Pages

8/04/2011

NGHIÊN CỨU TÀ GIÁO TRONG LỊCH SỬ (TK I - TK V)

I. CÁC TÀ GIÁO THỜI SỨ ĐỒ
          1. Tà Giáo Ebionism (Phái Nghèo Khổ)
          2. Phái Essence (Phái Khổ Tu)
          3. Phái Docetism (Phái Dường Như, Phái Hư Ảo)
          4. Thuyết Cerinhthus (Thuyết phủ nhận thần tánh Đấng Christ)
 
II. NHỮNG TÀ GIÁO SAU GIÁO HỘI NGHỊ NICEA
          1. Trí Huệ phái (Gnosticism).
          2. Thuyết Origen (Origenism)
          3. Thuyết Marcion (Marcionism).
          4. Duy Nhất Thần Thuyết (Monarchianism)
          5. Thuyết Montanus (Montanism)  
          6. Thuyết Arius (Phủ nhận Christ đồng đẳng với Cha)
          7. Thuyết Pelagius (Pelagianism) 

-----------------------------------------------------------------------------------------


NỘI DUNG
 
I. CÁC TÀ GIÁO THỜI SỨ ĐỒ
 
Sứ đồ là những người thấy tận mắt những điều Chúa Jêsus đã làm. Vì vậy phúc âm mà họ rao truyền luôn có thẩm quyền thật. Họ cũng có thể phán đoán đâu là những câu chuyện thật hư về Chúa Jêsus.
Nhưng trong thời các sứ đồ thi hành chức vụ cũng có những tà giáo chống lại Hội Thánh như phái Êbibônít, Essen, Docetism, Cerinthus… Mục đích của các tà giáo là làm sai lệnh phúc âm mà các sứ đồ đã rao truyền.
Trong chương trước chúng ta đã nghiên cứu về các quan điểm tà giáo và các sứ đồ đã xử lý chúng như thế nào. Vì vậy, trong chương này chúng ta nghiên cứu nội dung quan trọng của tà giáo. Điều này giúp ích cho Hội Thánh trong hiện tại. Vì hình thức và danh xưng của tà giáo luôn thay đổi nhưng bản chất bên trong của tà giáo và phương cách chống tà giáo của Hội Thánh vẫn không thay đổi.
 
1. Tà Giáo Ebionism (Phái nghèo khổ)
Một trong những bất đồng trong Hội Thánh đầu tiên là giữa Cơ-đốc nhân Do Thái và Cơ-đốc nhân Hi Lạp. Những tín đồ đến từ Do Thái giáo cho rằng con người không chỉ được cứu bởi đức tin mà còn phải giữ luật pháp và truyền thống của họ. Nhưng những tín đồ ngoại bang cho rằng chỉ cần Chúa Jêsus để cứu là đủ.
Ebionism là một tà phái giữa vòng Cơ-đốc nhân Do Thái. Ebion là người sáng lập ra tà phái này. Tên của ông có nghĩa là “nghèo khổ” theo tiếng Hê-bơ-rơ. Họ cho rằng Đấng Chist và các sứ đồ đều là người nghèo nên họ bắt chước sống như vậy.
Quan điểm về Đấng Christ của phái này là sai lầm. Theo họ dù Chúa Jêsus thuộc dòng dõi Đa-vít, là Đấng Mê-si-a theo lời hứa nhưng Ngài vẫn chỉ là một người mà thôi. Họ phủ nhận sự giáng sinh của Ngài bởi nữ đồng trinh và thần tánh của Ngài. Họ cho rằng phải giữ phép cắt bì và các nghi lễ theo luật pháp là điều kiện cần thiết để được cứu.
Trong các sách phúc âm họ chỉ sử dụng sách phúc âm Ma-thi-ơ vì bao gồm các yếu tố của Do Thái giáo. Họ nhấn mạnh sự tái lâm rất gần của Chúa Jêsus, sau sự tái lâm sẽ có Nước 1000 năm bình an trên đất với Giê-ru-sa-lem là trung tâm.
Sứ đồ Phaolô cảnh báo về tà giáo này trong Ga-la-ti 1:7-9; Công 15:1-2 Tà giáo này bị biến mất sau 5 thế kỷ tồn tại. Đây là tà giáo xem trọng luật pháp và phủ nhận thần tánh của Chúa Jêsus.
 
2. Phái Essence khổ tu
          Phái Essence là một tên gọi chỉ về một cộng đồng Do Thái đã từng hiện diện tại Palestine đương thời Chúa Jêsus. Phái này là một trong ba nhóm Tân chính thống của Do Thái giáo cùng với phái Pharisi và Sađusê. Họ giữ luật pháp cách nhiêm ngặt và hoàn toàn cách ly với người ngoại bang.
          Phái này đã lập thành một cộng đồng để đề cao sự biệt lập của tuyển dân Đức Chúa Trời. Họ có chế độ quản lý tài sản chung và né tránh việc kết hôn, khổ tu cách cực đoan. Các thành viên của phái này được huấn luyện theo kinh Torah (Ngũ Kinh) cách nghiêm ngặt như một người lính tình nguyện (Phục 23:9-14; Lê-vi 15:18). Nhưng họ quá nghiêng về khổ tu và duy luật pháp nên được xem như là tà giáo. Tuy nhiên về điều này thì các học giả cũng có những quan điểm khác nhau.
 
3. Phái Docetism (Phái Dường Như, P hái Hư Ảo)
          Ebionism là tà giáo thuộc Do Thái giáo nhưng Docetism là tà giáo thuộc triết học Hi Lạp kết hợp với triết học Trí huệ phái do Nicholas là một trong bảy chấp sự trong Công vụ 6. Ông đã cải đạo từ Cơ-đốc giáo qua Do Thái giáo rồi trở lại Cơ-đốc giáo và trở nên chấp sự Hội Thánh đầu tiên. Nhưng ông không thể hoàn toàn thoát khỏi tư tưởng Hy Lạp. “Đảng Nicholas” đề cập về Hư Ảo thuyết bị lên án trong Khải 2:6,15.
         Hư Ảo thuyết dựa trên quan điểm cho rằng vật chất là xấu. Vì vậy, thân thể của Đấng Christ hoàn toàn là thuộc linh. Thịt và huyết Chúa Jêsus không phải là thật mà là ảo giác mà thôi. Theo thuyết này thì Đấng Christ chỉ dường như là con người nhưng thật ra Ngài không có thể xác hoàn toàn như con người. Theo họ sự thương khó của Chúa trên thập tự giác chỉ là một điều phi thực tế, chỉ trong tưởng tượng mà thôi.
          Về tà giáo này là sứ đồ Phao-lô nhấn mạnh rằng Đấng Christ thật sự mặc lấy xác thịt và sanh ra bởi người nữ (Gal 4:4; Rôma 1:3, 9:5). Sứ đồ Giăng cũng tuyên bố kẻ nào chối bỏ việc Đấng Christ mặc lấy thể xác thì đó chính là lẻ chống lại Đấng Christ (IGiăng 2:22; IGiăng 1:1-3, 4: 1-4; IIGiăng 1:7…).
          Thuyết Hư Ảo ảnh hưởng nhiều đến những Hội Thánh dung túng cho tội tà dâm và gây ra nhiều nan đề. Đã có hai hiện tượng cực đoan giữa vòng tà giáo này. Đó là một số trong vòng họ sống chìu theo khoái lạc, tội lỗi xác thịt, số khác thì lại khắc kỷ, khổ tu.
          Theo quan điểm Cơ-đốc thì thể xác không phải là ác, linh không phải là thiện. Nhưng con người được tạo bởi linh hồn và thể xác (ITês 5:23). Tất cả mọi điều đến từ Đức Chúa Trời nên tất cả đều tốt lành.
          Ngày nay, chứng nhân Giê-hô-va là một tà giáo bị ảnh hưởng bởi Hư Ảo thuyết. Họ hoàn toàn phủ nhận sự thương khó và sự sống lại thân thể với linh hồn. Theo họ chỉ linh hồn sống lại.
 
4. Thuyết Cerinhthus (Thuyết phủ nhận thần tánh Đấng Christ)
          Cerinhthus là người Do Thái, sanh ra tại Ai Cập. Ông chống lại sự dạy dỗ của sứ đồ Giăng. Ga-la-ti là nơi ông hoạt động.
          Theo truyền thuyết thì ông đã lên án Phi-e-rơ mạnh mẽ vì Phi-e-rơ ăn chung với người ngoại bang (Công 11:2). Cerinhthus cũng là người từ Giê-ru-sa-lem đến An-ti-ốt khiến cho Hội Thánh tại đó bối rối, tranh cãi (Công 15:1, 23-24).
          Ngoài ra, nhóm ông cũng chống lại Phao-lô đem Trô-phim là người ngoại bang vào làm ô uế đền thờ Giê-ru-sa-lem, gây kích động dân chúng để bắt Phao-lô bỏ tù (công 21:27). Nên Phao-lô và những người đồng công đã lên án nhóm Cerinhthus là những “sứ đồ giả” (IICô 11:13), “anh em giả dối lẻn vào trong Hội Thánh” (Gal 2:4).
          Cerinhthus là người đã hạ thấp quyền tể trị của Chúa mà tôn cao tri thức con người, pha trộn chủ nghĩa cá nhân với quan điểm logic. Ông phủ nhận sự giáng sinh và phục sinh của Chúa Jêsus, chỉ công nhận những phép lạ của Chúa Jêsus mà thôi.
          Theo ông thì từ lúc Chúa Jêsus chịu Báp-tem qua Giăng Báp-tít thì Đức Thánh Linh mới giáng xuống trên Ngài để trở nên Đấng Christ. Sau đó Chúa Jêsus mới có thể làm nhiều phép lạ bởi Đức Thánh Linh. Nhưng khi Chúa Jêsus chịu chết dần dần như một người bình thường.
          Sứ đồ Giăng đã lên án mạnh mẽ Cerinhthus và cảnh báo Hội Thánh trong IIGiăng 1:10 rằng: “Nếu ai đến cùng các ngươi mà không đem đạo ấy theo, thì chớ rước họ vào nhà, và đừng chào hỏi họ”.
 
II. NHỮNG TÀ GIÁO SAU GIÁO HỘI NGHỊ NICEA
 
1. Trí Huệ phái (Gnosticism).
          Trí Huệ phái là một tà giáo tiêu biểu ảnh hưởng nhiều đến Cơ-đốc giáo thời kỳ đầu. Nguồn gốc phát sinh tư tưởng này rất phức tạp. Đây là sự pha trộn của nhiều tôn giáo như Do Thái giáo, triết học Hi Lạp, thần bí giáo Đông Phương, Cơ-đốc giáo… Tuy cùng Trí Huệ phái nhưng cũng có nhiều nhánh khác nhau tùy thuộc vào việc họ nhấn mạnh điểm nào trong số đã kể trên.
          Từ “Trí Huệ phái” có nghĩa là tri thức theo từ vựng “Gnostic”. Theo họ, vật chất là ác nên Đức Chúa Trời là thiện nên không hề liên quan đến vật chất. Nhưng chúng ta biết rằng con người có thể xác và có mối tương giao với Đức Chúa Trời. Theo Trí huệ thì Đức Chúa Trời là thiện, thì không thể nào tương giao với con người mang thể xác xấu xa. Đây chính là vấn đề mà họ đặt ra.
          Trí Huệ phái dần dần thu hút nhiều Cơ-đốc nhân, đặc biệt là thu hút bởi quan điểm Jêsus Christ là Con Đức Chúa Trời. Ngài vừa là Đức Chúa Trời vừa là con người. Nghĩa là Chúa Jêsus bày tỏ chân lý qua sự sáng tạo và qua sự cứu rỗi con người. Vì vậy phẩm cách và công tác của Chúa Jêsus nằm một phần trong giáo lý của Trí Huệ phái. Như vậy họ có pha trộn Cơ-đốc giáo vào trong quan điểm họ.
          Theo họ, Chúa Jêsus trở nên sứ điệp thiên thượng, là Đấng ban tri thức cứu rỗi cho con người. Vì vậy, Chúa Jêsus đến thế gian đã mở ra một kỷ nguyên cho tư tưởng họ, truyền tri thức mầu nhiệm. Hầu hết những người theo Trí Huệ phái chủ trương rằng thân thể, vật chất đều là ác nên Đấng Christ là sứ điệp thiên thượng không thể mặc lấy thể xác con người. Họ phủ nhận sự giáng sinh của Chúa Jêsus bằng thể xác, cho rằng sự thương khó của Ngài chỉ là ảo giác, dường như mà thôi. Khi đó linh hồn Chúa Jêsus trở về trời.
          Theo họ, trong sự sáng tạo thì sự tồn tại của tri thức không thuộc về thế giới vật chất. Ban đầu Đức Chúa Trời chỉ sáng tạo ra thế giới thuộc linh gồm 365 tầng. Trong đó có một tầng bị tách ra xa, bị cô lập, cuối cùng lưu xuất ra thế giới vật chất. Vì vậy, thế giới vật chất không do Đức Chúa Trời trực tiếp tạo ra nên đầy xấu xa và tội lỗi, bất ổn.
          Vậy, con người sống trên đất sẽ như thế nào? Theo họ thì thứ nhất thể xác là ngục tù của linh hồn khiến cho sức lực của thể xác giảm bớt. Trái lại một số người cho rằng linh hồn, tinh thần vốn là thiện không hề bị hủy hoại nên không bị ảnh hưởng của thể xác dù một người phó mình theo tình dục. Vì thế đã có một số người trí huệ phái theo khuynh hướng khoái lạc, số khác thì theo khổ tu.
          Trong suốt hai thế kỷ đầu Trí Huệ phái là một tà giáo ảnh hưởng nhiều đến Cơ-đốc giáo. Sứ đồ Giăng và giáo phụ Ignatius đã kịch liệt chống lại tà giáo này theo lập luận của thần học chính thống. Vì tà giáo này đã phủ nhận sự sáng tạo, sự nhập thể, sự sống lại, sự cứu rỗi là trọng tâm của đức tin Cơ-đốc.
 
2. Thuyết Origen (Origenism)
          Origen là giáo phụ của thành Alexandria (185-254 AD), là nhà thần học đầu tiên hệ thống hóa giáo lý Cơ-đốc cùng với sự kết hợp triết học Platon. Nhưng ông chủ trương tà giáo nên bị trục xuất ra khỏi Alexandria và giáo lý ông bị ngăn cấm.
          Ông chủ trương:
            - Linh hồn tiền tại do ảnh hưởng của Platon.
            - Thần tánh và nhân tánh của Đấng Christ hiện hữu trước giáng sinh.
                        - Thể xác con người được biến hóa để trở nên xác thịt đời đời qua sự sống lại của Đấng Christ.
                        - Cuối cùng, tội nhân, thậm chí cả Satan và các ác linh cũng đều được cứu rỗi.
          Hơn nữa ông cũng đưa ra thuyết đền bù cho Satan. Theo ông, để giải cứu linh hồn con người khỏi quyền lực ma quỷ do tội lỗi thì Chúa Jêsus phải trả thay bằng sự chết của Ngài cho Satan. Nhưng Hội Thánh chính thống chống lại thuyết này khẳng định là sai lầm. Hội Thánh chỉ chấp nhận sự chết của Chúa Jêsus là để thỏa mãn đức công nghĩa của Đức Chúa Trời. Origen cũng chủ trương sai lầm là sự thánh hóa trọn vẹn một người khi còn sống trên đất. Theo ông thì có những tín đồ trưởng thành đến mức cao siêu được trở nên thiên sứ, trở nên như những ngôi sao sáng láng vậy.
 
3. Thuyết Marcion (Marcionism).
          Marcion ra đời tại Sinope thuộc Pontus, phía nam biển Đen. Ông là con một giám mục nên từ nhỏ đã quen thuộc với giáo lý Cơ-đốc. Nhưng ông không thỏa lòng về Do Thái giáo và thế giới vật chất. Năm 140 ông đến Rô-ma tiếp cận với Trí Huệ phái, từ đó ông mới tìm ra lời giải đáp. Ông truyền bá một giáo lý khác với sự dạy dỗ của Hội Thánh Rô-ma nên bị cách chức khỏi Hội Thánh Rô-ma. Đến năm 144 trở nên lãnh đạo của cộng đồng tà giáo Marcion. Dù giáo lý ông tương đồng Trí Huệ phái nhưng cũng có những quan điểm không giống nên có thể xem là một tà giáo khác.
          Tà giáo Marcion bắt nguồn từ Phần Thần luận. Họ tách rời Cựu Ước ra khỏi Tân Ước trong Phần Thần luận. Đức Chúa Trời trong Cựu Ước là thần của sự báo ứng và công bình. Nhưng Đức Chúa Trời trong Tân Ước là thần của tình yêu, là thiện. Thần trong Cựu Ước là ác nên sáng tạo thế giới vật chất gian ác, đòi hỏi sự báo ứng công bình nên bất ổn. Vì vậy, Ngài chỉ lựa chọn một trong số nhiều dân tộc cách độc đoán. Khi lầm lỗi thì phải bồi thường mắt đền mắt, răng đền răng. Trái lại, trong Tân Ước thì Đức Chúa Trời dạy về sự tha thứ, nhân từ và tình yêu cho con người. Marcion tách riêng hai Đức Chúa Trời trái nghịch nhau rất rõ ràng như luật pháp và ân điển, Tân Ước và Cựu Ước, Israel và Hội Thánh. Phúc Âm và Hội Thánh Tân Ước thuộc về Đức Chúa Trời thiện.
          Ông cũng chủ trương rằng thần trong Tân Ước xuất hiện để giải phóng con người dưới quyền lực của thần trong Cựu Ước. Dĩ nhiên Đức Chúa Trời là thần thiện nên Ngài không có thân thể vật chất, chỉ nhìn thấy Ngài dường như là con người (Hư Ảo thuyết). Dù sao đi nữa Đức Chúa Trời đã hi sinh Đấng Christ công bình nên đã tự vi phạm luật pháp Ngài. Do đó nhiều linh hồn tội nhân đáng lẽ phải bị ném xuống địa ngục thì sẽ được cứu để đền bù cho Chúa Jêsus.
          Đấng Christ xây dựng Vương Quốc bằng nhiều linh hồn thoát khỏi thế giới vật chất nhưng thường trong Cựu Ước lại xuất hiện việc xây dựng Vương quốc Thiên Hi Niên triên đất, chống lại Vương Quốc thuộc linh của Christ.
          Vì vật chất là ác nên không hề có sự tái lâm hoặc sự sống lại bằng thể xác. Việc mặc lấy thân thể vật chất làm như thế nào nhận được sự sống đời đời? Vì vậy, sự cứu rỗi chỉ được thực hiện qua linh hồn mà thôi.
          Marcion phủ nhận cả Cựu Ước, chỉ chấp nhận phúc âm Lu-ca và 11 thư tín của Phao-lô là Kinh Điển trong Tân Ước.
 
4. Duy Nhất Thần Thuyết (Monarchianism)
          Thuyết này chỉ chấp nhận một Đức Chúa Trời, phủ nhận đức tin dựa trên Đấng Christ và giáo lý Ba Ngôi Đức Chúa Trời trong thời Hội Thánh đầu tiên. Họ cho rằng Đấng Christ và Đức Thánh Linh chỉ là năng lực và thuộc tính của Đức Chúa Trời chớ không phải là Thân Vị của Đức Chúa Trời. Theo họ, Chúa Jêsus cũng chỉ là một người bình thường nhưng khi chịu Báp-tem Đức Chúa Trời đã đổ trên Ngài một năng lực đặc biệt để thi hành công tác. Nhưng khi chịu chết thì Ngài dâng thần tánh lên cho Đức Chúa Trời. Quan điểm này là sai lầm khi Chúa Jêsus chính là Đức Chúa Trời.
 
5. Thuyết Montanus (Montanism)  
          Quan điểm này khác biệt với Trí Huệ Phái và Marcion, họ tin một Đức Chúa Trời, một Chúa Jêsus Christ, nhưng Hội Thánh chính thống không chấp nhận nhóm này vì họ quá nghiêng về Đức Thánh Linh.
          Họ cho rằng thời đại của Đức Cha chấm dứt cùng với sự giáng sinh của Chúa Jêsus. Và thời đại của Đức Con được bắt đầu, chấm dứt cùng với sự thăng thiên của Ngài. Và hiện nay thời đại Đức Thánh Linh được bắt đầu. Vì lời hứa của Chúa Jêsus về Đấng Yên ủi sẽ đến đã được thực hiện nên chính Monatnus là sứ giả của Đức Thánh Linh.
          Vì vậy Montanus và hai nữ tiên tri có thể tha tội cho con người, ban ân tứ cho con người. Hơn nữa họ chủ trương rằng tất cả tín đồ thật đều có thể nhận ấn tứ của Thánh Linh và những người chết cho phong trào này sẽ nhận được phước hạnh. Ngoài ra họ cũng mong ước ân tứ siêu nhiên giống như thời Hội Thánh đầu tiên như gọi kẻ chết sống lại, người bệnh được lành, tiên tri cứ nói tiên tri. Theo họ đây là “lời tiên tri mới”. Nội dung của lời tiên tri mới là sự tái lâm hầu đến và sự đoán phạt kinh khiếp, sự bách hại và Vương Quốc Thiên Hi Niên, Giê-ru-sa-lem mới tại Pepuza ở Phrygia, nếp sống khổ hạnh. Vì vậy, các tín đồ phải kiêng ăn, phải ra khỏi lối sống thế gian, để tập trung tại một nơi đã định chờ ngày tận thế. Họ kêu gọi sống thánh khiết để đón tiếp Chúa tái lâm. Nhưng người theo Montanus thường ăn lương khô, không cưới gả, mong muốn trở nên thánh tử đạo nhưng Giêrusalem mới tại Pepuza đã không hề đến với họ.
 
6. Thuyết Arius (Phủ nhận Christ đồng đẳng với Cha)
          Arius (280-336 AD) ra đời tại Lydia, đã theo học với trường phái Lucian, trở nên chấp sự của Hội thánh Alexandria, sau đó là trưởng lão Hội Thánh Baukalis. Giáo trưởng Alexandria luận về Ba Ngôi Đức Chúa Trời theo triết học nhưng Arius đã phản bác xem đây là quan điểm giống như của Sabellius. Điều này đã gây ra nhiều cuộc tranh luận.
          Arius nói rằng đã có một thời gian mà Đấng Christ không tồn tại vì Đức Con là vật thọ tạo đầu tiên do Đức Cha tạo ra trong các vật thọ tạo. Dù thời điểm sáng tạo ra Đức Con vô cùng xa xưa nhưng chúng ta có thể suy đoán rằng đã có thời gian mà Đức Con không tồn tại. Ông cũng cho rằng Chúa Jêsus không phải là Đức Chúa Trời cũng không phải là con người nhưng được tạo ra qua thời gian. Ông cất lấy tư cách Đấng Trung Bảo và Đấng Cứu Thế của Chúa Jêsus.
          Nhưng Hội Thánh phổ thông khẳng định rằng Đức Con giáng sinh vừa là Đức Chúa Trời vừa là con người hoàn toàn. Vì thế giáo trưởng Alexandria đã triệu tập giáo hội nghị, lên án và cách chức trưởng lão của Arius (321AD). Nhưng Arius không chịu vâng phục cứ rao truyền quan điểm minh nên Hội Thánh đối diện với nguy cơ bị phân rẽ. Các Hội Thánh tại Tiểu Á bèn triệu tập giáo hội nghị Nicea vào 20/5/325 AD.
          Trong hội nghị Arius vẫn giữ quan điểm thần học của mình là “Đấng Christ giống với Đức Cha” (Homoiousios). Lúc đó Athanasius là Chấp sự Hội Thánh Antiốt tuyên bố mạnh mẽ rằng: “Đấng Christ bình đẳng với Đức Cha (Homoousios)”. Kết quả là ngoài hai giám mục tất cả đều chấp nhận quan điểm của Athanasius. Sau cùng điều này được chép vào tín điều Nicea. […Jêsus Christ… Đức Chúa Trời thật sự là Đức Chúa Trời… không hề được tạo ra, được bày tỏ ra bằng bản tánh như Đức Cha…] Quan điểm Arius bị kết án, loại trừ khỏi Hội thánh.
 
7. Thuyết Pelagius (Pelagianism)
          Pelagius (360-420 AD) đã lập luận quan điểm mình với tư cách là một tu sĩ tại Ireland. Ông cho rằng:
            - Dù A-đam không phạm tội cũng sẽ chết.
            - Tội A-đam không hề lưu truyền cho cả nhân loại.
            - Con người được sanh ra trong tình trạng như A-đam trước khi phạm tội.
                        - Cả nhân loại không chết do tội của A-đam cũng không được sống lại do sự sống lại của Chúa Jêsus.
                        - Con người được cứu qua việc giữ luật pháp cũng như được cứu qua phúc âm.
            - Con người được trở nên trọn vẹn trước khi Chúa Jêsus tái lâm.
          Sai lầm lớn nhất của ông là “Phủ nhận nguyên tội”. Ông đã bị lên án, định tội ba lần tại hội nghị Carthage vào năm 412, 416, 418 AD, và tại hội nghị Giê-ru-sa-lem 415AD, tại hội nghị Triopolis 415 AD./.
 (nguồn:the-he-moi.blogspot.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét