lý tưởng. Chúng ta nghĩ bình đất ngăn cản không cho mình tiến tới. Tuy nhiên, trước mặt Đức Chúa Trời, chúng ta thấy báu vật được đặt trong bình đất. Bình đất không bị hủy diệt, và không ngăn trở gì cả. Báu vật ở trong bình đất.

Quyền Năng Của Đức Chúa Trời Được Bày Tỏ Trong Sự Yếu Đuối Của Con Người
Vị sứ đồ nói ông có một cái gai trong xác thịt mình (2 Côr. 12:7). Tôi không biết cái gai này là gì, nhưng tôi biết cái gai này làm cho Phao-lô yếu đuối. Ông cầu nguyện với Chúa về vấn đề này ba lần, hi vọng Chúa sẽ cất bỏ cái gai ấy đi. Tuy nhiên, Chúa phán với ông: "Ân điển Ta đủ cho ngươi rồi" (cc. 8-9). Chúa phán mặc dầu cái gai ở trong xác thịt ông làm cho ông yếu đuối, quyền năng Ngài được hoàn hảo trong sự yếu đuối ấy. Làm thế nào quyền năng của Đức Chúa Trời được hoàn hảo trong sự yếu đuối của con người? Ngài phán: "Quyền năng Ta đóng trại trên sự yếu đuối của ngươi" (RcV), có nghĩa là "Quyền năng Ta sẽ che phủ hay bao phủ sự yếu đuối của ngươi". Đó là Đạo Đấng Christ. Đạo Đấng Christ không loại bỏ sự yếu đuối, cũng không chỉ ngưỡng trông quyền năng của Chúa. Đạo Đấng Christ có nghĩa là quyền năng của Chúa được bày tỏ trong sự yếu đuối của con người. Đạo Đấng Christ không có nghĩa là một dòng giống mới như các thiên sứ kỳ lạ được tạo dựng trên đất. Đạo Đấng Christ nghĩa là sự yếu đuối của con người có thể bày tỏ quyền năng của Đức Chúa Trời.
Tôi xin nêu một ví dụ. Có lần tôi lâm trọng bệnh. Trong vòng hai tháng, tôi bị rọi quang tuyến ba lần, và mỗi lần, kết quả đều rất nghiêm trọng. Tôi cầu nguyện, tin và hi vọng Đức Chúa Trời sẽ chữa lành bệnh cho mình. Nhiều lúc, sức lực tôi tốt hơn bình thường. Trước mặt Đức Chúa Trời, tôi thừa nhận rằng mình đã được làm cho mạnh mẽ, nhưng tôi giận vì không biết tại sao Đức Chúa Trời lại đối xử với tôi như vậy. Có những lúc tôi khỏe và đầy sức lực, nhưng rồi tôi bị bệnh trở lại cách bất ngờ. Đức Chúa Trời ban cho tôi sức khỏe tạm thời như vậy để làm gì? Lòng tôi quặn thắt. Một ngày kia đang khi đọc Kinh Thánh, tôi tình cờ mở ra đọc trong 2 Cô-rin-tô chương 12 chép về việc Phao-lô cầu nguyện với Đức Chúa Trời ba lần về cái gai ấy, nhưng Chúa không vui lòng làm gì cả. Trái lại, Ngài phán: "Ân điển Ta đủ cho ngươi rồi". Chúa gia tăng ân điển Ngài vì cái gai ấy. Chúa gia tăng quyền năng mình vì sự yếu đuối. Tôi thấy ra Đạo Đấng Christ là gì. Đang khi nằm trên giường, tôi xin Chúa bày tỏ cho tôi cách rõ ràng hơn tất cả ý nghĩa của điều ấy. Ở bên trong, tôi có ấn tượng về một chiếc thuyền trên dòng sông. Chiếc thuyền cần mực nước sâu hơn ba mét để có thể di chuyển trên dòng sông. Nhưng dưới lòng sông có một tảng đá nhô lên gần hai mét. Nếu Chúa muốn, Ngài có thể cất bỏ tảng đá để chiếc thuyền đi qua, nhưng trong lòng tôi có một câu hỏi: "Ta cất tảng đá đi hay làm cho mực nước dâng lên gần hai mét, điều nào tốt hơn?" Đức Chúa Trời hỏi tôi rằng việc cất bỏ tảng đá đi hay làm cho mực nước dâng lên gần hai mét thì điều nào tốt hơn. Tôi thưa với Chúa rằng làm cho nước dâng lên gần hai mét là điều tốt hơn.
Từ ngày đó về sau, nhiều nan đề của tôi biến mất. Tôi không dám nói rằng mình không bao giờ lại bị cám dỗ, nhưng ngợi khen Đức Chúa Trời, từ vấn đề đó, tôi khám phá ra rằng Đức Chúa Trời có những cách khác để đáp ứng nhu cầu của chúng ta. Đó là Đạo Đấng Christ. Tôi xin nhắc lại, Đạo Đấng Christ không cất bỏ tảng đá đi, Đạo Đấng Christ làm cho nước dâng lên khoảng hai mét. Đó là Đạo Đấng Christ. Có khó khăn nào không? Có, tất cả chúng ta đều có nan đề. Có thử thách không? Có, tất cả chúng ta đều bị thử thách. Có yếu đuối không? Tất cả chúng ta đều có những yếu đuối. Tuy nhiên, xin hãy nhớ một điều là Chúa không loại bỏ sự yếu đuối của chúng ta về phương diện tiêu cực, Ngài cũng không ban quyền năng không xác đáng về phương diện tích cực. Quyền năng của Đức Chúa Trời được bày tỏ trong sự yếu đuối, cũng y như báu vật của chúng ta ở trong bình đất.

Đời Sống Thuộc Linh Nghịch  Lý
Hôm nay tôi muốn nói rằng không một Cơ-đốc-nhân nào có bình đất "nhiều chất đất" đến nỗi ngăn cản báu vật của Chúa không thể bày tỏ ra được. Cho dầu chúng ta yếu đến đâu, hãy nhớ rằng báu vật của Chúa được bày tỏ trong đó. Vì vậy, chúng ta thấy một nghịch lý thuộc linh trong Phao-lô và trong chính mình. Chúng ta có biết người ta nói gì về Phao-lô không? Họ nói rằng lời nói của ông không ra gì (10:10b), ông lấy sự xảo trá mà bắt lấy họ (12:16), ông không kiên định và ông nói "Có, có", rồi lại "Không, không" (1:17). Họ nói các thư của ông nghiêm khắc và mạnh mẽ quá làm người ta sợ hãi (10:9-10). Nhưng nghịch lý thay, báu vật của Đức Chúa Trời trông rất tốt trong một bình đất như vậy. Báu vật của Đức Chúa Trời sẽ trông không được đẹp đến như vậy nếu không có bình đất. Tôi có ý nói Phao-lô là một con người thật. Cảm tạ Đức Chúa Trời vì Chúa chiếu sáng ra, xuyên phá từ trong ông. Ông không phải là một con người không có cảm xúc. Nhưng trong sự buồn rầu của mình, ông nói: "Tôi luôn luôn vui mừng". Ông không thường xuyên vui mừng hay thường xuyên buồn rầu, trái lại, ông thường xuyên vui mừng trong sự buồn rầu của mình.
Tôi xin nói với anh em rằng đó là đặc tính của Đạo Đấng Christ. Có nụ cười khi nước mắt tuôn tràn. Nhiều Cơ-đốc-nhân hành động tốt hơn Phao-lô, nhưng họ không sống như một Cơ-đốc-nhân. Họ chỉ có thể ngợi khen Chúa; họ không giống một Cơ-đốc-nhân. Nhiều Cơ-đốc-nhân nghĩ họ có thể đạt đến một tình trạng không bao giờ buồn rầu hay bối rối. Có những người thì lại liên tục buồn rầu hay bối rối. Điều này có nghĩa là báu vật không được bày tỏ trong họ. Nhưng ở đây chúng ta có một con người mà Chúa Giê-su có thể [bày tỏ] xuyên qua người ấy. Tôi đã thấy một số con cái xuất sắc nhất của Đức Chúa Trời. Khi thấy họ, ngay lập tức tôi biết họ là ai và họ là hạng người nào. Nhưng đồng thời tôi biết họ là loại người nào trước mặt Chúa. Ngày nay, chúng ta không muốn thấy một dấu vết nào của bình đất khi nhìn vào người ta. Nhưng thỉnh thoảng mắt chúng ta chỉ thấy bình đất. Tuy nhiên, những ai biết Đức Chúa Trời đều có thể nhìn thấy báu vật trong bình đất khi họ nhìn vào con cái Đức Chúa Trời.
Có lần tôi gặp một chị em trong Chúa. Ngay khi gặp chị, tôi biết chị có tánh nhanh nhẹn. Chị hành động và nói rất nhanh, chị mau quở trách người khác và mau viết thư. Nhưng tạ ơn Chúa, có lẽ có một trăm lá thư trong giỏ rác của chị không bao giờ được gửi đi. Vì là bình đất, chị viết các lá thư, nhưng những bức thư trong giỏ rác chứng tỏ rằng chị cũng có báu vật. Báu vật ở trong bình đất. Khi người ta thấy chị, họ nhận biết chị. Về mặt thiên nhiên, chị là người như vậy, nhưng người ta cũng có thể thấy Chúa trong chị. Thỉnh thoảng chúng ta thấy một người chịu thử thách. Nhưng chúng ta cũng thấy sự phong phú người ấy sở hữu. Đó là báu vật trong bình đất.
Tôi hi vọng chúng ta sẽ thấy một điều gì đó trước mặt Chúa. Ngày nay Đức Chúa Trời không đòi hỏi hay mong đợi những điều trừu tượng. Một vài anh em hỏi tôi vì sao họ yếu đuối quá. Tôi nói sự yếu đuối không là vấn đề, họ sẽ trở nên mạnh mẽ. Một anh em hỏi tôi anh nên làm gì sau khi đã làm một việc kinh khủng. Tôi nói với anh đó không phải là nan đề vì điều quan trọng là Đức Chúa Trời đặt báu vật này trong chúng ta. Chúng ta không cần giả vờ bằng cách sửa chữa bình đất. Chúng ta không cần vun trồng một sắc thái hay một phong cách nào đó. Mọi sự đều đến từ Đức Chúa Trời. Báu vật có thể được bày tỏ từ bên trong chúng ta, là những bình đất.
Chúa Nhật vừa qua, tôi có nói chuyện với các chấp sự. Nhiều người nói họ đang cầu nguyện cho một thành viên nào đó trong gia đình, cho một căn bệnh nào đó, hay một vấn đề nào đó. Tôi hỏi họ diễn tiến ra sao. Mỗi người đều bảo tôi rằng họ tin Đức Chúa Trời sẽ chữa lành các chứng bệnh của họ, hay cứu con trai họ, và vợ chồng họ. Tất cả đều rất tin tưởng, tin tưởng đến nỗi họ không có một chút nghi ngờ nào cả. Nhưng chúng ta chờ xem. Những người đau ốm vẫn đau ốm, con trai và vợ chồng họ vẫn chưa ăn năn, những vấn đề khó khăn vẫn tồn tại. Loại đức tin họ có thuộc về các thiên sứ, chứ không thuộc về những bình đất. Đức tin của họ quá trừu tượng, quá tốt. Không ai trên thế giới này có đức tin lớn như vậy.
Một anh em đến nói với tôi là anh ấy đang học tập tin cậy Đức Chúa Trời. Anh không dám nói kết quả sẽ ra sao. Có lẽ kết quả sẽ tốt, nhưng dầu không được như vậy, anh vẫn tin. Anh cầu nguyện với Đức Chúa Trời hôm trước và Đức Chúa Trời đã ban cho anh một lời hứa. Anh biết Đức Chúa Trời đã đáp lời cầu nguyện của mình, nhưng vì một lý do nào đó, anh bắt đầu nghi ngờ khi thức dậy sáng hôm ấy. Anh lại cầu nguyện nhưng không biết làm gì. Đang khi đi bộ trên đường, anh lại bắt đầu nghi ngờ, nhưng không biết phải làm gì. Tôi bảo anh rằng sự nghi ngờ của anh không quan trọng, đức tin thật không bị sự nghi ngờ giết chết. Thật ra, đức tin thật trông có vẻ tốt đẹp hơn lên khi nó bị sự nghi ngờ vây phủ. Tôi biết ý mình muốn nói gì. Tôi hi vọng anh em sẽ không hiểu lầm tôi. Tôi không muốn anh em ra đi và nghi ngờ. Điều quan trọng là con người chúng ta, bình đất chúng ta được liên kết với báu vật của Đức Chúa Trời. Không chỉ có báu vật mà thôi.
Tôi thích đọc phân đoạn Kinh Thánh nói về lời cầu nguyện của hội-thánh đầu tiên xin cho Phi-e-rơ được thả khỏi tay những người ác. Đức Chúa Trời nghe lời cầu nguyện của họ. Khi Phi-e-rơ trở về nhà và gõ cửa, họ nói chắc hẳn đó là thiên sứ của ông (Công 12:12-15). Chúng ta có thấy đây là đức tin, tức đức tin thật không? Đức Chúa Trời nghe những lời cầu nguyện ấy, nhưng trong đó có sự yếu đuối của con người. Chúng ta không thấy họ làm gì để giấu sự yếu đuối của mình. Một số người ngày nay có đức tin lớn hơn những người ở trong nhà Ma-ri và Mác.
Họ chắc chắn Đức Chúa Trời sẽ sai thiên sứ đến phá ổ khóa nơi cửa nhà tù. Có lẽ họ giống như những người tôi đã nêu làm ví dụ vào Chúa Nhật trước. Nếu gió thổi, họ nói đó là Phi-e-rơ đang gõ cửa. Nếu mưa đập vào nhà, họ nói Phi-e-rơ đang gõ cửa. Những người này có đức tin rất lớn, nhưng những gì họ tin không xảy ra. Tôi xin   nói   cách   thẳng   thắn:   Loại Cơ-đốc-nhân ấy chỉ có thể tự mình làm nhiều điều và lừa dối một nhóm người nhẹ dạ. Những ai biết Đức Chúa Trời sẽ nói có một bình đất trong Đạo Đấng Christ. Trong Đạo Đấng Christ, báu vật ở trong bình đất. Sự nghi ngờ của con người thật là một điều đáng ghét, và đó là tội. Không có điều gì hoàn toàn ra từ bình đất mà lại được chấp nhận. Điều quan trọng không phải là bình đất, nhưng sự thật là báu vật đã được đặt vào trong đó. Chúng ta không cần cải thiện hay sửa chữa bình đất. Báu vật đã được đặt vào trong bình.
Nhiều lần chúng ta tin chắc là Đức Chúa Trời đã nghe lời cầu nguyện của mình. Trong những giây phút chúng ta cảm thấy đức tin mình mạnh mẽ nhất, thì có lẽ chúng ta cũng cảm nhận sự nghi ngờ hiện diện. Khi nghe tiếng Đức Chúa Trời rõ ràng nhất, chúng ta cũng nghe thấy tiếng của ma quỉ. Trong những tình huống như vậy, tôi cảm tạ và ngợi khen Đức Chúa Trời vì đức tin Ngài ban cho chúng ta. Đức tin này không thể thay đổi, nó vẫn hiện diện. Trước mặt Đức Chúa Trời, chúng ta có thể thấy báu vật luôn luôn được bày tỏ qua bình đất. Vinh quang của Đức Chúa Trời được bày tỏ qua bình đất.
Nhiều Cơ-đốc-nhân có một đời sống và bước đi hoàn toàn quá nhân tạo, họ không bày tỏ báu vật. Những người này chỉ có nỗ lực, sự trình diễn và hành vi bề ngoài của con người. Nhưng một nếp sống Cơ-đốc bình thường là nếp sống mà trong đó có thể có sự nghi ngờ vào những giây phút chúng ta tin chắc hơn hết. Đó là đời sống một người thấy bên trong mình yếu đuối ngay cả trong những lúc có sức mạnh lớn lao hơn hết, thấy bên trong mình sợ sệt đang khi có sự can đảm thật trước mặt Đức Chúa Trời, và bên trong ngờ vực vào những giây phút vui mừng phấn chấn. Loại nghịch lý này chứng tỏ rằng báu vật ở trong bình đất.

Sự Yếu Đuối  Của Con Người Không  Giới Hạn Quyền Năng Của Đức Chúa Trời
Cuối cùng, tôi muốn nói rằng tôi đặc biệt cảm tạ Đức Chúa Trời vì không có sự yếu đuối nào của con người có thể giới hạn quyền năng của Đức Chúa Trời. Chúng ta nghĩ gì trong lòng mình? Chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng nếu có buồn rầu thì sẽ không có vui mừng, nếu có nước mắt thì sẽ không có ngợi khen, nếu có yếu đuối thì sẽ không có quyền năng, nếu bị chèn ép tứ bề thì sẽ bị bế tắc, nếu có sự đánh ngã thì sẽ bị hủy diệt, nếu có sự nghi ngờ thì chúng ta sẽ không thể tin. Nhưng tối nay, tôi muốn lớn tiếng công bố rằng điều ấy không đúng. Đức Chúa Trời muốn chúng ta đạt đến chỗ thấy rằng mọi sự của con người chỉ là một bình đất để chứa đựng báu vật của Đức Chúa Trời. Mọi sự của con người là một bình đất dành cho báu vật của Đức Chúa Trời. Không có điều gì thuộc về con người có thể chôn vùi báu vật của Đức Chúa Trời. Chúng ta không cần phải thất vọng khi gặp những điều làm cho mình mất hi vọng. Mặc dầu chúng ta không thể thực hiện được, nhưng chúng ta nên để cho một điều gì tích cực bước vào, và khi điều ấy đến, nó sẽ chiếu sáng hơn, rực rỡ hơn và vinh hiển hơn. Nhiều lúc chúng ta nghi ngờ sau khi cầu nguyện và nghĩ rằng không còn gì nữa. Nhưng khi đức tin đến, đức tin tôn đại báu vật cho dầu sự nghi ngờ vẫn lẩn quẩn đâu đó. Đức tin làm cho báu vật vinh hiển hơn. Tôi không có ý nói đến một lý tưởng, tôi biết mình đang nói gì. Báu vật của Đức Chúa Trời có thể được bày tỏ ra qua bình đất. Đây là một nghịch lý thuộc linh, điều này quí báu cho tất cả các Cơ-đốc-nhân. Trong bối cảnh của sự mâu thuẫn thuộc linh này, chúng ta sống và học tập nhận biết Đức Chúa Trời của mình.
Đang khi đi trên con đường này, chúng ta sẽ khám phá ra sự mâu thuẫn thuộc linh vô cùng lớn lao tồn tại bên trong mình. Thời gian trôi qua, chúng ta sẽ thấy sự phân rẽ này, hố sâu ngăn cách này cứ rộng thêm mãi, sự mâu thuẫn trong chúng ta cứ càng nổi bật thêm mãi. Đồng thời, báu vật được bày tỏ ngày càng rõ ràng hơn. Bình đất vẫn là bình đất. Bức tranh này tuyệt vời biết bao! Chúng ta thấy một con người với những đặc điểm cố hữu, nhưng Đức Chúa Trời ban cho người ấy một sự kiên nhẫn vượt trổi tính kiên cường thiên nhiên của mình. Được thấy một người mà trong con người ấy Đức Chúa Trời đã đặt sự khiêm nhường vào vẫn tốt hơn là nhìn thấy một người có tánh tình trầm lặng thiên nhiên. Thấy một người mà Đức Chúa Trời đặt sự nhu mì vào bên trong tốt hơn là nhìn thấy một người yếu ớt và bất năng theo thiên nhiên. Nhìn thấy một người mà quyền năng Đức Chúa Trời ở bên trong tốt hơn là nhìn thấy một người mạnh mẽ thiên nhiên. Sự khác biệt bên trong rất lớn lao. Chúng ta có bình đất loại nào thì không mấy quan trọng, báu vật vẫn luôn luôn có thể vào bên trong. Bình đất vẫn là bình đất, nhưng bây giờ nó là một bình đất đầy dẫy. Tất cả những người yếu đuối đều nghĩ rằng họ quá nhiều "chất đất", bình của họ quá đầy dẫy đất sét và họ không còn hi vọng gì. Xin hãy nhớ rằng chúng ta không có lý do nào để thất vọng hay bối rối. Bất cứ điều gì thuộc linh, mạnh mẽ, quyền năng và đến từ Chúa đều có thể bày tỏ ra trong chúng ta, sẽ chiếu sáng càng hơn và được tôn đại qua bình đất. Vì vậy, chúng ta có thể thấy tầm quan trọng của báu vật.
Anh chị em ơi, mọi sự tùy thuộc vào báu vật. Tôi phải lặp lại rằng mọi tình huống đều xoay quanh vấn đề này. Mọi kết quả đều tích cực. Những ai chú mắt nhìn xem những điều tiêu cực là dại dột. Chúa có thể bày tỏ chính Ngài qua mọi người. Khi chúng ta có báu vật, nhiều người sẽ nhận biết điều đó.

(W. Nee)

Living Stream Ministry
2431 W. La Palma Ave., Anaheim, CA 92801 U.S.A.
P.O. Box 2121, Anaheim, CA 92814 U.S.A.

----------------------------------------------------

1 nhận xét:

  1. Nhưng chúng tôi đựng của báu nầy trong khí mạnh bằng đất, hầu tỏ ra quyền năng lớn lao quá đỗi nầy là bởi Đức Chúa Trời, chớ chẳng phải từ chúng tôi.
    (2Co 4:7)

    Trả lờiXóa