12/19/2021

BẠN NGHĨ GÌ VỀ LỄ GIÁNG SINH ?


Ngợi khen Chúa, chúng ta sẽ xem xét một đề tài liên quan đến “Lễ Giáng Sinh”, trích từ một quyển sách của anh Watchman Nee. Đây thật là thời điểm rất tốt vì chúng ta hiện đang ở trong tháng 12. Chúng ta có thể thấy nhiều buổi lễ kỷ niệm tổ chức quanh chúng ta. Là Cơ Đốc Nhân, chúng ta thật sự cần là một chứng cớ tốt đối với bên ngoài. Chúng ta nên biết về ngày tháng, đặc biệt là kỳ lễ này đã đi vào trong nhân loại như thế nào? Để rồi là những Cơ Đốc Nhân trong sự Khôi Phục của Chúa chúng ta biết cách cư xử với bạn bè, bạn học và với những ai mà cha mẹ không tin Chúa thì cũng cần có một thái độ đúng đắn với họ.

Tôi rất vui vì ở cùng với các bạn tối hôm nay để chia sẻ về chủ đề này. Trước hết, xin đọc một câu Kinh Thánh trong Giê-rê-mi 10:2-4, “Đức Giê-hô-va phán như vầy: Chớ tập theo tục của các dân ngoại, chớ sợ các dấu trên trời, mặc dầu dân chúng nghi ngờ các dấu ấy. Vì thói quen của dân ấy chỉ là hư không. Người ta đốn cây trong rừng, tay thợ lấy búa mà đẽo, rồi lấy bạc vàng mà trang sức, dùng búa mà đóng đinh vào, đặng khỏi lung lay”. Câu này rất rõ ràng phải không? Chúng ta suy nghĩ gì về câu này? Ở đây nói về cái gì? Về cây giáng sinh...đó là gì? Đó là tập tục của dân ngoại và câu này nói rằng chúng ta chớ nên tập theo cách của dân ngoại. 


Các anh chị em, chúng ta có háo hức khi hiện nay đang là tháng 12 không? Dĩ nhiên anh chị em háo hức vì đây là thời gian nghỉ lễ, nhưng nhiều người háo hức không chỉ do nghỉ lễ mà còn bởi đây là mùa giáng sinh. Mọi người rất nôn nao vì giáng sinh. Tại sao? Có lẽ vì quà tặng, vì ngày lễ hoặc vì ăn uống, hay là vì sum họp, tất cả mọi lý do. Nhưng là Cơ Đốc Nhân, chúng ta nên có thái độ gì đối với giáng sinh? Hay nói ngắn gọn, chúng ta có nên tổ chức giáng sinh hay không? Giáng sinh đối với người thế gian là một ngày đặc biệt, còn đối với chúng ta thì thế nào? Là Cơ Đốc Nhân, chúng ta có ngày đặc biệt không? Có hay Không? Trong Cựu Ước có những ngày đặc biệt, đó là những ngày nào? Lễ Vượt Qua, Ngày Sa-bát, Ngày Trăng Non…. Mỗi năm có 7 kỳ tiệc: Lễ Vượt Qua, Tiệc Bánh Không Men, Lễ Đền Tạm, Lễ Mùa Gặt, Lễ Ngũ Tuần..., một kỳ tiệc quyết định cho những ngày đặc biệt biệt trong Cựu Ước. 


Tuy nhiên, trong Tân Ước, sách Cô-lô-se chương 2 nói rằng “Đừng để ai xét đoán anh em về điều gì? Về ăn và uống, hoặc về  ngày lễ, hoặc ngày trăng non, hoặc ngày Sa-bát, ấy là bóng của những điều sẽ đến, còn thể thì thuộc về Đấng Christ”. Điều này có nghĩa gì? Có nghĩa là mặc dù trong Cựu Ước có nhiều ngày đặc biệt, nhưng trong Tân Ước, khi Chúa Jesus đến, tất cả những ngày đặc biệt này chỉ là bóng còn thực tại là Đấng Christ, Christ là thực tại của các kì tiệc, Christ là thực tại của những ngày đặc biệt. Christ là thực tại của  Tiệc Vượt Qua, ngày trăng mới, ngày Sa-bát, những kỳ tiệc. Vì hiện nay chúng ta ở trong thời kỳ Tân Ước, thế nên chúng ta có những ngày đặc biệt gì? Vâng, thực sự chỉ có 2 ngày đặc biệt trong Tân Ước. Thứ nhất là gì...? Chúa Nhật (the Lord’s day). Chúa Nhật là khi nào? Thế giới gọi là gì? Chủ Nhật. Nhưng đối với chúng ta không phải là Chủ Nhật, mà là Chúa Nhật. Vậy Chúa Nhật là ngày gì? Nó có nghĩa là ngày thuộc về Chúa. Và chúng ta sẽ làm gì vào Chúa Nhật? Chúa Nhật là ngày thứ nhất trong tuần, vì vậy đó không phải là ngày của gia đình, không phải là ngày nghỉ, không phải là ngày chơi bóng rổ, không phải là ngày mua sắm, không phải là ngày vui chơi, mà là Chúa Nhật (tức ngày của Chúa). 


Kinh Thánh nói rằng vào ngày thứ nhất trong tuần lễ, chúng ta nhóm lại để bẻ bánh, điều này có nghĩa là vào Chúa Nhật, chúng ta nên làm gì? Chúng ta nên đến với nhau để bẻ bánh. Điều thứ hai, vào Chúa Nhật, Phao-lô nói trong Kinh Thánh sách I Cô-rinh-tô rằng “Vào ngày thứ nhất trong tuần lễ, khi tôi đến, tiền dâng hiến hẳn đã được quyên rồi”, có nghĩa là vào ngày Chúa Nhật, chúng ta làm gì? Chúng ta không chỉ tham dự bàn Chúa, chúng ta cũng nên dâng hiến, đúng không? Dâng hiến của cải vật chất. Là sinh viên, các anh chị em có lẽ không kiếm được tiền, nhưng đôi lúc các bạn có tiền tiêu vặt, vậy nên vào Chúa Nhật chúng ta nên làm gì? Chúng ta nên dâng hiến cho Chúa. Cuối cùng, vào Chúa Nhật, chúng ta nên làm gì nữa? Giăng khi ở đảo Pát-mô nói rằng “Tôi ở trong linh vào ngày Chúa Nhật”. Như vậy vào ngày Chúa Nhật, chúng ta nên ở đâu? Không chỉ trong phòng nhóm, chúng ta cũng nên ở trong linh. Đó là ngày đặc biệt thứ nhất trong Tân Ước đối với Cơ Đốc Nhân chúng ta. 


Vậy còn ngày đặc biệt thứ hai? Ngày đặc biệt thứ hai là gì? Có phải là ngày giáng sinh không? Không phải giáng sinh, vậy đó là gì? Ai có thể đoán được? Đối với Cơ Đốc Nhân chúng ta, ngày đặc biệt thứ nhất là Chúa Nhật, vậy ngày đặc biệt thứ hai là gì? Là ngày của Chúa (the day of the Lord). Kinh Thánh nói như vậy, chúng ta có lẽ nói rằng nó giống nhau, nhưng nó không giống nhau. Ngày của Chúa được đề cập trong I Tê-sa-lô-ni-ca 5:2 và sau đó trong II Phi-e-rơ 3:10. II Phi-e-rơ 3:10 chép “Song ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm, bấy giờ các tầng trời sẽ có tiếng vang rầm mà qua đi, các thể chất bị lửa hừng tiêu hóa, đất và công tác trên nó đều bị đốt cả”. Vậy ngày này có giống với Chúa Nhật không? Không giống. Trong Tê-sa-lô-ni-ca chép rằng “Vì chính anh em biết rõ rằng ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong ban đêm vậy”. Vậy rõ ràng ngày của Chúa không giống như Chúa Nhật. 


Vậy ngày này của Chúa là ngày gì? Chúng chỉ về sự đến lần thứ hai của Chúa, bởi vì trong sự đến lần thứ hai này, Ngài sẽ đến như kẻ trộm. Đối với chúng ta là Cơ Đốc Nhân thì đây là những ngày đặc biệt. Trong ngày đặc biệt thứ hai này, chúng ta không thể đếm ngược. Không như giáng sinh, chúng ta có thể đếm ngược. 20 ngày trước giáng sinh. Hôm nay là ngày mấy, hôm nay là 18/12, còn bao lâu nữa thì tới giáng sinh? 19, 20, 21, 22…còn 7 ngày nữa là tới giáng sinh. Nhưng đối với ngày của Chúa, chúng ta không thể đếm ngược vì Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Nhưng theo các bạn ngày nào quan trọng hơn? Ngày giáng sinh hay ngày của Chúa. Ngày của Chúa là ngày phán xét, và sự phán xét sẽ bắt đầu từ nhà Đức Chúa Trời. 


Vậy thưa các anh chị em, nếu chúng ta muốn quan tâm đến bất kỳ ngày đặc biệt nào, chúng ta nên quan tâm đến những gì Kinh Thánh quan tâm, đó là 2 ngày, thứ nhất là Chúa Nhật, thứ hai ngày của Chúa. Điều này có nghĩa là vào mỗi Chúa Nhật, chúng ta nên ở đâu? Chúng ta nên ở trong buổi nhóm, chúng ta nên ở trong buổi nhóm bàn Chúa, và mỗi Chúa Nhật chúng ta không nên chỉ  hiện diện, nhưng chúng ta cũng nên dâng hiến, có nghĩa là chúng ta dâng chính mình cho Chúa. Chúng ta không nên chỉ có mặt thôi, mà toàn bản thể chúng ta ở trong Chúa và thứ ba là chúng ta phải ở trong linh. Thứ hai, vào ngày của Chúa, Ngài sẽ đến như kẻ trộm, vậy thì chúng ta nên làm gì? Chúng ta nên thức canh và sẵn sàng, mỗi ngày chúng ta nên sống một đời sống chờ đợi ngày của Chúa. Bởi chúng ta không biết khi nào, có thể vào ngày mai, có thể là tuần tới, có thể là sau 10 năm nữa, chúng ta không biết. Nhưng ngay lúc mà chúng ta không mong đợi, thì ngày Chúa đến. Nếu ngày Chúa đến và chúng ta không thức canh và sẵn sàng thì điều gì sẽ xảy đến cho chúng ta? Điều gì sẽ xảy đến? Anh chị em có muốn bị để lại không? Là Cơ Đốc Nhân, chúng ta nên quan tâm đến 2 ngày này.


Tiếp theo, giáng sinh là gì? Nó đến từ đâu? Bắt nguồn từ nơi nào? Có phải từ trong Kinh Thánh không? Ngày giáng sinh là ngày nào? Có phải là ngày 25/12 không? Người ta nói rằng đây là ngày sinh của Chúa Jesus. Ví dụ, anh Hans, tôi biết anh. Anh có thể cho chúng tôi biết ngày sinh của anh không? Ồ, nhưng xin đừng nói cho chúng tôi biết, đừng nói. Hễ đến ngày 25/12 chúng ta sẽ tổ chức sinh nhật cho Hans, hãy quên đi anh ấy sinh vào ngày nào. Từ bây giờ trở đi, 25/12 là sinh nhật của Hans. Hiện còn 7 ngày nữa là tới sinh nhật anh, và cứ mỗi 25/12, chúng tôi sẽ đến chúc mừnganh: “Hans, sinh nhật vui vẻ”. Anh cảm thấy thế nào? Vui không? Nhưng đó không phải là sinh nhật của anh. Trừ phi anh thật sự sinh vào 25/12. 


Các anh chị em nắm được vấn đề không? Kinh Thánh không nói cho chúng ta biết Đấng Christ sinh ra khi nào. Nếu Chúa muốn chúng ta tổ chức sinh nhật cho Ngài, Ngài hẳn sẽ nói cho chúng ta biết. Nếu tôi muốn anh em làm điều gì đó cho tôi, tôi không để anh em đoán mà tôi sẽ cho anh em biết. Hãy nhớ lại ngày trước khi Chúa chết. Chúng ta biết là có một số người chết vì tai nạn, khi người ta chết vì tai nạn, dù họ có nhiều điều trăn trối, nhưng họ không thể nói, họ có nhiều điều muốn nói, nhưng vì họ chết cách đột ngột do tai nạn xe chẳng hạn, vì thế họ không còn có cơ hội để nói lên những điều trong lòng mình. Nhưng đối với Chúa, Ngài biết khi nào Ngài sẽ chết, cái chết của Ngài không đột ngột. 


Trong đêm trước khi Ngài chết, Ngài gặp các môn đồ, và Ngài đã nói gì với họ? Ngài nói “Hãy làm điều này…”. Ngài nhóm các môn đồ lại với nhau, sau khi mọi người dùng xong bữa, dự xong Dạ Yến, Ngài lấy bánh bẻ ra đưa cho các môn đồ và nói rằng “Hãy làm điều này để kỷ niệm Ta”. Cũng một thể ấy, Ngài lấy chén, đưa cho các môn đồ mà nói rằng “Hãy làm điều này để kỷ niệm Ta”. Và cuối cùng trong Cô-rinh-tô, Phao-Lô nói chúng ta phải rao truyền sự chết của Chúa cho đến lúc Ngài đến. Như vậy, trước khi chết Chúa đã không nói “Phi-e-rơ, Gia-cơ, Giăng, các môn đồ, sau khi Ta chết, mỗi năm các anh hãy nhớ sinh nhật của Ta, Ta muốn các anh nhớ và tổ chức sinh nhật cho Ta”. Ngài đã nói như vậy, phải không? Ngài đã không nói như vậy. Ngài nói rằng “Hãy làm điều này”. Làm điều gì? Bẻ bánh. Có phải nhớ đến sinh nhật Ngài không? Thậm chí không phải nhớ đến sự chết của Ngài mà là nhớ Ngài. 


Chúng ta nhớ Ngài bằng cách nào? Chúng ta nhớ Ngài bằng cách phô bày sự chết của Ngài, chúng ta nhớ Ngài bằng cách ăn bánh và uống chén. Bánh tượng trưng cho thân thể Ngài và chén tượng trưng cho huyết Ngài. Bánh và chén tách rời ra, điều này tượng trưng cho huyết và thân Ngài phân cách. Huyết và thân thể anh em hiện có đang bị phân cách không? Khi huyết và thân thể bị chia ra, điều đó có nghĩa gì? Chết. Nó tượng trưng cho sự chết. Vì vậy, mỗi tuần khi đến với buổi nhóm bàn Chúa, chúng ta không ở đó để nhớ ngày sinh của Ngài, bởi nếu muốn thì Ngài đã vui lòng bày tỏ cho chúng ta biết rồi. Nhưng Ngài đã không làm điều đó. Ngài chỉ luôn nói “Hãy làm điều này”. Điều gì? Bẻ bánh. Khi nào? Vào Chúa Nhật. Chúng ta có nên thường xuyên làm điều này không? Hội thánh ban đầu đã bẻ bánh mỗi ngày, sau đó thì một tuần một lần vào Chúa Nhật. Như đã đề cập ban nãy, chúng ta nên làm điều này cho đến lúc Ngài đến. 


Anh em biết là trước khi Ngài chết, ý là nếu biết trước mình chết, nếu biết trước ngày mai mình sẽ chết, liệu tối  nay các anh em nghĩ rằng mình có thể nói đùa được không. Chúng ta sẽ không làm như vậy, mà hẳn sẽ nói những lời quan trọng nhất. Vậy thì, trước lúc Chúa chết, điều gì là điều quan trọng nhất Ngài đã nói? “Hãy làm điều này để kỷ niệm Ta”. Sự việc này liên quan đến 2 giai đoạn mà tôi đã đề cập ở trên. Một là vào Chúa Nhật để bẻ bánh, và hai là “làm điều này cho đến khi Ngài đến” tức ngày của Chúa. Như vậy, Chúa đã không bảo chúng ta tổ chức sinh nhật cho Ngài. 


Trong Kinh Thánh có nói về việc tổ chức sinh nhật không? Vâng, có. Nhưng thật đáng buồn khi nói rằng không phải Phi-e-rơ hay Phao-lô, không phải Đa-vít hay Áp-ra-ham tổ chức sinh nhật, không phải những người ở trong đường hướng của sự sống tổ chức sinh nhật mà những người tổ chức sinh nhật là những người ở trong đường hướng của sự chết. Người đầu tiên tổ chức sinh nhật là Pha-ra-ôn. Điều này được ký thuật trong Sáng Thế Ký, điều này xảy ra khi nào? Anh chị em hãy nhớ lại Giô-sép khi bị tù. Lúc ông còn ở trong nhà Phô-ti-pha, ông bị vợ của Phô-ti-pha cám dỗ và bỏ chạy, sau đó bị giam cầm. Quan tửu chánh và quan thượng thiện của vua Pha-ra-ôn cũng bị giam ngay sau đó. Cả hai đều nằm mơ, và Giô-sép đã giải nghĩa các giấc mơ của họ. Đó là sau 3 ngày, quan tửu chánh sẽ được thả ra trong khi quan thượng thiện sẽ bị treo cổ. Điều này đã xảy ra đúng không? Vào lúc nào? Nó xảy ra vào ngày sinh nhật của Pha-ra-ôn. Vào ngày sinh nhật đó có người đã bị hành hình. À…vậy các anh chị em có thích sinh nhật không? 


Lần thứ hai Kinh Thánh nói đến sinh nhật. Trong Kinh Thánh chỉ đề cập có 2 lần: lần đầu là Pha-ra-ôn, và Pha-ra-ôn là ai? Là vua Ai Cập, Ai Cập tượng trưng cho thế giới, vậy nên Pha-ra-ôn tương trưng cho Satan. Người thứ hai tổ chức sinh nhật là Hê-rốt, Hê-rốt đã làm gì vào ngày sinh nhật của ông? Hãy nhớ lại con gái của Hê-rốt đang lúc nhảy múa và Hê-rốt lấy làm vui lòng bèn nói với nàng rằng “Bất cứ điều gì con muốn xin dẫu là phân nửa giang sơn ta cũng cho con”, và người con gái đã bị  người mẹ lừa dối và xúi giục, vì mẹ nàng không thích Giăng Báp Tít. Còn Giăng Báp Tít là ai? Là người dọn đường cho Chúa Jesus, ông là người đến trước Jesus, giới thiệu về Jesus, ông là người đã nói “Kìa Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đấng cất tội lỗi thế gian đi”. Vào ngày sinh nhật của Hê-rốt, chuyện gì xảy ra? Con gái Hê-rốt nói rằng “Con muốn cái đầu của Giăng Báp Tít trên mâm”, nghĩa là, “con muốn Giăng Báp Tít bị treo cổ”. Hê-rốt không muốn điều đó, nhưng ông không còn sự lựa chọn nào khác, vì vậy ông giết Giăng Báp Tít vào ngày hôm đó, rồi tặng cái đầu của Giăng Báp Tít cho con gái mình. Vậy thì các anh chị em có muốn sinh nhật không? Các bạn có muốn quà sinh nhật không? Quà sinh nhật đó là cái đầu của Giăng Báp Tít.


Tóm lại. Thứ nhất, Chúa không bảo chúng ta tổ chức sinh nhật cho Ngài. Thứ hai, tổ chức sinh nhật không là điều tốt được nói đến trong Kinh Thánh. Thứ ba, Chúa Jesus không thể nào được sinh vào ngày 25/12. Anh chị em có nghĩ là Chúa Jesus được sinh ra vào ngày 25/12 không? Không thể. Tại sao không? Thứ nhất, vì trong Luca, phúc âm Luca cho thấy trước kỳ sinh nở của Mary, vua Sê-sa đã ra chiếu chỉ  kiểm tra dân số. Mọi người phải trở về quê nhà mình để đăng ký vào sổ. Chúng ta cần nhận biết vào thời đó, việc đi lại…họ không có máy bay, không có ô-tô, do đó việc đi lại vào thời đó vô cùng khó khăn. Không thể nào Sê-sa ra một chiếu chỉ như vậy vào mùa đông khi mà việc đi lại rất khó khăn. Và Mary thì thai đã lớn, đi về Bết-lê-hem vào mùa đông để đăng ký, điều này rất không logic, phải không? 


Thứ hai trong phúc âm Luca cũng đề cập đến việc khi Chúa Jesus được sinh ra, có những người chăn ở ngoài đồng và thiên sứ hiện ra với họ. Những người chăn này ở đâu? Ở ngoài đồng. Anh em nghĩ là những người chăn này ở một mình ngoài đồng sao? Không, họ ở với những con chiên. Vào tháng 12 ở xứ Palestine thời tiết đã lạnh rồi. Vì vậy, hằng năm, từ tháng 10 đến tháng 4, người chăn sẽ không dẫn chiên của mình ra đồng cỏ vì thời tiết ở bên ngoài rất lạnh, nhưng để chúng ở trong chuồng. Sách Luca nói rằng khi Chúa Jesus được sinh ra, những người chăn ở ngoài đồng, trên đồng cỏ, điều này chỉ ra rằng Chúa Jesus không thể nào sinh ra vào ngày 25/12 được. Rất sáng tỏ. Thứ nhất, Chúa không bảo chúng ta tổ chức sinh nhật cho Ngài. Thứ hai, tổ chức sinh nhật không là gương mẫu tốt được đề cập trong Kinh Thánh. Thứ ba, Chúa Jesus không thể nào sinh ra vào ngày 25/12. Và thứ tư, từ khi nào việc tổ chức giáng sinh bắt đầu. 


Anh chị em có nghĩ là sau khi Chúa Jesus chết, đã có tiệc sinh nhật của Ngài  không? Rồi lại còn có quà giáng sinh nữa. Thật ra, lịch sử cho chúng ta biết, tổ chức giáng sinh chỉ được bắt đầu vào thế kỷ thứ 4. Vậy còn việc tổ chức vào ngày 25/12 đến từ đâu?. Ngày 25/12 có nguồn gốc từ người Pagan cổ đại, họ là người tổ chức kỳ lễ ngày 25/12. Có rất nhiều người cổ đại đã tổ chức lễ vượt đông chí vào những ngày cuối tháng 12 cùng với lễ hội dành cho thần Mặt Trời. Theo cuốn Từ Điển Bách Khoa Toàn Thư Anh ngữ thì đó là một hình thức biến thể của việc tổ chức lễ hội đông chí của người Pagan. Tại bán đảo Scandinavia thuộc Na-uy, việc tổ chức lễ giáng sinh trong thời gian này nhằm kỷ niệm ngày sinh ra của mặt trời. Mặt trời, thường thì hết mùa hè ban ngày ngắn hơn, các bạn có để ý đến điều đó không. Tại Phillipines này không có mùa đông, nhưng khi tháng 12 đến, thì ban ngày ngắn hơn, do đó, dù vẫn còn rất sớm, nhưng trời đã tối rồi. Vậy, đêm dài nhất là khi nào? Có người nói là 22/12, có người lại bảo là 24/12. Nhưng ngày 25 được xem sự trở lại của ban ngày dài hơn. Vì vậy, người ta gọi đó là sinh nhật của mặt trời. Vậy thì, 25/12 không phải là ngày sinh của Chúa Jesus, thật ra nó cũng không phải là ngày sinh của mặt trời, người ta chỉ xem thấy đó là ngày mặt trời trở lại làm cho ngày trở nên dài hơn, bởi đó gọi là ngày sinh của mặt trời. 


Còn ở Ba Tư thì thế nào? Người Ba Tư tổ chức kỷ niệm ngày sinh cho thần của họ là Mithra, Thần Mặt Trời. Vào thời điểm 25/12, người Rô-ma tổ chức lễ hội Saturnalia (người La Mã Cổ), còn từ ngày 14 đến ngày 24 dành cho Sao Thổ, thần nông, đây là thời điểm ăn uống vui chơi tự do. Người Rô-ma cũng tổ chức lễ hội Brumalia (tổ tiên của người La Mã) vào ngày 25/12 như là thần sinh sản khi mà mặt trời bắt đầu mọc trở lại cùng với năng lượng và sức mạnh được đổi mới. Vậy, tóm lại ngày 25/12 là ngày gì? Đó là ngày lễ của người Pagan, ngày lễ hội dành cho Mithra, của Permalia. Người Saturnalia và người Rô-ma tổ chức Lễ Calends (là lễ năm mới của người La Mã) vào tháng 1 trong vòng 3 ngày bắt đầu từ ngày mồng 1, mọi nhà đều trang trí cây xanh và đèn kèm theo việc tặng quà cho trẻ em và người nghèo để mong được may mắn trong năm mới. Như vậy, tất cả sự thực hành giáng sinh có thể được tìm thấy trong lễ hội của người Pagan cổ đại. 


Đến năm 274 sau Chúa, hoàng đế La Mã Aurelian lập ngày 25/12 làm ngày lễ cho Sol Invictus, ngày sinh của Thần Mặt Trời. Người Hy Lạp cũng tổ chức lễ Bacchanalia vào 25/12 dành cho Bacchus, là thần rượu cùng với việc say sưa và vô đạo đức. Đó là thần rượu, đầy dẫy sự say sưa và vô luân. Người Ai Cập thì tổ chức sinh nhật cho Osiris là con trai của Isis, một nữ thần mà thời đó gọi là nữ thần của các tầng trời, vào ngày 25/12. Người Oradians tổ chức kỷ niệm ngày sinh của Thần Mặt Trăng vào ngày 25/12. Người Ba-by-lôn tổ chức sinh nhật cho thần Beiout, đấng cứu rỗi, con trai của nữ thần các tầng trời vào ngày 25/12. Anh chị em thấy đó ngày 25/12 thật sự là một ngày đặc biệt; rất đặc biệt, thậm chí  nó có trước khi Đấng Christ ra đời. Đây là ngày đặc biệt ở nhiều quốc gia, nhiều bộ tộc mà tất cả đều xuất phát từ tín ngưỡng của Pagan. 


Vậy còn nguồn gốc của Lễ giáng sinh của Cơ Đốc Nhân thì sao? Nó bắt nguồn khi nào? Như đã đề cập, nó bắt nguồn từ thế kỷ thứ 4. Vào thế kỷ thứ 2, cha xứ Clyman đưa ra suy luận rằng, nếu nói ngày 25/12 là ngày sinh của Đấng Christ là mê tín. Thậm chí  ngay từ thế kỷ thứ 2 người ta đã nghiên cứu điều này. Đến thế kỷ thứ 3, Tertulian of Paul đã thực hiện tổ chức sinh nhật cho Chúa. Một cha xứ khác nhạo báng việc này, cho rằng việc tổ chức sinh nhật cho Đấng Christ như thế là tội. Thế nên các Cơ Đốc Nhân đã còn không tổ chức sinh nhật cho Đấng Christ vào ngày 25/12 nữa, kéo dài cho đến thế kỷ thứ 4 vào năm 336 sau Chúa trong thời kỳ trị vì của Constantine tại La mã. Khi nào thì việc tổ chức giáng sinh bắt đầu? Năm 336 sau Chúa. Công giáo La Mã bắt đầu từ thế kỷ thứ 6, họ có một lịch sử lâu dài trong việc thực hành tín ngưỡng người Pagan, bằng cách đổi tên lễ hội Pagan họ đặt lại tên mang ý nghĩa Cơ Đốc Nhân. Đó là Pagan, 25/12 là ngày của Permalia, Mithra, Saturnalia, Osiris, Bacchus.... Bây giờ các tên goi này đã được đổi, không gọi như trước nữa, mà gọi là Jesus Christ. Các anh chị em nghĩ xem Chúa Jesus có thích điều này không? Đó là lý do tại sao ở Anh, trong khối cộng đồng, khi Chủ nghĩa đạo đức (Thanh giáo) cầm quyền vào thế kỷ thứ 17 thì nhiều điều luật đã được thông qua, trong đó có điều luật cho phép tổ chức giáng sinh. Anh chị em có thể tưởng tượng được không? Đó là luật, một luật cho phép tổ chức giáng sinh cách trọng thể. Còn ở New England, Thanh giáo gọi giáng sinh là sự phát minh của con người và là một sự suy bại của người La Mã, họ thông qua luật cấm tổ chức giáng sinh và xem người Hà Lan tại New Amsterdam không phải là Cơ Đốc Nhân thật vì tổ chức giáng sinh và phục sinh mà không có sự đảm bảo nào trong Kinh Thánh. 


Vậy nên, vào thời đó nếu anh em tổ chức giáng sinh, người ta sẽ nói anh em không phải là Cơ Đốc Nhân. Chỉ khi đến giữa thế kỷ cuối, thì tổ chức giáng sinh mới gia tăng cách phổ biến và trở nên thương mại hóa. Đến năm 1856, giáng sinh trở nên lễ hội mang tính pháp lý tại Massachusetts. Và giáng sinh đã chính thức trở nên lễ hội trên toàn thế giới vào năm 1856. Ô, thật là đáng buồn.

,,, 

Anh em có biết là ai tổ chức giáng sinh không? Dĩ nhiên là có Công giáo, và Lutherans. Ai không tổ chức giáng sinh? Giáo Phái Quakers, Trưởng lão, Hội Giám Lý, Báp-tít, Hội Anh Em và Hội Amis. Đó là trước đây nhưng đến cuối cùng thì tất cả đều tổ chức giáng sinh. Ngày nay, ai tổ chức giáng sinh? Mọi người đều tổ chức giáng sinh. Vậy thì chúng ta có theo họ không? Kiểu như người thế gian nói “Nếu anh em không thể đánh bại họ, thì nên dự phần với họ”. Anh chị em nghĩ thế nào? Chúng ta nên theo họ hay theo Đức Chúa Trời? Chúng ta nên làm theo họ hay làm theo Lời Đức Chúa Trời? 


Các anh chị em làm gì vào ngày giáng sinh? Giáng sinh có gì? Dĩ nhiên, thứ nhất là có cây giáng sinh. Như đã đề cập một câu Kinh Thánh lúc nãy, cây giáng sinh là tập tục của dân ngoại, và Chúa Jesus nói là chúng ta không nên làm điều đó. Khi chúng ta mang một cây giáng sinh đặt vào trong nhà mình, điều đó có nghĩa gì? Đó là thờ lạy hình tượng. Các anh chị em có lẽ nghĩ rằng hình tượng là trinh nữ Mary, là Phật, hay điều gì khác như những thần có nhiều tay và một cái lưỡi dài…. Vậy có bao giờ các anh chị em nghĩ cây giáng sinh đặt trong nhà mình là hình tượng không? Thứ hai, vào giáng sinh, một thứ mà khiến cho trẻ em cảm thấy rất thích thú là gì? Những món quà. Khi nào thì việc trao quà bắt đầu? Việc trao quà có nguồn gốc từ Người La Mã Saturnalia vào lễ hội năm mới vào tháng một. Nó bắt nguồn từ việc các nhà thông thái tặng quà cho Chúa Jesus. Anh chị em biết không, Kinh Thánh nói là những nhà thông thái, không nói là ba vua. Kinh Thánh chỉ nói các nhà thông thái, không nói là có 3 người, và Kinh Thánh nói có 3 món quà. Có 3 món quà, điều đó không có nghĩa là có 3 nhà thông thái. Có thể là một người với ba món quà, cũng có thể là 5 người với ba món quà, nhưng dù sao thì Kinh Thánh cũng không cho biết là có bao nhiêu nhà thông thái và chắc chắn họ không phải là vua. 


Thứ hai, khi họ mang đến những món quà là vàng, nhũ hương và mộc dược. Họ đã trao những món quà này cho nhau phải không? Họ trao nó cho ai? Cho Chúa. Vậy làm thế nào mà trong suốt giáng sinh các anh chị em lại trao quà cho nhau. Nếu thật có sự trao quà thì các anh  chị em nên đem tất cả quà của mình vào thùng dâng hiến và dâng cho Chúa, tại sao lại trao đổi quà cho nhau? Việc trao đổi quà có ở trong Kinh Thánh không? Có, nhưng nó chưa xảy ra. Nó sẽ xảy ra trong Khải Thị, khi 2 chứng nhân chết, người ta vui mừng và trao qua cho nhau. Hai chứng nhân này là ai? Đó là Môi-se và Ê-li. Vào thời kì của Anti-christ, người ta sẽ vui mừng, vì cuối cùng hai chứng nhân này đều chết. Và họ bắt đầu trao quà cho nhau. Vậy khi trao quà cho nhau, điều đó không chỉ là chúng ta không trao quà cho Đấng Christ, nhưng như thể là chúng ta tổ chức ăn mừng Anti-christ. Đó là ký thuật từ trong Kinh Thánh. 


Bởi  họ căn cứ vào việc các nhà thông thái dâng lễ vật lên cho Chúa nên họ bắt đầu tặng quà cho nhau. Người Rô-ma nhân dịp này tặng quà cho bạn bè và trẻ em. Rồi người ta cũng tặng quà cho các nhà cầm quyền. Quà tặng cho các bậc cầm quyền càng có giá trị hơn như vàng, bạc, quần áo và tượng của các thần và các nữ thần. Rồi lại còn búp bê nữa, các chị em có thích búp bê không? Búp bê là một lễ vật được dâng lên cho Sao Thổ như một lời nhắc nhở về sự hy sinh của con người. Nếu các bạn nhận được một con búp bê, các bạn được nhắc nhớ về sự hy sinh của con người. Các anh chị em có biết ai là người vui nhất trong việc tặng quà này không? Nếu không phải trẻ em thì ai là người vui nhất? Satan…dĩ nhiên rồi, nhưng giữa vòng loài người, ai là người vui nhất? Là chủ các cửa hàng bách hóa. Họ vui nhất vì kinh doanh tốt, mọi người đều đến và mua, họ sẽ thu được nhiều tiền, có được nhiều lợi nhuận. Các anh chị em nghĩ mình là người vui nhất sao? Không, các bạn không vui đâu. Thật sự là như vậy. 


Thứ ba, chúng ta có gì vào ngày giáng sinh? Ông già Noel. “Ông già Noel đang đến, em nhỏ hãy coi chừng, em đừng nên khóc nữa, ông ấy sẽ đến thị trấn của chúng ta. Ông già Noel có thể thấy bé khi bé đang ngủ, kể cả lúc bé thức dậy ông cũng biết đó” (bài hát Santa Claus is coming to town). Ông biết mọi người khi mọi người thức, vậy chẳng phải ông ấy là Chúa à? Ông biết mọi sự và ông biết mọi người. Đó chẳng phải là một ví dụ tốt về một thần tượng thay thế Đấng Christ sao? Anh chị em có biết nguồn gốc của ông già Noel không? Nó bắt nguồn từ huyền thoại phương Bắc, nói rằng nữ thần Hertha đã hiện ra ở những vùng xa xôi hẻo lánh để mang may mắn đến cho những gia đình. Tại sao ông già Noel không vào nhà bằng cách đi qua cổng mà lại phải đến từ ống khói? Ngày nay thì nhà không còn ống khói nữa, vậy thì ông chẳng có cách nào để mà vào nữa. 


Thứ hai, ông già Noel đến từ đâu? Đến từ thánh Ni-cô-las, ông là thánh dành cho trẻ em thuộc Công giáo. Nhưng thật ra sự tồn tại của ông chỉ là một huyền thoại, không có một tài liệu lịch sử nào chứng thực điều này. Vậy, thực sự có thánh Ni-cô-las trong lịch sử không, chúng ta không biết, bởi vì không có tài liệu lịch sử, không có bản ghi chép nào còn lại về thánh Ni-cô-las. Các thủy thủ Hà Lan tại New York đã thay thế Ni-cô-las thành ông già Noel, một dạng thuật sĩ nhân từ. Các anh chị em thích thuật sĩ không? Nó có liên quan đến hình tượng. 


Thứ tư, chúng ta có gì trong lễ giáng sinh? Tiệc giáng sinh. Năm nay các anh chị em có tham dự tiệc giáng sinh không? Tiệc giáng sinh bắt nguồn từ đâu? Tiệc giáng sinh có nguồn gốc từ người Rô-ma Saturnilia, đó là kỳ tiệc kéo dài trong 5 ngày, rồi sau đó đến 7 ngày tương ứng với lễ hội say rượu dành cho Bacchus ở Ba-by-lôn. Người ta làm gì trong những bữa tiệc này? Tất cả các công việc cũng như hoạt động kinh doanh đều đình lại. Có khi các văn phòng, ngân hàng chỉ làm việc tới 3h. Tại sao? Vì tiệc giáng sinh. Thế nên tất cả các công việc đều hoãn lại, và sự say sưa bộc lộ, các giới hạn về đạo đức, luân lý bị phá bỏ. Vào thời nô lệ, không như ngày nay không còn nô lệ nữa, trong dịp giáng sinh nô lệ được tạm thời tự do nói và làm những gì họ thích như không vâng phục chủ hoặc nhạo báng chủ và bắt chủ phải vâng phục mình. Đó là lý do tại sao mọi người đều thích tiệc giáng sinh, sự chế nhạo, sự đùa cợt phơi bày ra. Ngày nay còn có cả xổ số nữa, rồi những buổi tiệc đường phố. 


Trong thời kỳ đen tối của Công giáo La Mã, những buổi tiệc rượu giáng sinh say sưa được các vị vua cai trị tồi tệ và sa bại công bố. Vậy thì anh chị em nghĩ gì về tiệc giáng sinh? Đó là sự phóng đãng, sự gian dâm, sự say sưa, ở đó mọi hành vi của xác thịt được biểu lộ. Anh em nghĩ rằng một Cơ Đốc Nhân ở đó là đúng đắn sao? Các anh em biết không, tôi đã tốt nghiệp phổ thông trung học 24 năm, năm tới sẽ là 25 năm. 24 năm qua, tôi không có nhiều cuộc gặp mặt bạn bè. Nhưng vì năm tới sẽ là năm bạc, nên bạn bè tôi rất hăng hái, họ đã tổ chức một cuộc gặp mặt ngày 6/12 vừa rồi, và họ mời tôi tham dự. Tôi rất thích đi bởi vì tôi đã không gặp những người bạn hồi Phổ thông nhiều năm rồi. Nhưng khi họ gọi đó là tiệc giáng sinh, và bởi vì điều đó nên tôi nói với họ là tôi không thể đến. Thật ra, nếu chỉ là một buổi họp mặt suông, tôi chắc sẽ đi, nhưng vì họ đã thay đổi thành tiệc giáng sinh, nên tôi không đi nữa. 


Chúng ta có gì vào ngày giáng sinh nữa? Có cây tầm gửi, cây ô-rô, cây lá xanh, tất cả đều từ Pagan. Dĩ nhiên, đây là thời điểm của giáng sinh, Kinh Thánh nói chúng ta phải từ chối, chúng ta phải lìa bỏ những gì có liên quan đến hình tượng. Trong II Cô-rinh-tô 7 chép rằng: “Vậy, anh em yêu dấu ơi, vì chúng ta đã có lời hứa dường ấy, thì hãy làm cho mình sạch khỏi mọi sự ô uế của xác thịt và của tâm linh, lấy lòng kính sợ Đức Chúa Trời mà làm cho trọn sự thánh khiết”. Vì vậy, thưa các anh chị em, dầu rằng không có sự dạy dỗ rõ ràng nào trong Kinh Thánh bảo chúng ta không nên tổ chức giáng sinh, nhưng có một lời rõ ràng rằng chúng ta phải làm cho mình sạch khỏi mọi sự ô uế, và tránh khỏi mọi hình tượng. 


Vậy, bây giờ tùy thuộc vào các anh chị em, chúng tôi không nói rằng nếu anh chị em tổ chức giáng sinh, thì ngày mai đừng đến buổi nhóm nữa, chúng tôi không nói như vậy. Chúng ta không loại trừ anh chị em nếu thấy anh chị em tham dự vào tiệc giáng sinh. Vậy nên, thưa anh chị em, đừng đi ra và xét đoán những người tham dự tiệc giáng sinh. Và khi đến nhà thăm các thánh đồ, nếu thấy có cây giáng sinh ở đó, có lẽ một số người gia đình chưa được cứu, vậy đừng nên nói “Anh ơi, đó là hình tượng, hãy dẹp bỏ đi”, đừng làm như vậy. Chúng ta không ở đây để xét đoán người khác, sứ điệp này không để chúng ta xét đoán bản thân hay xét đoán người khác nhưng để cho chúng ta loại đi những ngăn trở. Thưa các anh chi em, chúng ta cần biết đời sống Cơ Đốc Nhân của chúng ta là một cuộc đua, chúng ta đang chạy cuộc đua này. Cuộc đua này là gì? Là Marathon, nó không phải là 100 mét. Khi nào chúng ta kết thúc cuộc đua này? Chúng ta sẽ kết thúc cuộc đua này vào lúc chúng ta chết hoặc lúc Chúa trở lại. Anh em đã hoàn thành cuộc đua này chưa? Phao-lô đã nói “Tôi không kể mình đã giựt được đâu, duy cứ làm một điều, quên những sự ở đằng sau, vươn theo những sự ở đằng trước”. 


Ông cũng khuyên “Thế thì, vì chúng ta đã có nhiều người chứng kiến vây quanh như đám mây rất lớn dường ấy, chúng ta nên cởi bỏ hết mang nặng và tội lỗi dễ vấn vương ta, nhẫn nại mà chạy theo cuộc đua đã bày ở đằng trước ta”, ông cũng nói rằng  “Anh em há chẳng biết rằng những kẻ chạy nơi trường đua đều chạy cả, nhưng chỉ một người được giựt giải sao? Giải thưởng mà họ nhận là mão miện hay hư nát, nhưng giải thưởng chúng ta nhận lãnh là mão miện chẳng hay hư nát”. Và kết thúc điều này ông nói “Ta đã đánh trận tốt đẹp, ta đã chạy xong cuộc đua, ta đã giữ được đức tin”. Vậy thưa anh chị em, ngày nay chúng ta đang ở trên cuộc đua này. 


Trên cuộc đua này có trên nhiều khía cạnh, ở đây tôi chỉ đề cập đến một khía cạnh, đó là trên cuộc đua này như Phao-lô đã nói, chúng ta phải gạt bỏ hết những gì ngăn trở và những tội lỗi cản ngăn chúng ta. Nếu chúng ta phạm tội, điều này sẽ ngăn trở chúng ta khỏi cuộc đua. Cũng có thể có nhiều điều khác không phải là tội, nhưng đó là những rào cản, là sự lãng phí trên cuộc đua, nó sẽ kéo chúng ta trở lại, như là một mớ hỗn độn. Trên cuộc đua này, người chạy sẽ mặc gì? Có người sẽ mặc rất ngắn, có người rất hời hợt, hời hợt trong cách ăn mặc. Thật, người chạy đua cách nghiêm túc sẽ tự hỏi liệu cách ăn mặc này có phù hợp không? Họ sẽ làm gì nữa? Không mang theo bất cứ thứ gì. Họ chắc hẳn không mang bất cứ điều gì bởi nó sẽ làm chậm cuộc đua của họ. Nếu chúng ta tổ chức giáng sinh, đó có phải tội không? Đó là tội. Nhưng thậm chí nếu điều ấy không phải là tội, thì đó là một phương cách được đem vào khiến cho chúng ta chạy chậm lại. Cho nên, anh em có thể nói: tôi sẽ đi đến buổi nhóm, và tôi sẽ đi đến tiệc giáng sinh. Tôi sẽ tham dự hội đồng, và tôi cũng sẽ tặng quà cho nhau. Chúng ta đang làm gì vậy? Chúng ta đang chạy nhiều ngã. Điều gì sẽ xảy ra? Chúng ta sẽ bị chậm lại. Chúng ta bị xao lãng, không chú tâm đến giải thưởng.Tôi không có ý nói anh chị em hãy bỏ mọi sự về giáng sinh đi, vì nếu bỏ giáng sinh đi thì sẽ không có Đấng Christ, và rồi chúng ta không có gì cả. 


Những gì chúng ta cần làm không phải là bỏ đi giáng sinh (Christmas) mà chúng ta cần bỏ mas, đừng bỏ Christ. Anh Lee nói rằng chúng ta không cần -mas, chúng ta chỉ cần Christ, giống như chúng ta không cần -anity (trong chữ Christianity), là sự hư không của Cơ Đốc Giáo (vanity of Christianity), chúng ta chỉ cần Christ. Thưa các anh chị em, hãy theo đuổi Christ, hãy giựt lấy Christ, hãy đổ đầy Christ, hãy chìm ngập trong Christ. Khi chúng ta có Christ, vui hưởng Christ, chúng ta chẳng còn vị giác cho tiệc giáng sinh, không còn vị giác cho việc tặng quà, chẳng còn vị giác cho ông già Noel, cho những đôi vớ hay những con búp bê…. Không còn vị giác cho các buổi tiệc. Mối quan tâm duy nhất của chúng ta là Christ. Nguyện Chúa đổ đầy chúng ta bởi chính Christ. Nguyện tất cả chúng ta đều chạy, để tất cả đều giựt được giải. Bằng cách nào? Giữ 2 ngày đặc biệt, thứ nhất là Chúa Nhật và thứ hai là chờ đợi ngày của Chúa.


 (Lời chia sẻ của một anh em từ Philippines)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét